icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyển động tất yếu

TS Huỳnh Thanh Điền (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định, việc DN thành lập mới tăng mạnh cho thấy niềm tin vào triển vọng kinh doanh trong nước đang được khơi thông

Sáu tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 91.200 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó là 61.500 DN quay lại hoạt động, nâng tổng số DN gia nhập thị trường lên 152.700.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định, việc DN thành lập mới tăng mạnh cho thấy niềm tin vào triển vọng kinh doanh trong nước đang được khơi thông. Một phần đến từ các chính sách tài khóa nới lỏng, kéo dài giảm 2% thuế GTGT, điều hành lãi suất hợp lý giúp DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Nhưng quan trọng hơn là các cải cách thể chế đang phát huy hiệu quả.

Trong đó, Nghị quyết 198 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đã phát huy mạnh mẽ cam kết của nhà nước trong việc đưa hộ kinh doanh hoạt động trong "vùng tối" ra "vùng sáng". Nghị quyết này không chỉ yêu cầu các hộ có doanh thu lớn phải kê khai và nộp thuế trên doanh thu mà còn tạo động lực rõ ràng cho việc chuyển đổi lên DN thông qua các ưu đãi như: DN thành lập mới được miễn thuế 3 năm, chỉ thanh - kiểm tra 1 lần/năm, tiếp cận chính sách tín dụng và chương trình hỗ trợ riêng…

Nhiều năm qua, nền kinh tế có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó khoảng 20%-30% hộ kinh doanh có quy mô, doanh thu không thua gì DN vừa. Tuy nhiên, họ né tránh chuyển đổi do tâm lý ngại thanh - kiểm tra, sợ thủ tục phức tạp và hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh, họ được đóng thuế khoán, đa phần mang tính tượng trưng. Với Nghị quyết 198, nếu không chuyển đổi, các hộ này sẽ chịu gánh nặng thuế lớn hơn khi phải kê khai theo doanh thu thực tế. Trong khi đó, lên DN thì lại có ưu đãi thuế, ít kiểm tra hơn - một phép so sánh dễ thấy cái lợi.

Tuy nhiên, cải cách lớn nhất không phải ở ưu đãi thuế, mà là ở cách tiếp cận mới trong quản lý nhà nước. Trước đây, DN muốn làm gì cũng phải xin phép, qua nhiều vòng kiểm tra - gọi là "tiền kiểm". Nay chuyển sang "hậu kiểm" - DN được chủ động khai báo hoạt động, cơ quan chức năng kiểm tra sau. Cách làm này giảm thiểu phiền hà, tăng tốc quá trình ra thị trường, đặc biệt có lợi cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Sự gia nhập ồ ạt của DN trong 6 tháng qua phần lớn đến từ những người từng là hộ kinh doanh hoặc cá nhân hành nghề tự do, nay thấy rõ cơ hội, môi trường thuận lợi hơn và chính sách nhất quán hơn.

Tuy nhiên, để duy trì và lan tỏa xu hướng tích cực này, nhà nước cần xây dựng khung pháp lý tối giản cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Nếu một DN nhỏ vừa chuyển đổi mà bị áp các quy định như một công ty quy mô hàng trăm tỉ đồng thì sẽ không thể sống nổi. Do đó, nhà nước cần tiếp tục cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số trong đăng ký - kê khai - nộp thuế, đồng thời có hệ quy chuẩn riêng cho nhóm này. Ngoài ra, nên ưu tiên mua sắm công từ DN nhỏ, thiết lập quỹ tài chính vi mô để hỗ trợ nhóm DN mới hình thành, giúp họ có cơ hội phát triển bền vững.

Có thể nói, số DN thành lập mới tăng nhanh là kết quả của cả một quá trình thúc đẩy cải cách chính sách, tái cấu trúc môi trường kinh doanh và sự điều chỉnh hành vi của hộ kinh doanh, doanh nhân. Nếu duy trì đà này bằng hệ sinh thái hỗ trợ phù hợp, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một làn sóng DN vươn lên mạnh mẽ, đóng góp thực chất cho phát triển kinh tế quốc gia. 

Thanh Nhân ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo