Những ngày cận Tết Nguyên đán GiápThìn 2024, chúng tôi đến xóm chạy thận đối diện Bệnh viện Đa khoa TP Vinh cơ sở 2. Vừa đến đầu dãy nhà trọ trên đường Lê Ninh (phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An) chúng tôi bắt gặp nhiều bệnh nhân chạy thận đang đốt lửa sưởi ấm, ngồi lặng lẽ cạnh nhau. Chị Chu Thị L. (SN 1987, quê huyện Diễn Châu, Nghệ An), nói: "Tôi bị mù 2 mắt vào ở đây thuê phòng chạy thận đã 5 năm nay rồi. Năm nào cũng vầy, 30 Tết về nhà, mùng 2 Tết lại khăn gói vào để chữa bệnh. Nhà nghèo, đau ốm quanh năm nên chẳng mấy khi nghĩ đến Tết cả".
Trong các căn phòng nhỏ, thiếu thốn, những con người kém may mắn đó vẫn nương tựa vào nhau để có thể chống chọi với bệnh tật. Đó là trường hợp của vợ chồng ông Nguyễn Văn K. (SN 1953, trú huyện Anh Sơn, Nghệ An). Ông bị bệnh nặng, đã xuống ở trọ cạnh bệnh viện chạy thận 9 năm. Do bệnh nặng, đi lại khó khăn nên vợ ông K. phải rời quê xuống ở trọ cùng để chăm sóc chồng. Không đủ tiền để thuê căn phòng trọ nhỏ với giá 1,3 triệu đồng/tháng, vợ chồng quyết định ở ghép với một bệnh nhân chạy thận khác để giảm bớt chi phí.
"Ông ấy sức khỏe yếu, đi lại phải có người giúp nên từ ngày ông ấy xuống TP Vinh đi chạy thận là tôi phải khăn gói đi theo. Nhà nghèo, tiền không có, xuống đây ai thuê việc gì thì đi làm kiếm tiền mua gạo ăn qua ngày. Đã 9 năm nay, từ khi chồng tôi mắc bạo bệnh, gia đình tôi chưa bao giờ có tết cả" - bà Tô Thị M., vợ của K., nói
Đa số bệnh nhân ở xóm chạy thận được nhà nước hỗ trợ, các mạnh thường quân giúp đỡ, song nhiều người vẫn khó khăn, không đủ duy trì được việc chạy chữa. Họ làm đủ thứ nghề từ nhặt ve chai, rửa bát thuê, dọn dẹp nhà cửa... để có thêm tiền trang trải chi phí hằng ngày.
Video người dân xóm chạy thận trong những ngày giáp Tết
Được biết, xóm chạy thận cạnh cơ sở 2 Bệnh viện Đa khoa TP Vinh đã hình thành hàng chục năm nay. Khu nhà trọ cũ này là nơi trú ngụ của nhiều cảnh đời kém may mắn. Cuộc sống của họ là những chuỗi ngày dài sống chống chọi với bệnh tật. Ông Lương Văn T. (SN 1967, trú xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), chia sẻ: "Xuống đây chạy thận đến đã 6 năm nay rồi. Năm hết tết đến rất muốn về quê với gia đình, nhưng không có tiền nên chưa về nhà được".
Chiều cuối năm, rời xóm chạy thận, nhìn những bệnh nhân ngồi bên nhau với mong ước được sum vầy cùng gia đình trong những ngày Tết cổ truyền, khiến lòng tôi như thắt lại. Hi vọng có một phép màu để những người như họ có thể chiến thắng bệnh tật, về đoàn tụ với gia đình trong những ngày Tết đến, Xuân về.
Bình luận (0)