Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cho biết hơn 150 y bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện ca lấy - ghép đa tạng từ người cho chết não vào chiều 9-2 (tức 30 Tết Giáp Thìn) mở ra cuộc sống mới cho nhiều cuộc đời được tái sinh.
Sau 1 ngày ghép tạng, có những bệnh nhân được rút máy thở, chỉ số khí máu gần như người bình thường, bệnh nhân đã nói chuyện với các thầy thuốc và tự ăn.
Thiếu tướng GS-TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết đối với cuộc "đại phẫu thuật" lần này, bệnh viện chủ động hoàn toàn về công tác tổ chức, điều phối và thực hiện.
Chiều 30 Tết, bệnh viện đã tổ chức lấy và ghép 8 mô tạng gồm tim, gan, thận, thận - tụy, 2 tay, 2 giác mạc (trong đó có 2 tạng lần đầu thực hiện tại bệnh viện là ghép tim và ghép tụy - thận), đồng thời lấy phổi điều phối cho Bệnh viện Phổi Trung ương ghép.
Ghép tạng tái sinh cho nhiều cuộc đời
Theo GS Song, trong số các ca ghép trên, ghép đồng thời tụy - thận được đánh giá là kỹ thuật phức tạp nhất.
Ghép tụy là một kỹ thuật ngoại khoa phức tạp đòi hỏi sự đánh giá, chuẩn bị kỹ lưỡng trước ghép về chỉ định và sự phù hợp giữa người cho - người nhận.
Bất cứ sai sót nhỏ nào khi phẫu thuật tụy có thể gây ảnh hưởng rất lớn tới các tạng khác và nguy hiểm cho người nhận. Đặc biệt, bệnh nhân phải trải qua quá trình hậu phẫu (điều trị và theo dõi sau ghép) rất phức tạp với nhiều nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra.
"Sau ca ghép, trước thềm năm mới Giáp Thìn, những nhịp tim đầu tiên ở người nhận tim đã chạy trên màn hình theo dõi liên tục, cùng với các mô, tạng khác đang dần hồi sinh trong cơ thể của các bệnh nhân nhận gan, thận, thận - tuỵ, chi thể, trong niềm hạnh phúc của các thầy thuốc..." - GS Song chia sẻ.
Riêng ca ghép phổi được thực hiện tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Trong chiều 30 Tết, các y bác sĩ cũng thành công thực hiện ca ghép phổi toàn bộ.
Ghép phổi cho một thiếu nữ
Ngày 10-2 (mùng 1 Tết), PGS-TS Vũ Xuân Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết sau ca ghép phổi kéo dài 6 giờ vào chiều 30 Tết, đến sáng mùng 1 Tết, bệnh nhân ghép phổi đã được rút máy thở, có thể nói chuyện với các thầy thuốc, phục hồi vận động.
Bệnh nhân được ghép phổi là một thiếu nữ, mắc bệnh lý hiếm gặp, tổn thương nghiêm trọng và tiên lượng xấu cả 2 phổi. Trước thời điểm được ghép phổi, bệnh nhân phải can thiệp tim phổi nhân tạo (ECMO).
Theo PGS Phú, để thực hiện ca ghép phổi từ người hiến chết não cho nữ bệnh nhân trẻ này, hàng trăm thầy thuốc, nhân viên y tế đã quay trở lại bệnh viện dù nhiều người đã về quê nghỉ Tết.
"Thành công sau ca ghép phổi chính là niềm vui, hạnh phúc của thầy thuốc và gia đình bệnh nhân trong ngày đầu năm mới" - PGS Phú chia sẻ.
Bình luận (0)