xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật

(NLĐO)- Vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng TP HCM chính là nơi ươm mầm, phát triển hạt giống cách mạng và hình thành nên nhân cách cao đẹp của cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Ngày 24-12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Đồng chí Phan Văn Khải – Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của Thành phố Hồ Chí Minh".

GS-TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM đồng chủ trì hội thảo.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật- Ảnh 1.

GS-TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM (đứng) đồng chủ trì hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS-TS Lê Văn Lợi cho biết hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố Thủ tướng Phan Văn Khải (25-12-1933 - 25-12-2023). Theo ông Lê Văn Lợi, hội thảo khoa học là hoạt động thiết thực nhằm tri ân và tôn vinh cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, vẻ vang của cố Thủ tướng Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người đã phấn đấu, cống hiến trọng đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tại hội thảo, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP HCM, nhấn mạnh là người con của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh, mang trong mình truyền thống cách mạng và dòng máu hào sảng của Nam Bộ, của Củ Chi "Đất thép Thành đồng", cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại những dấu ấn sâu sắc không thể phai mờ, một tấm gương sáng ngời cho Đảng bộ và nhân dân TP HCM học tập và làm theo.

Theo ông Phạm Đức Hải, khi đảm nhiệm những trọng trách ở TP HCM và Trung ương, nỗi niềm đau đáu của cố Thủ tướng Phan Văn Khải là làm sao xóa được đói, giảm được nghèo cho cuộc sống người dân.

Chính vì vậy, khi còn công tác ở TP HCM, ông đã hết lòng cùng các lãnh đạo trong Thành ủy, UBND TP lo việc cứu đói, lo giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, lo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, gỡ khó cho doanh nhân, doanh nghiệp.

"Ông là vị Chủ tịch đầu tiên dẫn đầu Đoàn công tác của TP đi tham quan, học hỏi cách làm ăn của một số nước trong khu vực ASEAN, nhất là Singapore, ngay từ khi chưa có quan hệ hợp tác chính thức giữa các nước trong khu vực với Việt Nam. Ông quan niệm đó là đi học, học kinh tế thị trường về để vực dậy nền kinh tế còn đang khốn khó trăm bề"- ông Phạm Đức Hải phát biểu tại hội thảo.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải luôn quan tâm đến thu nhập, đời sống người lao động

Tại hội thảo, TS Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, nêu rõ trong những đóng góp toàn diện, cống hiến xuất sắc của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, đặc biệt giai đoạn đổi mới, không thể không kể đến dấu ấn trong việc phát huy vai trò của giai cấp cấp công nhân và công đoàn trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

Theo ông Hiểu, trên nhiều cương vị khác nhau, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã có nhiều đề xuất, quyết định, quyết liệt triển khai nhằm phát huy vai trò của giai cấp công nhân. Trong đó, đề cập đến nhiều vấn đề rất quan trọng như xây dựng nguồn nhân lực, tiền lương, thưởng cho người lao động.

Năm 2008, Ban chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết mang nhiều dấu ấn định hướng của cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật- Ảnh 2.

Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải (thứ 3 từ phải qua), ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (thứ hai từ phải qua) trao đổi cùng các đại biểu tại hội thảo

Theo TS Ngọ Duy Hiểu, cố Thủ tướng Phan Văn Khải luôn quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong giai đoạn giữ cương vị Thủ tướng, ông Phan Văn Khải đã chỉ đạo xây dựng, sau đó Luật Dạy nghề ra đời, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. "Cố Thủ tướng Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo luôn đau đáu về việc làm của người lao động. Ông quan niệm, muốn người lao động có việc làm thì phải thành lập nhiều doanh nghiệp"- TS Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cố Thủ tướng Phan Văn Khải dành nhiều sự quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho người lao động. Cụ thể vào năm 1998, Thủ tướng Phan Văn Khải thời điểm đó đã ký ban hành Quyết định 126, phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề.

Nhấn mạnh luôn quan tâm đến thu nhập, đời sống, an sinh cho người lao động, TS Ngọ Duy Hiểu cho biết trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến tiền lương, lương tối thiểu. Đặc biệt, trong giai đoạn này, lương tối thiểu của người lao động tăng đều.

Chủ trương quan tâm xây nhà ở cho công nhân cũng đã được cố Thủ tướng đặt ra trong giai đoạn ông giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ. "Cố Thủ tướng là người rất sâu sát, gần gũi người lao động, đã nhiều lần ăn Tết cùng người lao động"- ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.

Đối với tổ chức công đoàn, Phó Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết trong suốt quá trình công tác, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã có nhiều phát biểu gợi ý, đổi mới hoạt động công đoàn Việt Nam để gần gũi hơn với người lao động và cần phát động các phong trào thi đua trong công đoàn, đề nghị công đoàn thiết lập mối quan hệ với người sử dụng lao động…

"Cố Thủ tướng Phan Văn Khải rất hiểu, rất tin và đánh giá đúng vai trò, có nhiều chỉ đạo, gợi ý sâu sắc, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, giai cấp công nhân lớn mạnh, đóng góp cho sự phát triển của đất nước"- TS Ngọ Duy Hiểu khẳng định.

PGS-TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng tư duy chiến lược của cố Thủ tướng Phan Văn Khải thể hiện ở lĩnh vực đối ngoại, trong đó nhất quán chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm này được cố Thủ tướng thể hiện rất rõ trong đường lối đối ngoại.

Cũng theo PGS Bùi Đình Phong, bên cạnh các nguồn lực của đất nước như tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, cố Thủ tướng Phan Văn Khải luôn nhấn mạnh đến nguồn lực con người. Đây là yếu tố mà mọi thời kỳ đều phải quan tâm và đến ngày nay chúng ta cũng đang tập trung mạnh mẽ để phát triển nguồn nhân lực.

Chia sẻ thêm về con người của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, PGS Bùi Đình Phong nhấn mạnh ông là người "dám nhìn thẳng, nói thẳng vào khuyết điểm và thừa nhận khuyết điểm". "Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật là tư duy đột phá mở đường cho phát triển"- PGS Phong nói về cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật- Ảnh 3.

Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu kết luận hội thảo

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, nhấn mạnh các tham luận, phát biểu tại hội thảo đã đi sâu phân tích để làm rõ trên các cương vị công tác, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đều có những đóng góp to lớn, thể hiện hình ảnh của một nhà lãnh đạo tài ba, năng động, sáng tạo.

Đặc biệt, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, cố Thủ tướng đã chỉ đạo, điều hành đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức của tình hình quốc tế phức tạp, đạt được nhiều thành tự to lớn.

Ông Nguyễn Hồ Hải nêu rõ vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng TP HCM chính là nơi ươm mầm, phát triển hạt giống cách mạng và hình thành nên nhân cách cao đẹp của cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Trên các cương vị công tác, cố Thủ tướng đã góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương. "Đảng bộ và nhân dân TP HCM vinh dự và tự hào có người con ưu tú Phan Văn Khải. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, Đảng bộ và nhân dân TP HCM đang nỗ lực phát huy truyền thống tốt đẹp, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp"- ông Nguyễn Hồ Hải khẳng định.

Để thúc đẩy cho sự phát triển của các doanh nghiệp non trẻ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo thành lập Hội doanh nghiệp trẻ. Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 1999, Luật Doanh nghiệp ra đời tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân.

Tiếp đó, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi năm 2005, cùng với việc hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2000 đã đáp ứng nhu cầu khách quan của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, góp phần to lớn vào việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo