Cuối tháng 3, sau chuỗi ngày mưa rét, nắng bắt đầu dát vàng lên vùng núi Quảng Trị. Thời điểm này, quần thể mai cổ lọt giữa rừng đặc dụng, thuộc lâm phần Ban Quản lý Rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị, bắt đầu bung hoa, nhuộm vàng lèn núi.

Đường vào khu vực quần thể mai cổ sinh trưởng
Khung cảnh choáng ngợp
Ít ngày trước, qua điện thoại, ông Trương Quang Trung - Giám đốc Ban Quản lý Rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị, thông tin từ lực lượng bảo vệ rừng cho biết quần thể mai này có trên 300 gốc, nhiều cây đường kính từ 30-40 cm, mọc trên lèn núi.
Vì năm nay mưa rét kéo dài nên mai nở muộn, chỉ bắt đầu bung hoa từ những ngày cuối tháng 3. Sau nhiều lần lỡ hẹn, lần này ông Trung quyết băng rừng để khảo sát, tận mắt ghi nhận vùng mai cổ này. Tôi cùng đồng nghiệp xin đi theo và được ông đồng ý.
Quần thể mai cổ này hiện vẫn rất ít người biết, ngoại trừ các bậc cao niên trước đây sống bằng nghề sơn tràng ở vùng Triệu Nguyên, Ba Lòng và lực lượng bảo vệ rừng địa phương. Ngay cả đơn vị chủ rừng cũng chỉ mới nắm thông tin từ khoảng 3 năm nay. Nhiều người thạo đi rừng thuộc đơn vị này cũng chưa từng đặt chân đến. Vì thế, trong quá trình di chuyển, ai cũng khấp khởi, mong sớm đến nơi để tận mắt chiêm ngưỡng.
Đường vào quần thể mai cổ thật xa xôi, trắc trở. Chúng tôi phải nhiều lần lội qua khe Làng An, mò mẫm đi dưới tán rừng, mới đến nơi. Qua thiết bị GPS, mới biết khu vực quần thể mai cổ sinh trưởng cao trên 300 m so với mực nước biển, thuộc thượng nguồn khe Làng An. Theo bản đồ hành chính, khu vực này thuộc địa phận xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Giữa trưa, nắng xuyên qua tán rừng nhả những tia vàng óng ánh như tơ. Núi rừng thâm sơn không vì thế mà bớt đi vẻ thâm u. Theo chân lực lượng bảo vệ rừng, chúng tôi tiếp cận khu vực quần thể mai cổ sinh trưởng. Qua thiết bị flycam, hàng trăm gốc mai hiện ra với nõn lá mơn mởn giữa trập trùng thẫm xanh của cây rừng cuối xuân.
Chúng tôi men theo khe cạn, leo lên sườn núi để được chiêm ngưỡng từng gốc mai. Tại đây, nhiều cây mọc san sát, rễ bám chặt lấy đá núi. Đây là loài mai đọt xanh, mặt hoa 5 cánh, người miền xuôi vẫn thường hay chưng vào dịp Tết. Có nhiều cây cao trên 5 m, gốc đã hình thành nu nhỏ, cành lực lưỡng vươn mình về phía mặt trời lên. Chỉ khám phá một khu vực nhỏ thôi, nhưng nhẩm đếm có đến hàng chục cây mai quần tụ, trong đó nhiều gốc lớn gần một vòng tay ôm.
Gió núi, mưa rừng đã khiến hoa rụng khá nhiều. Những đoạn khe cạn nhẵn, đá núi bỗng chốc trở thành những suối hoa rực rỡ. Tuy vậy, một số cây vẫn còn hoa chi chít, nhuộm vàng cả góc rừng. Nhìn kỹ dưới tán mai cổ, nhiều cây non vươn mình sau những mùa hoa trước.

Một gốc mai cổ thụ ở khu vực thượng nguồn khe Làng An
Nỗ lực bảo tồn
Dẫn đường cho chúng tôi là những bảo vệ rừng người địa phương. Họ rất am tường vùng núi non hiểm trở này, đặc biệt là khu vực quần thể mai cổ sinh trưởng.
Trong số 25 người đang tham gia bảo vệ rừng đặc dụng ở xã Triệu Nguyên, nhiều người đã biết khu vực này từ lúc còn niên thiếu.
Ông Hà Ngọc Thư (60 tuổi, thuộc tổ bảo vệ rừng xã Triệu Nguyên) kể lúc hơn 10 tuổi đã theo cha đi rừng. Chính cha đã chỉ cho ông vùng mai cổ này. Lúc đó, ông Thư đã thấy nhiều cây mai gốc to lớn, choãi nhánh sum suê. "Ngay cả cha tôi cũng không biết rừng mai này có từ khi nào. Hỏi người khác thì họ nói đã có từ đời trước. Do đó, tôi nghĩ nhiều cây đến nay tuổi đời phải trên trăm năm" - ông Thư nhận định.
Ngày trước, theo ông Thư, cứ mỗi dịp cận Tết, người dân lại vào rừng đẵn cành mai gùi về nhà chưng Tết. Cành nào đưa về cũng sai nụ, khi bung hoa rất đẹp, lối xóm ai cũng trầm trồ. Nhưng nay, phần vì đường rừng trắc trở, phần vì được tuyên truyền bảo vệ nên tình trạng này đã không còn.
Tuy nhiên, theo ông, vì có giá trị cao nên nguy cơ quần thể mai cổ này bị xâm hại là rất cao nếu lực lượng giữ rừng lơ là, mất cảnh giác. Cách đây mấy năm, lực lượng bảo vệ rừng cũng đã từng đẩy đuổi một nhóm hơn chục người có ý định vào đào bứng mai cổ đưa về. Trong nhóm này không chỉ có người địa phương mà cả người ngoại tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng xã Triệu Nguyên, cho hay muốn vào quần thể mai cổ, chỉ có một lối mòn độc đạo và phải đi qua chốt bảo vệ rừng. Tuyến đường mòn này có từ xa xưa, men theo khe Làng An để lên thượng nguồn sông Đakrông. Địa hình vùng núi non này vô cùng hiểm trở với những Động Chè, Động Trăn, Động Chấn… cao ngút tầm mắt.
Để bảo vệ hơn 3.700 ha rừng đặc dụng nói chung và quần thể mai cổ nói riêng, lực lượng bảo vệ rừng Triệu Nguyên luôn túc trực 24/24 giờ. "Mỗi tuần, chúng tôi đều cắt cử người vào nơi quần thể mai cổ sinh trưởng để theo dõi, bảo vệ. Nhờ vậy mà những năm qua, khu vực này không bị con người tác động" - ông Kỳ chia sẻ.
Sau chuyến khảo sát, ông Trương Quang Trung khẳng định: "Trước mắt, đơn vị sẽ tăng cường lực lượng bảo vệ, giữ nguyên trạng quần thể mai cổ này. Sau này, nếu có kinh phí, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đánh giá số lượng quần thể cụ thể và đưa ra chiến lược tái sinh tự nhiên, song song với công tác bảo tồn".

Mỗi năm, ông Hà Ngọc Thư có hàng chục chuyến băng rừng vào theo dõi, bảo vệ quần thể mai cổ
Đường thượng đạo
Trong cuốn "Khảo về Quảng Trị xưa", tác giả Lê Đức Thọ đã phác họa cung đường thượng đạo xuyên sơn từ vùng Cùa - nơi có căn cứ sơn phòng Tân Sở, lên thượng nguồn sông Đakrông: Đường từ Cùa băng qua Tân Sở, vượt đèo 365 đến Bình Trị có một nhánh xuống Na Nẫm, một nhánh xuống Ba Lòng. Nhánh xuống Ba Lòng ở khu vực Làng Hạ. Nhánh xuống Na Nẫm qua sông Thạch Hãn ở làng Xuân Lâm (xã Triệu Nguyên) rồi theo khe Làng An lên núi Mai Lĩnh đến Trại Cá, xã Tà Long.
Theo tác giả, từ xa xưa và nhất là thời Pháp thì đây là một tuyến quan trọng của con đường thượng đạo xuyên sơn. Con đường này, theo tác giả, cũng chính là con đường thượng đạo mà ngự đoàn Vua Hàm Nghi đã đi khi rời khỏi thành Tân Sở qua thung lũng Ba Lòng, lên Mai Lĩnh, sau đó vượt sông Đakrông qua Trại Cá để lên Lao Bảo, qua Lào sau ngày 26-7-1885…
Chúng tôi dẫn chứng như vậy là để gợi mở rằng không phải ngẫu nhiên mà giữa rừng sâu núi thẳm lại có một quần thể mai vàng 5 cánh cổ thụ đến thế…

Hoa mai rụng tạo thành suối hoa trên khe cạn

Một cây mai con nằm dưới tán mai cổ thụ
Bình luận (0)