Thời gian qua, TP HCM tập trung chỉ đạo và thực hiện quyết liệt công tác chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn.
Giảm hơn 3.480 giờ làm việc
Theo UBND TP HCM, 6 tháng đầu năm 2024, công tác CĐS đạt nhiều thành tựu, trong đó có việc thành lập Trung tâm CĐS thành phố. UBND thành phố cũng phê duyệt 1.634 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính. Trong số này, 925 quy trình được tái cấu trúc dẫn tới giảm thời gian giải quyết hơn 3.480 giờ.
TP HCM hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch gồm sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký khai tử, sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con và thực hiện đồng bộ với cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp.
Việc triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ tại cơ quan nhà nước về chữ ký số, văn bản hành chính trên môi trường điện tử cơ bản đạt yêu cầu…
Một kết quả ấn tượng khác là thành phố thực hiện công bố kết quả xếp hạng CĐS của các cơ quan nhà nước trên địa bàn TP HCM năm 2023 (DTI 2023). Bộ chỉ số đã tác động tích cực giúp các đơn vị phát hiện điểm yếu, điểm mạnh, đề ra kế hoạch nâng cao chỉ số DTI 2024 tại đơn vị mình. Đồng thời, triển khai hệ thống theo dõi Bộ chỉ số đánh giá CĐS của thành phố.
Về hạn chế, thành phố nhìn nhận cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa thật đồng bộ, đôi lúc bị gián đoạn kỹ thuật. Việc bố trí kinh phí triển khai kế hoạch CĐS năm 2024 của một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời. Ngoài ra, quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình, quy trình từ xử lý văn bản giấy lên môi trường mạng tại một số cơ quan chưa triệt để; có tình trạng cán bộ, công chức, viên chức phải xử lý cùng lúc trên nhiều hệ thống, phần mềm quản lý...
Nhiều ứng dụng hướng tới người dân
Ngày 10-7, trao đổi với Báo Người Lao Động, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Lâm Đình Thắng cho biết trong 6 tháng cuối năm, thành phố tập trung hoàn thành mục tiêu của kế hoạch CĐS năm 2024.
Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông kích hoạt Hệ thống vận hành chính quyền số thành phố để tăng cường công tác quản lý các dự án, hạng mục công nghệ thông tin đúng tiến độ. Cạnh đó, nâng cao chất lượng những nền tảng, hạ tầng dùng chung; cập nhật kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử, phiên bản 3.0.
Dứt khoát với hệ thống cũ
Một trong nhiều đầu việc quan trọng mà TP HCM tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm, theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, là dứt khoát không để xảy ra tình trạng sử dụng 2 hệ thống Cổng Dịch vụ công mà chỉ thực hiện một Cổng Dịch vụ công trực tuyến của TP HCM kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia.
"Hai năm qua, TP HCM cho tồn tại cái cũ để quen cái mới rồi khép lại cái cũ nhưng chúng ta chưa khép lại được. Tháng 9 này, TP HCM sẽ thu hồi tài khoản của tất cả cơ quan, đơn vị đang thực hiện theo hệ thống cũ để chỉ áp dụng một hệ thống mới" - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Ông Lâm Đình Thắng cho hay về hạ tầng số, thành phố hoàn thành nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin liên thông, kết nối thông suốt từ thành phố đến phường xã, thị trấn. Hạ tầng số được giám sát, bảo đảm an toàn thông tin chặt chẽ, liên thông với Trung tâm Giám sát an toàn thông tin quốc gia.
Về chính quyền số, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch 100% cơ quan nhà nước áp dụng thống nhất quy trình số hóa, ứng dụng ký số và cấp giấy phép điện tử cho người dân trên nền tảng Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính thành phố. Bản đồ thể chế số trở thành công cụ để người dân, lãnh đạo theo dõi, đo lường, giám sát chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Giấy phép số sẽ được khai thác, áp dụng rộng rãi.
Đáng chú ý, app công dân thành phố sẽ ra mắt với mục tiêu trở thành kênh giao tiếp hợp nhất giữa thành phố với người dân. Người dân thông qua kênh giao tiếp này để tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công, truy cập thông tin một cách thuận tiện và hiệu quả nhất.
Về thúc đẩy Kinh tế số và Xã hội số, sẽ triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy hướng đến đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tỉ trọng đáng kể trong GRDP. Trong kế hoạch bao gồm công tác hỗ trợ CĐS cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh các chương trình thương mại điện tử, tập huấn triển khai cho tổ CĐS cộng đồng để thực hiện phổ cập các kiến thức CĐS cho người dân, triển khai các chuỗi sự kiện ngày CĐS quốc gia.
"Mục tiêu đến cuối năm 2024, thành phố sẽ hoàn thành các nền tảng số cơ bản và tiếp tục hoàn thiện đến năm 2025 theo định hướng lãnh đạo thành phố là toàn bộ nền hành chính thành phố sẽ được quản trị, thực thi và vận hành trên các nền tảng số" - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nói.
(*)Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-7
Chung quyết tâm
Nằm trong số nhiều địa phương nỗ lực CĐS, quận 3 chú trọng đầu tư, bố trí đa dạng nguồn kinh phí để xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ từ quận tới cơ sở. Theo UBND quận 3, công nghệ thông tin được ứng dụng tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và tiếp nhận thông tin nhanh chóng, chính xác cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác về kinh tế - xã hội.
Các đơn vị trong quận luôn quan tâm đến việc chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, điều hành và thực thi công vụ gắn với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, thay đổi thói quen làm việc. Từ đó, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, tiết kiệm chi phí và thời gian, công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính.
Với huyện Củ Chi, địa phương triển khai hàng loạt giải pháp nâng cao năng lực của nguồn nhân lực thực hiện công tác CĐS. Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện, khẳng định CĐS mang lại nhiều hiệu quả cho chính quyền và người dân. Để hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đòi hỏi đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, từ việc nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp đến xây dựng quy trình xử lý công việc, đầu tư hạ tầng cũng như vấn đề an toàn thông tin…
Nguyễn Phan - Thu Hồng
Bình luận (0)