Nhiều lần đọc báo thấy các vụ ngộ độc thực phẩm do học sinh mua đồ ăn trước cổng trường, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (huyện Hóc Môn) chọn cách không cho con tiền tiêu vặt suốt những năm tiểu học. Thế nhưng đến khi con học lớp 6, chị phải suy nghĩ lại vì biện pháp này không còn phù hợp.
Chuẩn bị đồ ăn vặt cho con
Chị Hiền cho biết khi bé học tiểu học, mỗi ngày chị chuẩn bị một hộp sữa, một bình nước, có khi là bánh cho con đem đến trường. Do học một buổi nên về nhà, con muốn ăn vặt gì, chị sẽ tự tay chế biến hoặc mua những chỗ bán hợp vệ sinh.
"Bé không đòi hỏi nhưng nhiều lần đến lớp, thấy bạn bè ăn kẹo bông gòn hay sirô đá bào mua trước cổng trường, bé tò mò cũng đòi mẹ mua.
Tôi giải thích cho con hiểu những thức ăn đó không hợp vệ sinh, dễ gây đau bụng nên con không đòi nữa. Lên cấp 2, bé bắt đầu có nhu cầu giao lưu với bạn bè.
Mỗi lần ngồi với bạn, các bạn mua bánh tráng trộn, nước uống, bé không có tiền nên được bạn mời. Vài lần như vậy, bé tự ái, về nhà tỏ vẻ không vui. Vì vậy, mỗi ngày tôi cho con 10.000 đồng và không quên nhắc nhở con chọn những món ăn hợp vệ sinh" - chị Hiền tâm sự.
Khác với chị Hiền, chị Nguyễn Thị Kim Thủy (quận Tân Bình) kiên quyết không cho con tiền tiêu vặt dù con đã học lớp 7, thay vào đó chị chuẩn bị đồ ăn vặt cho con, hôm thì vài chiếc bánh rán, hôm thì bánh chuối, có lúc là nước dừa tắc... để con đem đến lớp và chia sẻ với bạn bè.
"Trẻ nhỏ thích ăn vặt, thay vì cho con tiền để mua bánh kẹo kém chất lượng, tôi chọn cách tự làm đồ ăn vặt để con đem đến lớp chia sẻ với bạn bè. Qua món ăn, các cháu học được cách ăn uống hợp vệ sinh, chọn lựa thực phẩm an toàn" - chị Thủy nói.
Không chỉ chị Thủy, để bảo vệ con trước nguy cơ thực phẩm bẩn trước cổng trường, nhiều phụ huynh cũng chọn cách tự làm đồ ăn vặt cho con. Chị Trần Kim Loan (quận 3) cho biết con thích ăn bánh tráng trộn, để có thành phẩm vừa ngon miệng vừa bắt mắt, chị tự mua thịt về làm chà bông rồi sa tế.
"Khi đem bánh tráng đến lớp, bé mời bạn ăn cùng, các bạn trong lớp rất thích và đề nghị bé đem lên lớp bán. Vậy là cứ 1-2 tuần, tôi lại làm 10 bịch để con đem đi. Tiền bán bánh, tôi cho con bỏ ống heo để đến hè, bé đi mua sách hoặc quần áo, đồ chơi" - chị Loan kể.
Trang bị kiến thức để con tự lựa chọn
Việc không cho con tiền tiêu vặt, tự tay chuẩn bị đồ ăn vặt cho con được nhiều phụ huynh tán thành nhưng không dễ áp dụng vì nhiều người không có thời gian chuẩn bị. Chưa kể, có trẻ không hợp tác, không chịu đem đồ ăn vặt mẹ chuẩn bị vì "không giống ai" hoặc bị bạn bè trêu chọc "quá kỹ tính".
"Con tôi nói thẳng mẹ không cần làm đồ ăn vặt như trước nữa. Thi thoảng, quan sát tôi thấy con cùng bạn trong lớp mua trà sữa, nước ngọt trong căng-tin của trường uống.
Tôi không cấm đoán nhưng có nhắc con cách lựa chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe" - chị Nguyễn Thị Đào (ngụ quận 12) cho biết.
Tương tự chị Đào, chị Võ Thu Minh (quận 1) cho rằng dù cho tiền để con tiêu vặt hay không thì điều quan trọng là ngay từ khi con còn nhỏ phải giáo dục cho con biết nên chọn ăn gì, ăn ở đâu, ăn như thế nào… để không gặp các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khi nhận thức được, con sẽ tự kiểm soát hành vi, có sự lựa chọn đúng đắn. Nếu con không được chỉ dạy thì dù không được cha mẹ cho tiền tiêu vặt, con vẫn thèm thuồng, sẵn sàng xin bạn, nói dối thậm chí ăn cắp tiền của cha mẹ.
Quan tâm con mỗi ngày, từ hỏi han việc học hành đến sở thích của con cũng rất quan trọng vì khi con đủ đầy sẽ không thèm những món ăn vặt bên ngoài.
Không cấm đoán, áp đặt
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi con đã trưởng thành rồi tới nuôi cháu, ông Vũ Văn Đạt (tỉnh Tây Ninh) khẳng định không cho tiền chỉ là giải pháp tạm thời, quan trọng vẫn là giáo dục nhận thức cho con.
Đối với trẻ nhỏ, có thể không cho tiền nhưng cần cung cấp đủ nhu cầu; với trẻ lớn cũng nên cho tiền để con mua đồ dùng học tập, ly nước, chiếc bánh... nhưng cần chỉ dạy và nhắc nhở thường xuyên kiểu "mưa dầm thấm lâu".
"Thời đại ngày nay khác xưa rất nhiều, trẻ không chỉ chịu ảnh hưởng bởi xã hội, môi trường giáo dục mà còn bởi mạng xã hội, bạn bè...
Do đó, việc giáo dục kiến thức cho trẻ rất quan trọng, không cấm đoán, không áp đặt, vẫn cho trẻ lựa chọn những gì trẻ thích nhưng quan trọng là chọn trong sự hiểu biết, lành mạnh" - ông Đạt lưu ý.
Bình luận (0)