Sáng 9-12, UBND tỉnh tổ chức lễ bàn giao hồ sơ 5 mỏ cát cho 4 nhà thầu thi công Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 để lập hồ sơ, thủ tục khai thác theo cơ chế đầu tư.
Theo đó, 5 hồ sơ mỏ cát được bàn giao cho các đơn vị, gồm: Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (được giao mỏ cát nằm trên địa bàn xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung); Công ty Cổ phần Hải Đăng (được giao mỏ cát nằm trên địa bàn thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề và xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung).
Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5- CTCP được giao mỏ cát nằm trên nằm trên địa bàn xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung) và Tổng Công ty Xây dựng số 1- CTCP được giao mỏ cát nằm trên địa bàn xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách.
5 mỏ cát này có tổng diện tích khoảng 458,5 ha, trữ lượng là 11.035.343m3 cát.
Tại lễ bàn giao, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết việc bàn giao hồ sơ mỏ cát cho các nhà thầu thi công là "chưa có tiền lệ" nên tỉnh vừa làm vừa nghiên cứu, không bỏ bước, không sai quy định và phối hợp chặt chẽ với nhà thầu theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Tỉnh Sóc Trăng đề nghị các nhà thầu ngay sau lễ bàn giao phải khẩn trương lập thủ tục đăng ký khai thác để phục vụ thi công các gói thầu xây lắp.
Đồng thời, yêu cầu các nhà thầu cam kết bảo vệ môi trường; bố trí kinh phí và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng còn đề nghị các nhà thầu khai thác cát đúng mục đích, tất cả cát cung ứng cho từng gói thầu thi công Dự án thành phần 4. Các nhà thầu thi công được giao khai thác 2 mỏ cát thì thực hiện khai thác trước 1 mỏ, nếu không đủ trữ lượng thì mới tiến hành khai thác mỏ thứ 2. Cát được khai thác chỉ được sử dụng cho Dự án thành phần 4.
Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn các nhà thầu thi công hoàn thiện các thủ tục theo cơ chế đặc thù đúng theo các nghị quyết của của Quốc hội, Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; khẩn trương thành lập tổ kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của nhà thầu thi công trong hoạt động khoáng sản tại các mỏ khoáng sản phục vụ dự án; thường xuyên theo dõi, cập nhật công suất, trữ lượng, chất lượng khai thác cát cung ứng cho dự án, định kỳ báo cáo UBND tỉnh.
Ban Quản lý Dự án 2 (chủ đầu tư) phải phối hợp đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công tổ chức lập dự toán các chi phí liên quan đến việc khai thác, thường xuyên theo dõi tiến độ thi công, đôn đốc nhà thầu thực hiện khai thác đảm bảo tiến độ dự án…
Các địa phương nơi có các mỏ cát phải hỗ trợ đơn vị thi công về các thủ tục niêm yết công khai khu vực mỏ, giám sát môi trường khu vực mỏ định kỳ, lắp đặt các bảng báo hiệu trên bờ khu vực mỏ. Đồng thời, thường xuyên giám sát quá trình khai thác mỏ để đảm bảo thực hiện đúng theo quy định.
Đại diện nhà thầu, ông Lê Xuân Long, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, cam kết khai thác các mỏ cát được bàn giao đúng mục đích sử dụng; tổ chức thi công các gói thầu thuộc Dự án thành phần 4 đảm bảo tiến độ, chất lượng, đúng thời gian quy định.
Theo Ban quản lý Dự án 2 tỉnh Sóc Trăng, Dự án thành phần 4 giai đoạn 1 có chiều dài 58,3km, nhu cầu sử dụng tổng cộng 6,6 triệu m3 cát đắp nền đường và 0,6 triệu m3 cát xây dựng cần phải được cung cấp trong 2 năm 2024 và 2025.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng, 5 mỏ cát vật liệu xây dựng thông thường nêu trên nằm trong Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 995/QĐ-TTg, ngày 25-8-2023 đáp ứng loại vật liệu dùng đắp nền đường.
Bình luận (0)