xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quà của con, quà cho má

Truyện ngắn của Phát Dương

Má có tin vui nha mấy đứa! - Má đi chợ về, đặt cái giỏ nhựa chỉ có chục trứng xuống, giọng véo von.

Hai anh em Phẩm nhìn má, chờ đợi. Anh Hai phản ứng đầu tiên, thiếu điều nhảy dựng lên. Anh cự nự không chịu. Phẩm đứng giữa anh với má, xớ rớ chưa biết phải theo ai.

Má tuổi này còn đi làm mướn, chòm xóm thấy người ta cười con! - Anh Hai nghiến răng, mặt đỏ bừng quay đi, dốc nước ừng ực uống.

Mày nói vậy đâu có được con. - Má lắc đầu, giọng nghiêm khắc - Mình làm ăn đàng hoàng bằng sức lao động, ai mà cười mình. Người nào cười người đó cũng không ra gì. Má đi làm kiếm tiền lo cho má chứ bộ.

Má nói vậy chứ thật ra ý má muốn phụ anh Hai. Việc ít nhân công dư nhiều nên anh toàn phải ở nhà. Nghĩa là sắp tới chi tiêu trong nhà càng túng thiếu.

Nhưng con không muốn má cực… - Anh Hai nhíu mày, nói như mếu.

Quà của con, quà cho má- Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mấy chuyện đó má làm quen tay quen chân, có chi cực đâu con. - Má cười hề hề, đem rau ra chuẩn bị lặt để nấu cơm trưa. - Nhà người ta khá giả, công việc còn nhẹ hơn nhà mình nhiều.

Phẩm thấy má hất cằm về phía mình, cô hiểu má đang nhắc anh Hai còn lo chuyện học hành của cô. Phẩm mím môi, không biết nói chi. Anh Hai không giữ nổi tiếng thở dài, để vuột nó chạm đất, tiếng vỡ nghe như tiếng những hạt mưa đầu mùa chạm ruộng nẻ khô đanh. Nhưng đó cũng là âm thanh hy vọng.

Chừng nào cực quá hay con có nhiều việc thì má xin nghỉ. Vậy he! - Má te te đi ra vườn, chắc định hái trái đu đủ hườm hườm nấu canh suông.

***

Má có việc làm, mừng nên cười nhiều. Ngày hai buổi, má đội nón lá lội bộ đi giúp việc nhà. Má kêu, hai tiếng lau dọn quét tước mà họ trả ổn lắm. Mặc kệ những đêm trở mình với cái lưng mỏi nhừ, má dùng hai bàn tay ăn nước tự vỗ về mình. Má không dám than tiếng nào, sợ anh Hai bắt má nghỉ. Sao má chịu được. Ở nhà ngồi không chán chết, đi làm mới có đồng ra đồng vô.

Nắng ăn làn da má từng tự hào, buộc nó xỉn đi như dày thêm bụi đất. Má soi gương, giật mình nhè nhẹ. Má thôi kể về những ngày xưa, da má trắng và đẹp nhất vùng. Cái thời chưa biết yêu đương, má bán cháo trắng ngoài chợ cũ, ai ngỏ ý cũng lắc đầu. Lúc đó má có kem phấn gì đâu mà vẫn ngời sáng.

Cất đi cái gương vuông đã bung viền nhựa, má len lén lôi ra hủ kem nghệ, xoa xoa vết thương trên tay đã lành miệng. Loại kem này ông cố chỉ xài, nghệ lành tính, lại rẻ. Như bí quyết làm đẹp con nhà nghèo. Lẽ ra phải là bà ngoại chỉ má, nhưng lúc đó con cái đông bà giao má cho ông cố nuôi, một năm ghé thăm đâu đó vài lần…

Má khen kem nghệ hay lắm, xức vô vài bữa là sẹo gì cũng mờ dần, đâu cần mỹ phẩm. Chấm mụn cũng mau chín hơn. Hồi trước anh Hai hay xức cả mặt, tuổi dậy thì nhọc nhằn dày mụn, nhờ nó mà trắng trẻo ngon lành. Mỗi tội sáng ra gối mền lem nhem vàng, mặt cũng chuyển màu phải mấy ngày mới phai.

Phẩm không ưa màu vàng bám dính ấy nên ngại thoa trét mặt. Mấy cái sẹo vì vậy bám dai, má rầy hoài. Nhưng cô khoái cái vỏ kem nghệ nhìn như trái táo vàng, má với anh xài hết cô giữ lại rửa sạch làm đồ chơi. Với đám con nít, nhìn nó ngồ ngộ hay hay. Chơi nhà chòi lấy ra bán giả làm táo, giả bộ nhai nhồm nhoàm ngon lành. Chứ làm gì có tiền cầm trên tay trái táo thật mà ăn…

***

Phẩm lén má làm thêm. Dành dụm được một ít rồi, Phẩm hớn hở dẫn má đi chợ. Cô hỏi giá hết rồi, tự tin lắm, tới thẳng tiệm tạp hóa lớn nhất. Má rầy, con nít con nôi bày đặt lu bu. Nhưng mắt má vui lắm, như có nắng, có hoa bừng, có chim hót líu lo trong đó.

Phẩm lẽo đẽo theo má, dặn má chọn cái gì mắc mắc. Nhận ra có nhiều loại còn vượt xa số tiền mình có, cô tái mặt nhưng không dám nói gì. Dường như má biết, má không cầm gì lên, chỉ vừa đi vừa ngắm nghía. Ngó má như đứa bé gái lâu lắm mới có tiền dư, dạo quanh cửa hàng băn khoăn giữa cọng thun cột tóc xanh đỏ hay viên kẹo ngọt ngào, lòng thầm ước giá mà mình đủ tiền mua được cả hai.

Phẩm nhìn những món mỹ phẩm má chọn, lặng im chẳng cất nổi lời. Má lấy hũ kem nghệ quen thuộc và một loại kem dưỡng da cùng hãng. Cả hai chưa tới một trăm ngàn, mà má la xa xỉ lắm rồi, nhất định không chịu lấy thêm.

Cầm bọc đồ trong tay, má hớn hở đi trước, Phẩm theo sau chầm chậm lau nước mắt. Nhìn từ góc này, má nhỏ xíu như sắp biến mất. Hoảng hốt, cô chạy vội tới, níu lấy tay má. Cô sờ được cả vết sẹo má cắt vô tay tháng trước. Nhờ kem nghệ, nó đã mờ dần, nhưng những ngón tay mềm mại của cô vẫn cảm nhận được gờn gợn.

***

Có đám cưới họ hàng mời, má luýnh quýnh không biết phải mặc gì. Số tiền để dành còn dư, Phẩm hùn với anh Hai đưa má đi mướn đồ và trang điểm. Đây là lần thứ hai trong cuộc đời tính luôn ngày cưới, má được đánh phấn tô son. Má ngồi lọt thỏm trên cái ghế xoay, tay bám chặt thành ghế như sợ té. Má run run chờ anh thợ dặm lên chút sắc màu, che đi những dấu vết thời gian.

Thấy anh thợ trang điểm lôi ra hũ kem cùng hãng kem nghệ để thoa dưỡng nền, má mừng như gặp người bạn thân đã lâu mất dạng. Anh thấy vậy mới khoe, kem hãng này xài tốt lắm. Tới lượt má khoe được con gái út tặng cho mấy hũ, năm nay xài vô má đẹp nhất cho coi. Má tíu tít kể đủ thứ chuyện ngày xửa ngày xưa.

Phẩm thầm cảm ơn anh trang điểm đã tinh tế gợi chuyện, trả lại cho má sự hào hứng vốn có. Cô và anh Hai đứng đằng sau, nắm chặt tay nhau, cảm giác rung rung truyền qua các ngón.

Đi đám cưới về, má toe toét cười, như đứa trẻ được lì xì, khoe ai cũng khen má đẹp. Má vung tay, giờ Phẩm mới thấy ngón trỏ bị băng đang rỉ đỏ. Má nói không có gì đâu, đụng chạm phụ đám xíu, đợi lành xức kem vô là hết à. Vết sẹo sinh mổ của dì Phẩm, má chỉ cho xức kem cũng bớt đi nhiều lắm.

Nhưng má ơi, rồi thứ gì sẽ thoa mờ những vết sẹo trong lòng má, khi thi thoảng con biết rằng má luôn giấu nước mắt vào trong? Con mong mình là thứ kem nghệ chân tình… Phẩm chỉ nghĩ vậy thôi, chứ không nói. Má còn tiếc lớp trang điểm, thay đồ rồi vẫn để nguyên. Thợ chỉ đánh phấn một phần cổ, nên khi mặc áo rộng, phần chưa đánh như hai thế giới khác biệt. Như ruộng tốt tươi và khô cằn, như đêm và ngày. Má chẳng ngại ngùng, lại lăng xăng vô bếp hâm lại mấy món đồ đem từ đám cưới về cho anh em Phẩm ăn liền. Má nói ăn lẹ, còn nóng mới ngon.

***

Những hũ kem nghệ không thắng được thời gian. Khói bếp đã phủ lên tóc má nhiều sợi trắng. Những vết sẹo không kịp lành chồng lên nhau, nơi bàn tay mải mê làm việc. Phẩm cũng lớn lên, đi lấy chồng.

Ngày cô sinh em bé mưa như trút nước. Mưa xối xả trắng trời, từ cửa sổ nhìn ra chỉ thấy xám bạc một màu phẳng lì như có bức tường chán ngắt chắn ngang. Có lẽ mưa khóc thay cho Phẩm. Cô bối rối khi làm mẹ. Khi không có vòng tay người mình thương yêu kề cạnh. Anh bỏ đi, mang theo tất cả. Vỏn vẹn có mảnh giấy ghi vài dòng: anh sợ ở lại sẽ liên lụy hai mẹ con, mong em mạnh mẽ sống tiếp, coi như anh không tồn tại.

Những thông tin mờ mịt. Có người nói anh trốn nợ. Có người xì xầm anh bỏ theo cô bán bia ôm nóng bỏng. Chẳng rõ tin nào là thật. Phẩm đã đợi bên nội đứa bé tới, cho cô một sự xác nhận. Hoặc một câu quan tâm cũng được. Mà chẳng có gì. Họ cắt đứt mọi liên lạc bằng con dao im lặng, lạnh lùng.

Có tiếng mở cửa. Má bước vô, cái cà mên bốc khói thơm mùi hành ngò. Má đem cháo cho Phẩm. Không ngày nào má rời cô. Má sợ cô nghĩ quẩn.

Má có mua mấy hũ kem nghệ nè con! Mai mốt xức vô lành sẹo mổ là đẹp liền! - Má cười rạng rỡ, lạ lùng quá, như nắng xuyên qua cơn mưa. Như sẽ có cầu vồng sau đó.

Rồi má lại đi, bác sĩ gọi người nhà xuống dặn dò chi đó. Phẩm mở bịch đồ, mân mê hũ kem nghệ quen thuộc. Cô tìm được một xấp tiền gói kỹ trong bọc ni lông, dày cộm. Trời ơi, đủ loại mệnh giá từ vài ngàn tới năm trăm. Kèm đó là mảnh giấy với những con chữ to bự của má: tiền để dành má gửi con lo cho cháu.

Phẩm nuốt những gì đã sắp tuôn ra. Cô ăn từng muỗng cháo ấm, xì xụp. Cô thấy một nguồn năng lượng chảy tràn vô người.

Phẩm biết ơn má, vô cùng.

Dương Thành Phát

Bút danh: Phát Dương; năm sinh: 1995; nghề nghiệp: Freelancer; Hội viên Hội Nhà Văn TP Cần Thơ; giới tính: Nam.

Quà của con, quà cho má- Ảnh 3.

Các tác phẩm đã xuất bản: Tập truyện ngắn "Tự nhiên say" (NXB Trẻ - 2018); tập truyện ngắn "Bộ móng tay màu đỏ" (NXB Tổng hợp - 2020); tập truyện ngắn "Mở mắt mà mơ" (NXB Văn hóa Văn nghệ - 2020); truyện dài thiếu nhi "100 Cửa sổ" (NXB Kim Đồng - 2022); tập truyện ngắn "2 người trong 1 ngăn tủ" (NXB Trẻ - 2023).

Giải thưởng: Giải nhì truyện ngắn cuộc thi Bút ký - truyện ngắn Tạp chí Cửa Việt (2018 - 2019). Giải ba cuộc thi thơ Tổ quốc và mẹ của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên (2021). Giải ba cuộc thi Truyện ngắn làng Việt thời hội nhập (2021) và một số giải thưởng văn chương khác…


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo