Sau nhiều năm công tác tại một phòng chuyên môn của UBND quận Tân Bình (cũ), TP HCM, chị Trần Thị Mỹ Linh (32 tuổi) không ngờ mình nằm trong danh sách tinh giản. "Tôi từng nghĩ đây sẽ là nơi làm việc cả đời. Khi nhận quyết định, tôi hụt hẫng" - chị Linh nhớ lại.
"Tự cứu mình"
Tâm trạng của chị Linh không phải cá biệt. Trong đợt tinh giản vừa qua, hàng ngàn công chức, viên chức và người lao động (NLĐ) tại các đơn vị công lập trên cả nước mất việc. Dù đã có chính sách hỗ trợ nhưng với nhiều người, nỗi lo lớn nhất không phải là tài chính mà là tương lai nghề nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy nếu thay đổi được tư duy và biết nắm bắt cơ hội, đây hoàn toàn có thể trở thành bước ngoặt đáng giá trong cuộc đời.
Với chị Linh, sau thời gian vật lộn với khủng hoảng tâm lý, chị quyết định đăng ký một khóa học về truyền thông số. Nhờ năng khiếu viết lách và khả năng tổ chức sự kiện, chị nhanh chóng được một doanh nghiệp (DN) truyền thông khá lớn mời làm việc với vị trí trưởng phòng sự kiện. Sau hơn 3 tháng thích nghi với môi trường tư nhân, chị đã chứng tỏ được năng lực. Hiện tại, chị có thể tự chủ tài chính, làm việc linh hoạt và còn dành thời gian chăm sóc con nhỏ.
Tương tự, anh Lê Thanh Huyên - nguyên cán bộ kỹ thuật tại một đơn vị sự nghiệp công lập ở tỉnh Bến Tre (cũ) - sau khi nghỉ việc đã cùng bạn bè mở xưởng cơ khí nhỏ phục vụ đóng tàu cá. "Hồi tôi còn làm nhà nước, lương 6 triệu đồng/tháng, đi làm đều đặn nhưng không dư dả. Giờ tuy vất vả hơn nhưng thu nhập ổn định cao gấp 4 lần, quan trọng là tôi làm chủ được công việc của mình" - anh Huyên bày tỏ. Những trường hợp như chị Linh, anh Huyên hay hàng chục người khác đã và đang "tự cứu mình" sau tinh giản không phải hiếm.
Thạc sĩ chính sách công Nguyễn Tuấn Anh (Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn) cho rằng chính sách tinh giản không nên chỉ nhìn ở góc độ cắt giảm nhân sự, mà phải xem là một phần trong chiến lược cơ cấu lại bộ máy hành chính. Việc tinh giản đang tạo ra một nhóm lao động có trình độ nhưng buộc phải tái cấu trúc năng lực để thích ứng với môi trường mới. "Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội. Vấn đề là liệu hệ sinh thái đào tạo lại, hỗ trợ nghề nghiệp và chính sách chuyển đổi việc làm đã đủ mạnh để đồng hành với NLĐ chưa?" - ThS Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh hỗ trợ tài chính, điều cốt lõi là nhà nước và xã hội phải tạo điều kiện để nhóm lao động này được học lại, làm lại và phát triển lại kỹ năng. Đặc biệt, cần khuyến khích họ tiếp cận các mô hình nghề nghiệp mới - như lao động tự do chuyên môn cao, tư vấn độc lập, kinh doanh nhỏ hoặc khởi nghiệp trong các lĩnh vực phù hợp.

Công chức, viên chức được tư vấn việc làm ngay khi đi làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp
Hỗ trợ tối đa
Theo thống kê từ Bộ Nội vụ, từ năm 2021 đến nay, cả nước đã tinh giản hơn 60.000 biên chế. Riêng năm 2025 dự kiến tinh giản khoảng 20.000 công chức, viên chức, tập trung vào các ngành nghề chồng chéo, ít hiệu quả hoặc đang cơ cấu lại.
NLĐ thuộc diện tinh giản hiện được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ: trợ cấp một lần, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi việc làm, ưu tiên tiếp cận tín dụng nhỏ, được kết nối với doanh nghiệp tư nhân qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Nguyễn Bắc Nam cho biết thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách sau sắp xếp bộ máy và đơn vị hành chính.
Sở Nội vụ đề nghị các đơn vị khẩn trương khảo sát năng lực, nhu cầu, định hướng nghề nghiệp; tổ chức đào tạo kỹ năng mềm, bổ sung kiến thức cần thiết và xây dựng cơ chế kết nối hiệu quả giữa cung - cầu lao động.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước tích cực phối hợp tuyển dụng, hỗ trợ việc làm cho các đối tượng không tiếp tục nhiệm vụ sau sắp xếp.
UBND TP HCM đã phê duyệt Đề án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ mua - thuê mua nhà ở xã hội cho nhóm đối tượng này. Thành phố cũng huy động hệ thống dịch vụ việc làm tham gia tư vấn, giới thiệu miễn phí; hỗ trợ nhà tuyển dụng phỏng vấn, tuyển chọn trực tiếp những người thuộc diện sắp xếp.
Ngoài ra, TP HCM hỗ trợ chi phí học nghề (trung bình 5,6 triệu đồng/người), tiền ăn, đi lại và chính sách vay vốn tối đa 300 triệu đồng/người, lãi suất 0% trong 5 năm đầu. Chính sách này nhằm giảm bớt lo lắng, nâng cao chất lượng nhân lực và khuyến khích NLĐ quay lại thị trường sau sắp xếp.
Bình luận (0)