50 năm sau ngày non sông thu về một mối, Việt Nam đã vươn mình mạnh mẽ, đầy sức sống, bản lĩnh và khát vọng hội nhập, phát triển. Những thành tựu to lớn về kinh tế, đối ngoại, hợp tác quốc tế... không chỉ thể hiện sức bật phi thường của dân tộc Việt Nam, mà còn xác lập tầm vóc, vị thế ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế.
Bước tiến thần kỳ
Cách đây nửa thế kỷ, Việt Nam còn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Hạ tầng đổ nát, sản xuất trì trệ, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Thế nhưng, với tinh thần "không có gì quý hơn độc lập, tự do", cùng quyết tâm đổi mới, Việt Nam đã làm nên điều kỳ diệu. Từ khi khởi động công cuộc Đổi mới năm 1986, nền kinh tế liên tục bứt phá.
Tốc độ tăng trưởng GDP luôn nằm trong nhóm cao nhất thế giới. Từ năm 1990 đến 2000, GDP Việt Nam tăng trung bình 7,5% mỗi năm. Sang thập kỷ tiếp theo, tăng trưởng duy trì ở mức ổn định 6%-7%/năm.
Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới lao đao vì đại dịch COVID-19 (2020 - 2021), Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia duy trì tăng trưởng dương. Giai đoạn 2022 - 2024, tăng trưởng đã phục hồi ngoạn mục: năm 2022 đạt 8,02%, năm 2023 hơn 5% và năm 2024 đạt 7,09%.
Từ một nền kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng bởi chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao. Năm 2024, GDP đạt hơn 476 tỉ USD, bình quân đầu người đạt 4.700 USD, xếp thứ 5 Đông Nam Á và thứ 34 toàn cầu.
Không chỉ tăng trưởng về quy mô, cơ cấu kinh tế cũng đang chuyển đổi mạnh mẽ. Việt Nam đang vươn lên thành trung tâm sản xuất công nghệ cao tại Đông Nam Á, thu hút đầu tư lớn từ các "ông lớn" như Apple, Samsung, NVIDIA...
Theo dự báo của IMF và một số tổ chức quốc tế, đến năm 2029, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á, vượt Singapore và vươn lên vị trí 31 toàn cầu. Đến năm 2045, mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao đang ngày càng rõ nét.
Nếu kinh tế là động cơ thì đối ngoại là cánh tay nối dài, đưa Việt Nam ra thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng gặp và làm việc với lãnh đạo, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sáng 24-4-2025. Tại cuộc làm việc này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng tuyên bố phát động Phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”Ảnh: TTXVN
Vị thế quốc tế ngày càng quan trọng
Bám sát đường lối đối ngoại "độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa", Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới quan hệ ngoại giao rộng khắp: Thiết lập quan hệ với 194 quốc gia, đối tác chiến lược và toàn diện với 32 nước, trong đó có tất cả các nước lớn trên thế giới.
Chính sách "ngoại giao cây tre" - mềm mại nhưng kiên định - giúp Việt Nam giữ thế cân bằng trong một thế giới đầy biến động và nhiều xung đột.
Riêng trong năm 2024, các nhà lãnh đạo Việt Nam tiến hành 60 hoạt động đối ngoại lớn, ký hơn 170 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ với các đối tác chủ chốt liên tục được nâng cấp: từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện, từ bạn bè thành đối tác cốt lõi.
Việt Nam cũng chủ động tham gia, đóng góp tích cực tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, APEC, ASEM, Liên hợp quốc... Không chỉ tham gia, Việt Nam còn khởi xướng nhiều sáng kiến quan trọng, đóng vai trò tích cực trong định hình cấu trúc an ninh, thương mại khu vực.
Theo Báo cáo Chỉ số quyền lực châu Á 2024 của Viện Lowy (Úc), Việt Nam tăng 1,2% về sức mạnh tổng thể, vươn lên vị trí thứ 12, với điểm sáng là ảnh hưởng ngoại giao và văn hóa.
Một Việt Nam năng động, linh hoạt nhưng đầy bản lĩnh đang ngày càng được bạn bè quốc tế tin cậy, đánh giá cao, xem như đối tác không thể thiếu trong bàn cờ chiến lược khu vực và thế giới.
Không dừng lại ở tăng trưởng kinh tế hay thành công ngoại giao, Việt Nam hôm nay đang bước vào chặng đường phát triển mới: Chuyển mình mạnh mẽ để định vị trong kỷ nguyên 4.0.
Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP HCM - một trong 19 trung tâm toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới - đánh dấu bước tiến chiến lược, đưa Việt Nam gia nhập mạng lưới quốc gia tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao.
Các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, công nghệ xanh được Chính phủ xác định là ưu tiên chiến lược. Năm 2024, thỏa thuận hợp tác chiến lược với NVIDIA đã đưa Việt Nam thành điểm đến chiến lược về AI tại Đông Nam Á.
Theo hãng nghiên cứu Statista, thị trường AI Việt Nam năm 2024 đạt 753 triệu USD, tốc độ tăng trưởng hơn 28%/năm. Đà tăng trưởng này không chỉ củng cố năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mà còn giúp Việt Nam bắt kịp xu thế chuyển đổi công nghệ toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về thu hút FDI. Năm 2024, vốn FDI thực hiện đạt hơn 25,35 tỉ USD, tập trung chủ yếu vào các ngành công nghệ cao, năng lượng tái tạo, hạ tầng thông minh.
Chính phủ cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững và vì con người.
Tầm nhìn chiến lược
Nhìn lại nửa thế kỷ, hành trình đi lên của Việt Nam không chỉ là câu chuyện về tăng trưởng kinh tế, mà còn là sự chuyển hóa toàn diện về vị thế quốc gia.
Nếu như năm 1975, Việt Nam chỉ vừa mới kết thúc chiến tranh với những tổn thất to lớn thì năm 2025, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn: Bứt phá trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045.
Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đó là niềm tin, là động lực để Việt Nam vững bước trong kỷ nguyên mới.
Để hiện thực hóa khát vọng này, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên 3 đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện đại; đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng số, hạ tầng công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập quốc tế.
Việt Nam cũng sẽ tận dụng sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn nội lực với ngoại lực, chủ động thích ứng với những biến động toàn cầu, giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển.
Việt Nam hôm nay không chỉ mạnh về kinh tế, tự tin về ngoại giao mà còn có niềm tin vững chắc vào sức mạnh dân tộc, vào con đường đi lên phía trước.
Trong dòng chảy hội nhập và toàn cầu hóa, Việt Nam tiếp tục khẳng định mình là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Một đất nước yêu chuộng hòa bình, chủ động hội nhập, sáng tạo trong thích ứng và vững vàng trước thử thách.
Chặng đường phía trước còn nhiều thách thức nhưng với nền tảng vững chắc đã xây dựng trong nửa thế kỷ qua, Việt Nam hoàn toàn có đủ bản lĩnh, tự tin để vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế xứng đáng trong bản đồ chính trị, kinh tế toàn cầu.
Viết tiếp chương mới
Không chỉ là câu chuyện về kinh tế, đối ngoại hay hội nhập, tầm vóc của Việt Nam hôm nay còn được hun đúc từ chính phẩm chất của con người Việt Nam - một dân tộc giàu trí tuệ, bản lĩnh và đầy lòng bao dung. Trong suốt hành trình dựng xây và bảo vệ đất nước, người Việt luôn biết cách vượt qua thử thách bằng tinh thần kiên cường và sự sáng tạo không ngừng.
Chúng ta bước vào kỷ nguyên mới với tâm thế mở lòng, sẵn sàng đón nhận tri thức, công nghệ và văn hóa toàn cầu nhưng vẫn giữ vững bản sắc dân tộc. Từ nhà lãnh đạo đến người dân, từ những trí thức, kỹ sư đến công nhân, nông dân..., tất cả đang cùng nhau viết tiếp những thành tựu mới cho đất nước, bằng chính trí tuệ, tinh thần đoàn kết và niềm tin mạnh mẽ vào tương lai.
Bình luận (0)