Côn Đảo chính thức trở thành đặc khu duy nhất trực thuộc TP HCM vào ngày 1-7-2025. Đây là vùng đất có bề dày về lịch sử, gắn liền với quá khứ đấu tranh hào hùng của dân tộc, đồng thời là địa phương sở hữu hệ sinh thái biển đảo nguyên sơ và quý hiếm bậc nhất Việt Nam.
Nằm cách trung tâm TP HCM hơn 230 km về phía Đông Nam, Côn Đảo là quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, có diện tích gần 76 km² đất liền và gần 200 km² vùng biển bao quanh. Được xem là một trong những "địa chỉ đỏ" trong tâm thức người Việt Nam, Côn Đảo gắn liền với quá khứ đấu tranh bất khuất của dân tộc. Từ nhà tù Côn Đảo, chuồng cọp Pháp - Mỹ đến nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước.
Không giống bất kỳ địa phương nào khác, Côn Đảo không chia thành xã, phường hay thị trấn. Toàn đặc khu được chia thành 9 khu dân cư với 42 tổ dân cư, trong đó cơ quan hành chính đặc khu trực tiếp quản lý trên địa bàn. Tính đến năm 2025, dân số Côn Đảo ước đạt hơn 10.000 người, chủ yếu sinh sống tập trung trên đảo lớn Côn Sơn, với mật độ dân cư không cao, phân bố tương đối đồng đều, cộng đồng đoàn kết, gắn bó.

Côn Đảo đang từng ngày đổi thay, hạ tầng được đầu tư đồng bộ
Côn Đảo sở hữu hệ sinh thái biển và rừng phong phú, hiếm có với rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rùa biển, cá heo… Đặc biệt, đây là nơi duy nhất ở Việt Nam mà loài rùa biển quý hiếm (vích) lên bờ đẻ trứng hàng năm với mật độ cao.

Tàu chở khách du lịch nước ngoài ghé thăm Côn Đảo
Sự nguyên sơ cùng tính đa dạng sinh học đã biến Côn Đảo trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu cho du khách yêu thích du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và trải nghiệm thiên nhiên. Những năm gần đây, nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng 5 sao theo mô hình du lịch xanh, bền vững, hạn chế bê tông hóa và tôn trọng cảnh quan môi trường.
Hạ tầng giao thông đang được đầu tư đồng bộ giúp Côn Đảo ngày càng "gần hơn" với đất liền. Cảng tàu khách Côn Đảo và Cảng Bến Đầm đã được hoàn thiện, nâng cấp. Hiện nay, có 3 tuyến tàu cao tốc từ Vũng Tàu, Trần Đề (Sóc Trăng cũ) và TP HCM ra đảo, phục vụ hàng chục ngàn lượt khách mỗi tháng.

Trụ sở Đặc khu Côn Đảo, TP HCM
Giao thông hàng không cũng không ngừng mở rộng với các tuyến bay cố định và trực thăng. Tuy nhiên, điểm nhấn lớn nhất chính là dự án nâng cấp sân bay Côn Đảo, cánh cửa chiến lược mở đường cho phát triển du lịch và đầu tư.
Hiện dự án đang được các bộ, ngành đốc thúc thực hiện, khi hoàn thành, dự kiến vào năm 2030, sân bay sẽ đạt công suất 2 triệu lượt khách/năm, đưa Côn Đảo thành điểm đến kết nối trực tiếp với các trung tâm kinh tế trong và ngoài nước, giảm phụ thuộc vào các tuyến trung chuyển.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Đặc khu Côn Đảo thực hiện nghi lễ hát Quốc ca
Song song với giao thông, nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật đang được triển khai để đảm bảo phát triển lâu dài như hệ thống điện lưới quốc gia đang được kéo ra đảo bằng cáp ngầm; mạng lưới cấp thoát nước và xử lý rác thải được nâng cấp theo tiêu chuẩn đô thị đặc biệt, phục vụ mục tiêu phát triển xanh, sạch. Hiện toàn đảo có 146 cơ sở với gần 3.000 phòng, đáp ứng tốt nhu cầu du lịch đang ngày càng tăng.

Du khách tham quan hệ thống nhà tù tại Côn Đảo
Là đặc khu duy nhất trực thuộc TP HCM, Côn Đảo được kỳ vọng trở thành hình mẫu phát triển của đô thị đặc biệt, nơi hài hòa giữa bảo tồn di sản, phát triển kinh tế xanh và gìn giữ sinh thái biển đảo.
Bình luận (0)