Nó nghĩ về cuộc đời của mẹ, dẫu chẳng có cái nốt ruồi nào dưới khóe mắt, sao đời mẹ vẫn khổ cay khổ chát.
Nó không biết cha mình là ai. Người làng kháo nhau nói nó là con lão Văn ở làng Chài, ông ấy không yêu mẹ mà chỉ là một gã đào hoa. Bà ngoại nghèo lại tứ cố vô thân ở đâu trôi dạt về cái làng này, mang theo mẹ - đứa con hoang bà đẻ ra, trên mặt mẹ mang một nửa vết bớt màu đỏ tía. Bà kể cho mẹ nghe về một đêm mưa gió, bà nhỡ đò trú tạm trong ngôi điếm canh cạnh bến sông. Một người mặc quân phục màu xanh bộ đội, ông ta nói bị lạc đơn vị trú tạm ở đấy. Trong đêm mưa tơi bời ấy, hai người hoàn cảnh tìm đến nhau. Người ấy tặng bà tấm ảnh, hứa rằng khi nào hết chiến tranh nhất định sẽ tìm về.
Chiến tranh đi qua, bến sông còn đó, ngôi điếm canh tường vôi cát loang lổ bạc màu. Bà không tin chiến tranh đã nuốt chửng người ấy, bà lặng lẽ đợi. Cha của mẹ, ông ngoại của nó, người trong tấm ảnh đen trắng còn nở nụ cười đầy vẻ trai tráng. Bà đợi chờ cả một đời dang dở. Cho tới khi sắp mất, bà đưa lại cho mẹ tấm ảnh, kỷ vật bất ly thân của bà. Bà bảo mẹ hãy đi tìm cha, biết đâu sẽ thấy. Nhưng trời cao đất dày, gia tài tìm kiếm chỉ có một bức ảnh đen trắng đã ố màu, manh mối nào mà tìm cho được.
Có một người đến với mẹ nó, ông ta là lão Cán ở làng Sủi. Lão Cán chưa có vợ, cũng chẳng có con. Những ngày mẹ làm đồng vất vả gặp lão đi cày thuê rồi rảnh trâu, trốn chủ, cày trộm thêm cho mẹ thửa đất. Từ hôm ấy, lão đến thăm ngôi nhà của mẹ con nó nhiều hơn, khi thì gia cố cho chiếc cổng tre thêm chắc, khi thì gá lại giàn mướp không bị đổ. Việc gì lão ta cũng làm, chỉ có khuôn mặt đầy sẹo của lão có phần đáng sợ, đôi môi lúc nào cũng bặm vào, ít nói.
Một ngày mưa lưng lửng trời, nắng chơi vơi sau cây cầu vồng ẩn trong đám mây ngũ sắc. Lão Cán xách cái ba lô mốc thếch màu cháo lòng, chất đầy quần áo về ngôi nhà của mẹ con nó, ở hẳn chẳng cần cưới xin. Bữa đó, nó nhìn lão ta vẻ dè chừng có phần sợ sệt. Lão nhấp chén rượu tốc vào cổ họng rồi "hà" một hơi đầy sảng khoái, nhìn sang nó:
- Sao lại sợ ta? Từ giờ ta làm bố con.
Mẹ nhìn nó rồi nhìn sang lão vẻ e thẹn.
- Gọi bác Can là bố đi con!
- Con không gọi!
Nó bướng bỉnh cất lời, rồi buông bát chạy vào góc nhà, ngoảnh nhìn lại bằng đôi mắt ầng ậng nước, cái nốt ruồi đón lệ mà nước mắt vẫn chảy tràn qua. Lúc này, bao nhiêu cảm xúc bỗng vỡ òa nức nở trong nó. Mẹ ở đó mà bỗng thật xa xôi, mẹ không còn là của riêng nó mà xé nửa cho người đàn ông kia. Một đứa trẻ mới 10 tuổi như nó sao không mênh mang tổn thương cho được.
- Đừng có ích kỷ như thế, Lan! Ngồi vào đây ăn hết bát cơm cho mẹ.
Nó một phần đau khổ, một phần cúi mặt xuống hiểu chuyện. Cuộc đời mẹ con nó đã quá cheo leo mà lênh đênh trong cái nghèo, thiếu vắng người đàn ông trụ cột. Những đêm trời mưa mái nhà dột, mẹ phải lấy cuốc đào nền đất trũng sâu cho nước có chỗ chảy xuống khỏi ngập nền nhà lênh láng. Những lúc ấy, nó thấy mẹ quệt nước mắt, thấy cái khổ ê ẩm, thấm buốt tận xương tủy.
Đêm đầu tiên ngủ xa mẹ, nó nằm trên chiếc chõng, cái mà hôm trước lão Cán hì hục ghép từ vài mảnh tre, cố định bằng những mẩu dây thép dài ngắn đủ loại. Nó thèm được nằm bên mẹ, rúc vào ngực mẹ mà hít hà thứ da thịt có tình mẫu tử thơm lừng. Nó buồn, co người lại, hai tay nắm chặt vào nhau, cuộn tròn trong nỗi tủi thân rộng dài vô tận.
Mẹ có bầu, những cơn ốm nghén ngày một nhiều hơn. Mẹ đôi khi quên nó. Dù từ ngày có người đàn ông kia, căn nhà không bị dột, giàn mướp không bị đổ, cái cổng tre được gia cố lại chắc chắn. Lão ta có sức khỏe nên thường nhận cày thuê, cuốc mướn. Mẹ cũng đỡ vất vả hơn khi việc đồng ruộng tới mùa. Tuy nhiên, lão ta có một tật xấu không thể bỏ được, đó là rượu.
Ngày nào nó cũng phải chạy ra quán tạp hóa bà Viên đong đầy rượu vào chai thủy tinh. Lão Cán không uống rượu bằng chén mà tu cả chai ừng ực. Khi đủ men trong người, lão lừ khừ nói nhảm rồi gây sự với mẹ con nó:
- Cô là người đàn bà hèn mọn, ở với cô tôi không bớt khổ, bớt nghèo.
Lão ta hằn 5 đầu ngón tay lên má mẹ, những cái tát vô lý giáng trời từ bàn tay to khỏe.
- Bác đừng đánh mẹ cháu, cháu xin bác.
- Mày cũng cút ra đi.
Căn nhà trở nên ầm ào, tiếng gào khóc, tiếng bát đũa xô nhau loảng xoảng. Mẹ vùi mớ tóc rối trên chiếc chõng tre, nằm cạnh nó. Có mẹ ở bên, đêm đó, nó ngủ ngon lành. Nhưng mẹ nó thì chẳng ngủ được. Mẹ khóc. Lão Cán tỉnh rượu, bước từ phía bên kia giường, đến gần chiếc chõng, quỳ xuống:
- Tại tôi say quá, rượu làm chứ không phải tôi. Cho tôi xin!
Lão ta lại hiền khô và ít nói. Mặc dù trên khuôn mặt lão, đầy vết sẹo ngang dọc những vệt roi hằn từ trong quá khứ.
Hồi trước, lão từng ở với một người mẹ nuôi, bà ấy nhặt lão ở ga tàu khi lão lạc mẹ. Cả tuổi thơ của lão chưa ngày nào yên ổn bởi những trận đòn roi. Bà mẹ nuôi quái ác thường sai lão đi bắt cua. Đến khi cua đầy giỏ, lão mang ra chợ bán. Bữa nào bán hết thì lão được ăn cơm, không bán hết thì lão phải nhịn, cái bụng réo lên từng cơn cồn cào. Trên mặt, trên lưng lão ta, những vệt roi còn đó, chúng hình thành từ cơn giận dữ vô cớ của bà mẹ nuôi. Lão ta khóc lóc, tủi hờn và đau khổ suốt cả một tuổi thơ dài. Một đêm giông gió, lão ôm chiếc xà đùi đổ đầy gạo, bỏ căn nhà gây cho lão đau khổ đó đi tìm mẹ. Nhưng mẹ ở đâu chẳng thấy, chỉ thấy những con đường ngoằn ngoèo khắp lối giăng mắc làng mạc với nhau.
Làng Sủi cưu mang lão vì có người thuê lão đi chăn trâu, cắt cỏ. Lão ở ngôi điếm hoang, lớn lên từ ruộng đồng, từ những luống cày tơi đất và mùi bùn khô còn ám vào thịt da.
Bữa nay lão lại say, rượu không làm lão quên mà chỉ khiến nỗi nhớ về những chất chồng cả một cuộc đời khổ sở. Mẹ lại phải chịu những trận đòn vô cớ từ cơn giận dữ trong ký ức đau đớn của lão. Lão ta gào lên:
- Mẹ ơi! Mẹ ở đâu?
Lão chạy như điên ra phía đường tàu, ngang nhiên đứng ngăn đoàn tàu đang xình xịch. Người lái tàu phanh gấp, các toa tàu khựng lại, những khuôn mặt tò mò, ngó nghiêng nhìn ra:
- Bác lái tàu, chở tôi đi tìm mẹ.
- Mẹ anh ở đâu? - người lái tàu hỏi.
- Ở ga tàu miền Trung.
Người lái tàu cười sằng sặc:
- Miền Trung có hàng mấy chục ga tàu. Anh say quá, tránh ra đi, đứng đây khác nào tự tử.
Người lái tàu đẩy lão ra xa rồi cho đoàn tàu tiếp tục chuyển bánh. Lão ta ngã gục xuống, người mềm oặt như sợi bún thiu.
Mẹ và nó rệu rã dìu lão về. Từ hôm đó, người lão hết nóng rồi lạnh, những trận sốt li bì không dứt. Mẹ bán nốt mấy bao thóc còn lại để lấy tiền cho lão đi viện. Lúc ấy, cái bụng của mẹ cũng sắp đến ngày trở dạ. Mẹ mang theo làn quần áo, khố tã, phòng trường hợp sinh em.
Bác sĩ bảo lão bị sảng rượu lại thêm máu nhiễm độc nặng. Thời gian sống không kéo dài bao lâu nữa, nếu không có thật nhiều tiền để cứu chữa. Mẹ đành đưa lão về nhà, tài sản của mẹ chẳng có gì ngoài ngôi nhà rách nát.
Lúc gần đất xa trời, người lão gầy sọp, những vết sẹo chằng chịt nổi trên hai gò má. Lão thều thào nắm lấy tay mẹ:
- Đời tôi thân cô thế cô nên mới thành ra thế này. Tôi sống không gặp được mẹ, bao giờ chết tôi đi tìm mẹ tiếp. Chết đi rồi tôi sẽ phù hộ cho mấy mẹ con bớt khổ.
Lão không biết nói những lời bay bướm, trước giờ lão ít nói, có nói cũng chỉ những câu cộc cằn, khó nghe. Nhưng từ trong sâu thẳm, lão là người đàn ông thiện lương, chân chất. Chỉ có điều, đời lão lưu lạc, kết nối với người thân không có, không ai dạy lão phải sống thế nào, lão u uất mà lầm lũi sống. Cũng xong một kiếp người. Đời người, có điều gì quan trọng hơn cái chết? Có chứ, là tình thương yêu, thứ mà cả đời lão tủi phận đi tìm.
Mẹ con nó theo chiếc xe tang tiễn lão đi đoạn đường cuối cùng, đi qua cánh đồng no gió, lúa mùa chín trĩu bông. Nó thương mẹ nhiều hơn, cái bụng của mẹ nặng nề, vết bớt trên mặt mẹ đỏ tía, cơ mặt khắc khổ của mẹ nhăn lại, ép dòng nước khô cằn từ trong khóe mắt chảy ra.
Mẹ trở dạ. Nó xách làn theo mẹ lên trạm xá, cầm trên tay cái cặp lồng bằng nhôm móp méo, có chừng lưng cơm và quả trứng luộc. Nó ngồi thu lu bên góc hiên khu trạm xá. Những bụi chuối đan lá, tíu tít nô đùa cùng gió bên góc vườn. Ngồi thiu thiu, nó ngủ gật rồi giật mình khi nghe tiếng mẹ gào đau đớn, tiếng em khóc ré lên. Nó đứng dậy, co chân chạy vào.
- Mẹ sinh rồi, em trai hay em gái hả mẹ?
Mẹ cố nhoài người dậy sau cơn vượt cạn, chút hy vọng ánh lên trên đôi mắt mệt mỏi, thâm quầng:
- Em trai con ạ!
Em thật giống bố Cán, nhưng khuôn mặt hiền hòa không có vết bớt như mẹ, không có vết sẹo như lão, không có nốt ruồi đón lệ như nó. Như thế, biết đâu, cuộc đời em sẽ tốt hơn.
Nó ngồi xuống bên mẹ, nắm bàn tay nhỏ xíu của em, lòng trào dâng tình máu mủ thiêng liêng, xúc động.
NGUYỄN THANH NGA
Nghề nghiệp: Nhân viên văn phòng.
Hiện sinh sống và làm việc tại Bắc Ninh.
Có nhiều tác phẩm truyện ngắn được đăng trên các báo trong nước.
Bình luận (0)