Một ngày cuối tháng 11-2024, tại TAND TP HCM, phiên xét xử phúc thẩm vụ ly hôn và tranh chấp quyền nuôi con giữa ông N. và bà L. đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Hiếm khi nào một phiên xử ly hôn lại có đủ cả nguyên đơn lẫn bị đơn cùng đối diện. Và câu chuyện của họ còn là hành trình tìm kiếm công bằng và yêu thương cho đứa trẻ đáng thương.
Bao nhiêu là đủ
Ông N. và bà L. kết hôn năm 2018, hạnh phúc tưởng như trọn vẹn khi con trai họ ra đời vào năm 2019. Thế nhưng, sự khác biệt trong lối sống và quan điểm đã khiến cuộc hôn nhân dần đi vào ngõ cụt và kết thúc bằng quyết định ly thân vào cuối năm 2023.
Tại tòa sơ thẩm, cả ông N. và bà L. đều đồng ý ly hôn nhưng vấn đề con chung lại trở thành ngã rẽ khó dung hòa. Ông N. đề nghị được trực tiếp nuôi con và từ chối yêu cầu cấp dưỡng nếu bà L. giành quyền nuôi con. Ngược lại, bà L. kiên quyết giữ quyền chăm sóc con đồng thời yêu cầu ông N. cấp dưỡng cho con mỗi tháng.
Xem xét vụ việc, TAND quận Bình Tân đã đưa ra phán quyết giao đứa trẻ cho người mẹ nuôi dưỡng và buộc người cha phải chu cấp 6 triệu đồng/tháng. Mọi chuyện tưởng chừng đã khép lại cho tới khi người mẹ kháng cáo bản án sơ thẩm.
Tại phiên phúc thẩm, bà L. bật khóc khi nhắc đến hoàn cảnh của con trai. Bé H. mắc bệnh chậm phát triển tâm thần vận động, phải theo học tại một trường chuyên biệt với mức học phí 11 triệu đồng/tháng. Bà L. nói rằng với thu nhập 15 triệu đồng/tháng, bà gần như kiệt quệ khi vừa lo chi phí sinh hoạt vừa chăm sóc con.
Bà L. cho rằng là một bác sĩ, ông N. - chồng cũ của bà - có thu nhập lên tới 50 triệu đồng/tháng. Do đó, bà yêu cầu tòa án phán quyết để ông cùng chia sẻ trách nhiệm nuôi dưỡng con. "Tôi không yêu cầu gì quá đáng. Tôi chỉ mong anh chia sẻ học phí để con có cơ hội phát triển tốt hơn" - bà L. nói, đôi mắt đầy hy vọng hướng về phía chồng cũ.
Nhưng ông N. không đồng tình. Ông N. cãi rằng mức thu nhập thực tế của ông là 20 triệu đồng/tháng và phần lớn đã phải dành để lo cho cha mẹ và chị gái. Ông đã làm tròn trách nhiệm của một người cha khi tự nguyện cấp dưỡng 6 triệu đồng/tháng.
Sau khi lắng nghe lập luận của cả hai bên, tòa phúc thẩm đã đưa ra những phân tích dựa trên pháp luật hiện hành. Cụ thể, tòa phúc thẩm căn cứ các điều 71, 110, 116 của Luật Hôn nhân và gia đình, xác định cha mẹ có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc nuôi dưỡng con, kể cả khi không sống chung. Dựa trên thu nhập của ông N. và nhu cầu thực tế của bé H., tòa sơ thẩm đã buộc ông N. cấp dưỡng 6 triệu đồng/tháng, mức này cao hơn 2 lần lương tối thiểu vùng theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP. Theo Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP, tiền cấp dưỡng bao gồm toàn bộ chi phí nuôi dưỡng và học tập, do đó mức này được đánh giá là hợp lý và đã được ông N. tự nguyện đồng ý.
Hơn nữa, tòa án cho rằng từ khi ly thân, bà L. đã làm tốt vai trò của mình, bảo đảm các nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe và sinh hoạt của con. Việc thay đổi mức cấp dưỡng không có căn cứ rõ ràng và có thể gây xáo trộn cuộc sống ổn định của bé.
Phiên tòa khép lại nhưng câu chuyện về trách nhiệm làm cha, làm mẹ vẫn còn đó. "Bao nhiêu tiền là đủ chăm sóc con?" - có lẽ không ai trong phòng xử án ngày hôm ấy trả lời được. Tiền bạc, suy cho cùng, chỉ là một phần nhỏ trong hành trình nuôi dưỡng và yêu thương con cái.
"Đủ tiền chăm sóc cho con có lẽ không phải là 6 triệu hay 11 triệu đồng/tháng mà là sự sẻ chia trách nhiệm, là sự hy sinh và thấu hiểu. Đó là một bàn tay nâng đỡ khi con vấp ngã, một ánh mắt ấm áp khi con cần động viên. Và có lẽ, con số đó sẽ không bao giờ có thể tính toán một cách chính xác, bởi tình yêu thương là vô hạn. Cuộc đời bé H. còn rất dài, còn câu chuyện hôm nay chỉ là một khúc quanh nhỏ. Mong rằng cả ông N. và bà L. đều sẽ vượt qua mọi tranh chấp để cùng nhau hướng về tương lai, nơi đứa trẻ được sống trọn vẹn trong tình yêu thương của cả cha và mẹ" - vị chủ tọa tâm sự.
Nỗi trăn trở còn lại
Hạnh phúc gia đình đôi khi không được đo bằng vật chất hay những con số tài chính mà bằng sự thấu hiểu và tình yêu thương đong đầy. Câu chuyện của ông Ch. và bà N. tại TAND TP HCM hồi tháng 3-2024 đã chạm đến trái tim của nhiều người và để lại cùng nỗi trăn trở rằng: "Bao nhiêu tiền là đủ chăm sóc con?".
Ông Ch., người Hàn Quốc, từng đến Việt Nam và tìm thấy tình yêu ở bà N. - một phụ nữ kém hơn ông 14 tuổi. Họ kết hôn vào năm 2005, sau đó họ có với nhau một cô con gái. Nhưng khoảng cách tuổi tác, rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt văn hóa đã sớm biến ngôi nhà nhỏ thành chiến trường của những cuộc cãi vã triền miên.
Đến năm 2014, bà N. đưa con gái rời Hàn Quốc trở về Việt Nam. Trong căn nhà nhỏ tại quê nhà, bà N. vừa là mẹ vừa là cha nuôi dạy cô con gái nhỏ. Tháng 11-2015, bà N. gửi đơn ly hôn, yêu cầu được nuôi con và khước từ bất kỳ khoản cấp dưỡng nào từ ông Ch. Quyết định của bà dường như là một lời khẳng định mạnh mẽ rằng tình thương không cần đo bằng vật chất. Phía bên kia, ông Ch. đồng ý chia tay nhưng không muốn từ bỏ quyền nuôi dưỡng con gái. Ông lập luận rằng với mức thu nhập 4.000 USD/tháng, ông có khả năng tài chính vượt trội để bảo đảm tương lai tốt nhất cho đứa trẻ tại Hàn Quốc. Ông mong muốn đưa con gái trở lại Hàn Quốc, nơi ông tin rằng có những điều kiện học tập và môi trường sống sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, dường như người cha đã không hiểu được điều mà con gái thật sự mong muốn. Đứng giữa cuộc chiến pháp lý của cha và mẹ, cô gái nhỏ đã nói lên nguyện vọng được sống cùng mẹ tại Việt Nam. Trong giọng nói run rẩy của cô gái trẻ, người ta nhận ra rằng đôi khi điều một đứa con cần nhất không phải là điều kiện vật chất đủ đầy, mà là cảm giác an toàn và yêu thương nơi trái tim chúng thuộc về. "Con muốn sống với mẹ" - cô gái nói, ánh mắt hướng về bà N. như tìm kiếm sự an ủi. Cô không cần một ngôi nhà sang trọng hay những khoản tiền rủng rỉnh. Điều mà cô gái thật sự cần là một nơi an toàn, nơi trái tim cô thuộc về.
HĐXX nhận định rằng từ năm 2014 đến nay, bà N. đã làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, nuôi dưỡng và chăm sóc con gái trong điều kiện ổn định. Việc bà không nhận bất kỳ khoản trợ cấp nào từ ông Ch. càng khẳng định bà có đủ khả năng tự lực để bảo đảm cuộc sống cho con. Ngược lại, ông Ch. không đưa ra được bằng chứng cụ thể về việc bà N. không đủ khả năng hoặc thiếu tình thương dành cho con gái. Và hơn hết, nguyện vọng của trẻ - muốn tiếp tục sống cùng mẹ - chính là yếu tố quyết định.
Tòa cuối cùng tuyên giao quyền nuôi dưỡng con gái cho bà N., khép lại một cuộc chiến pháp lý nhưng mở ra một bài học sâu sắc cho những người chứng kiến: Hạnh phúc của một đứa trẻ không đo bằng tiền bạc hay điều kiện vật chất, mà bằng tình yêu và cảm giác an toàn. Trong ánh mắt của những người rời tòa, người ta nhận ra một điều rằng đôi khi, hạnh phúc chỉ đơn giản là được ở bên người mà mình cảm thấy thuộc về.
Bình luận (0)