Trong khu vườn nhỏ giữa lưng chừng đồi tại thôn Hành Rạc 1 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận), anh Katơr Kinh đang tỉ mỉ chăm sóc những cây bưởi vừa trổ hoa.
"Lâm tặc"… giữ rừng
Ít ai biết rằng, hơn 10 năm trước, anh Katơr Kinh là "kẻ thù" của rừng. Không có đất sản xuất, Katơr Kinh cùng một số bà con trong thôn Hành Rạc nhiều lần lén lút chặt phá rừng để làm rẫy. Trong một lần như thế, anh bị phát hiện và phải trả giá bằng bản án 4 năm tù giam.
"Tôi luôn day dứt lương tâm. Tôi nhận ra rừng không chỉ là nguồn sống mà còn là ngôi nhà chung của muôn loài. Tôi không muốn những đứa con của mình sau này phải sống trong môi trường bị tàn phá, không muốn hàng xóm trượt ngã theo vết chân của tôi" - anh Katơr Kinh chia sẻ.
Được các cán bộ quản giáo giúp đỡ, anh hăng say lao động, cải tạo và được trại giam nhận xét tích cực.
Ra tù, Katơr Kinh trở về với quyết tâm làm mọi cách để bù đắp những sai lầm đã gây ra. Năm 2015, anh quyết định tham gia vào tổ cộng đồng bảo vệ rừng của xã Phước Bình. Bằng sự nhiệt huyết, năng nổ, Katơr Kinh nhanh chóng chiếm được cảm tình của các thành viên trong tổ, của bà con trong thôn. Để rồi đến nay, người tù năm nào đã làm tổ trưởng tổ cộng đồng bảo vệ rừng tiểu khu 29A, Vườn Quốc gia Phước Bình, với 20 thành viên và là Trưởng thôn Hành Rạc 1.
"Khu vực thôn của chúng tôi, bà con thường xuyên phá rừng để trồng bắp. Do tập tánh canh tác nên việc thay đổi nhận thức của bà con là rất khó. Không ít trường hợp bà con còn chống đối quyết liệt. Nhưng bằng sự kiên trì, mềm dẻo thuyết phục, và bằng bài học của chính tôi, anh em trong tổ đã thuyết phục bà con bỏ dần việc phá rừng làm nương rẫy" - anh Katơr Kinh nói.
Theo anh Chamaléa Năng, thành viên tổ bảo vệ rừng, quá trình tuần tra, giữ rừng, nhiều người dân trong thôn được tổ trưởng Katơr Kinh khuyên ngăn, đã quay về nương rẫy gần nhà để canh tác.
"Thay vì tiếp tục phá rừng trồng bắp, nhiều bà con được tổ, mà đứng đầu là anh Katơr Kinh vận động, thuyết phục về trồng sầu riêng, bưởi, cây ăn trái và chăn nuôi gần nhà. Nhờ vậy mà các tiểu khu do tổ bảo vệ được hoàn thành tốt. Năm 2023, chúng tôi được đơn vị chủ rừng tín nhiệm giao quản lý thêm rừng tại tiểu khu 29A, rộng 550 ha, là điểm nóng trong phá rừng trước đây, để vận động bà con cùng bảo vệ rừng" - anh Chamaléa Năng hào hứng.
Truyền thuyết về núi thiêng
Núi Cư H'lăm nằm trong lòng thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk), chỉ cách TP Buôn Ma Thuột chưa đầy 15 km. Thế nhưng hàng trăm năm qua, núi Cư H'lăm vẫn giữ được vẻ nguyên sơ xanh ngát nhờ ý thức của cộng đồng xung quanh, gắn với truyền thuyết về một chuyện tình éo le.
Theo người dân bản địa, tên ngọn núi được lấy từ tiếng Ê Đê. Trong đó Cư nghĩa là núi, H'lăm là hôn nhân trái đạo đức. Truyền thuyết kể rằng xưa kia buôn làng Ê Đê sinh sống êm đềm quanh ngọn núi. Trong buôn làng có 2 anh em cùng họ là H'Hoan Niê và Y Nhái Niê đem lòng yêu nhau nhưng gia đình và dân làng ngăn cấm. Vào một đêm trăng sáng, 2 người lên núi tâm sự rồi trao thân cho nhau. Sau đó, dân làng biết sự việc nên theo luật tục, 2 người phải chịu sự trừng phạt.
Chàng Y Nhái Niê phản đối việc bị trừng phạt bằng cách rời bỏ làng ra đi, còn nàng H'Hoan ngày ngày lên núi than khóc, nguyện cầu người yêu trở về. Nỗi thương nhớ người yêu đã khiến toàn thân H'Hoan Niê tan vào dòng nước hòa vào lòng đất. Sau đó, buôn làng nơi ấy dần sụp xuống, tạo nên hồ Cư H'lăm cạnh núi Cư H'lăm ngày nay. Còn chàng Y Nhái Niê sau thời gian dài biệt xứ đã trở về chốn cũ nhưng chẳng thấy người yêu và buôn làng đâu. Ngày qua ngày, chàng khóc thương người yêu rồi cũng qua đời trên núi.
Về sau, người dân đã đặt tên núi là Cư H'lăm để nhắc nhở con cháu đừng để tai họa cho bản thân và buôn làng. Dân làng tin vào lời nguyền rằng hồn nàng H'Hoan Niê vẫn ngự trị trên núi, trở thành nữ chúa rừng xanh, ai chặt cây cối về làm nhà thì trước sau gì cũng gặp tai họa. Ai có uẩn khúc thì lên núi khấn nguyện sẽ cảm thấy được giải tỏa, thanh thản.
Ông Y Xý Niê cho biết vì tin điều đó nên bao nhiêu năm qua, người dân trong vùng luôn chung tay bảo vệ rừng, không bao giờ chặt phá cây, săn bắn thú rừng. Những hộ dân canh tác cạnh rừng cũng không bao giờ phát dọn cây rừng gần đó để lấn chiếm đất. "Truyền thuyết về núi thiêng được truyền miệng qua bao đời nay. Đồng bào các dân tộc sinh sống quanh núi Cư H'lăm không bao giờ đụng đến rừng, mà chung tay bảo vệ rừng thiêng" - ông Y Xý Niê nói.
Vỏn vẹn gần 20 ha giữa bốn bề dân cư nhưng núi Cư H'lăm ngày nay vẫn như một khu rừng nguyên sinh chưa bị con người tác động. Cây rừng ở đây vẫn đầy đủ 5 tầng tán với 3 tầng trên có nhiều cây lớn, có những gốc cây 4-5 người ôm không xuể, tầng kế là cây bụi và dưới cùng là thảm cỏ. Trong một điều tra của cơ quan chức năng, Cư H'lăm có hơn 100 loài cây, trong đó có nhiều gỗ quý và dược liệu cùng nhiều loài thú như khỉ, trăn, nhím, chồn, kỳ đà… Núi Cư H'lăm đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cư M'gar, cho biết núi Cư H'lăm được quản lý, bảo vệ rất tốt, nhiều năm qua không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, chặt phá cây rừng, cháy rừng, một phần nhờ câu chuyện về rừng thiêng.
Bình luận (0)