Đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ ngày 76 y bác sĩ ở 6 bệnh viện của tỉnh Quảng Ninh bước vào cuộc chiến với Covid-19 tại TP HCM.
Các bác sĩ Quảng Ninh được điều động vào tâm dịch TP HCM
Tôi vẫn còn nhớ như in sáng hôm ấy, cách đây tròn 2 tháng, tôi nhận được điện thoại của bác sĩ CK II Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, triệu tập vào lực lượng bổ sung cho tuyến đầu chống dịch tại TP HCM.
Ngày lên đường, tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì mình được chọn trong danh sách hàng trăm nhân viên y tế tại bệnh viện đang sẵn sàng nhận lệnh vào tâm dịch. Nhưng khi đặt chân đến nơi, tôi mới cảm thấy sự khốc liệt của đại dịch Covid-19 đã gây ra cho người dân TP này.
Lượng người bệnh quá lớn, luôn dao động 1.000-1.200 bệnh nhân Covid-19. Nhân lực quá mỏng, chỉ hơn 100 người nên trung bình mỗi bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên phải chăm sóc, điều trị và quản lý từ 100-150 bệnh nhân. Ngoài ra, mỗi người làm việc theo tua kéo dài từ 8-10 giờ/ngày, trong điều kiện trang phục bảo hộ liên tục khiến cơ thể kiệt sức vì mất nước và điện giải.
Bữa ăn vội khi vẫn còn mặc đồ bảo hộ
Bệnh nhân ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ trẻ em còn bú sữa mẹ đến người già cao tuổi. Mỗi người nhập viện là một hoàn cảnh, bệnh lý khác nhau. Nhiều người có bệnh lý nền tăng huyết áp, đái tháo đường, lao, hen, gout…
Đặc thù Covid-19, do bệnh nhân diễn biến nặng nhanh, nguy cơ lây nhiễm cực cao nên nhân lực chăm sóc và cận kề họ nhất là nhân viên y tế.
Công việc hậu cần cũng vất vả không kém việc chuyên môn
Ngoài làm chuyên môn, một số nhân viên y tế được sắp xếp làm hậu cần. Người làm hậu cần vất vả không kém, ngày đêm đồng hành cùng các y bác sĩ phục vụ bà con nào là điện mất, nước rò rỉ, giường hỏng, quạt cháy, bóng điện mờ… đến việc tìm người thân lạc.
Những ngày đầu là những ngày thực sự "khói lửa". Lúc ấy chưa có đơn vị hậu cần nên khối lượng công việc rất lớn lại không thể san sẻ cho ai… Từ khuân vác đồ, chuyển đồ, dọn dẹp, vệ sinh, lau rửa, sửa điện nước cho cả 3 tòa nhà chung cư bỏ hoang 8 năm… đến chuyển đồ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bệnh nhân, phun khử khuẩn, vận chuyển rác thải, trang thiết bị y tế… đều đến tay nhân viên y tế.
Thăm khám cho các bệnh nhân mắc Covid-19 ở Bệnh viện dã chiến số 12
Chỉ trong một thời gian ngắn chuẩn bị, ngày 10-8, Khu A,B,C, Bệnh viện dã chiến số 12 chính thức đón tiếp hơn 100 bệnh nhân ngay trong ngày đầu tiên đi vào hoạt động.
Mọi chuyện đến nay ổn định hơn rất nhiều, khi lực lượng dân quân, bộ đôi, tình nguyện viên được tăng cường… với hơn 50 chiến sĩ.
Từ sáng sớm đến tối, trong cái nắng oi ả hay cơn mưa tầm tã của mùa hè, các chiến sĩ áo xanh bảo hộ kín mít tất bật sắp xếp, vận chuyển các suất ăn đến cho từng bệnh nhân.
Với 3 block nhà, mỗi block 14 tầng, 17 tầng và 24 tầng… chỉ mỗi đi không thôi thì mồ hôi cũng ướt đẫm áo, trong khi trên tay họ nặng trĩu những suất cơm.
Trên tay nặng trĩu những suất cơm cho bệnh nhân
Sau mỗi bữa ăn là thu gom vận chuyển rác thải, vận chuyển đồ của người nhà gửi cho cả ngàn bệnh nhân.
Chẳng thể tính được những gì công sức mà các nhân viên y tế đã đóng góp cho "cuộc chiến" này. Nhưng nhờ có sự trợ giúp nhiệt tình của bộ đội và dân quân, tình nguyện viên, chúng tôi hoàn toàn yên tâm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Vượt qua rất rất nhiều thách thức, 4.000 bệnh nhân đã được chữa khỏi, ra viện về đoàn tụ với gia đình. Đây là động lực lớn nhất đối với chúng tôi. Hy vọng trong thời gian tới sẽ còn nhiều bệnh nhân hơn nữa được điều trị khỏi.
Phút thư giãn hiếm hoi của các y bác sĩ Quảng Ninh
Hiện tại dịch bệnh phần nào được kiểm soát. Số bệnh nhân diễn tiến nặng giảm đi rất nhiều. Chúng tôi lần lượt được rút về địa phương, đợt 1 ngày 22-9, đợt 2 dự kiến vào ngày 30-9 này.
Hoàn thành nhiệm vụ, anh em trong đoàn ai cũng thấy vui. Trở về sau chuyến này, chúng tôi sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để tiếp tục cùng các đồng nghiệp tham gia phòng chống dịch tại Quảng Ninh.
Bình luận (0)