Ngày 22-4, UBND TP HCM đã tổ chức hội thảo khoa học về xây dựng trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế Việt Nam tại TP HCM với chủ đề "Không gian phát triển và đào tạo nguồn nhân lực".
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết thành phố đang tiếp tục triển khai một số đầu việc trong quá trình xây dựng TTTC quốc tế. Diễn biến mới nhất là Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị tại kỳ họp cuối tháng 4-2025 về việc chỉ lập 1 TTTC quốc tế tại Việt Nam, đặt tại 2 nơi là TP HCM và TP Đà Nẵng, chứ không lập 2 trung tâm độc lập tại 2 thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại hội thảo .Ảnh: LAM GIANG
"Các chính sách liên quan đang được 2 địa phương và các bộ, ngành thảo luận. Đây là việc làm mới, khó nhưng vẫn có những cơ hội" - ông Nguyễn Văn Dũng nhìn nhận.
Tại hội thảo, một trong những chủ đề được các chuyên gia trao đổi là cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho TTTC quốc tế. Bởi lẽ, với lộ trình khoảng 10 năm xây dựng TTTC quốc tế, đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn.
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS), đề nghị thành phố nghiên cứu, xây dựng chính sách thu hút, đào tạo và phát triển, giữ chân nguồn lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính. Bởi lẽ, TTTC quốc tế đòi hỏi lực lượng lao động chuyên nghiệp, có trình độ cao trong các lĩnh vực then chốt như tài chính, ngân hàng, blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị rủi ro.
Theo TS Trương Minh Huy Vũ, TP HCM sẽ tập trung vào các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho TTTC quốc tế, như nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có thông qua đào tạo thực hành, cập nhật chương trình đại học. Bên cạnh đó, thiết lập các khóa đào tạo chuyên biệt để giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong các lĩnh vực tài chính và công nghệ; khuyến khích hợp tác với các tổ chức đào tạo quốc tế nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân lực tài chính…
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cũng trao đổi quan điểm về phương án xác định vị trí, địa giới hành chính, diện tích của TTTC quốc tế. Ông Đinh Khắc Huy, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP HCM, cho biết đã đề xuất 2 phương án xác định ranh giới hành chính của TTTC quốc tế, để từ đó lên phương án đấu giá các lô đất nhằm thu hút đầu tư; xin cơ chế chọn lựa nhà đầu tư chiến lược; chính sách thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế…
Cả 2 phương án đều xác định TTTC quốc tế sẽ được bố trí tại một phần khu lõi TTTC ở Thủ Thiêm, TP Thủ Đức và một phần khu lõi trung tâm thương mại - tài chính ở quận 1 với tổng diện tích 687 ha. "Riêng khu chức năng đặc biệt với 11 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích 9,2 ha, bao gồm 478.060 m2 sàn xây dựng thương mại - dịch vụ được xác định là khu lõi thu hút nhà đầu tư chiến lược tham gia xây dựng, phát triển TTTC quốc tế trong giai đoạn đầu" - ông Đinh Khắc Huy nhấn mạnh.
Một số chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng không nên xác định ranh giới địa lý cụ thể vì sẽ rất khó, mà nên chọn phương án ranh giới "mềm", linh hoạt. Theo đại diện Công ty CP Bất động sản Sơn Kim Land, nên xác định ranh giới "mềm" cho TTTC quốc tế, bám theo hệ thống hạ tầng giao thông để tạo đà, tạo lực phát triển, phù hợp với cả mục tiêu giãn dân và quy hoạch tổng thể.
Đề xuất sandbox cho giáo dục
PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, nêu quan điểm cần định hướng phát triển TTTC quốc tế thành trung tâm dữ liệu, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Nguồn nhân lực phải đủ sâu với đội ngũ chuyên gia; đủ rộng - đa ngành thay vì thuần túy là công nghệ, tài chính; đủ nhanh để đáp ứng sự phát triển công nghệ hiện nay và đủ mở - tạo quy định mở nhằm thu hút nguồn nhân lực quốc tế. Đặc biệt, cần có khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho giáo dục, tương tự sandbox cho công nghệ và tài chính" - PGS Khánh đề xuất.
Bình luận (0)