Phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác (Ageism) đang nổi lên như một vấn đề đáng lo ngại trong môi trường công sở hiện đại, ảnh hưởng sâu sắc đến sự đa dạng và hòa nhập tại nơi làm việc. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại cho cá nhân bị ảnh hưởng mà còn làm giảm năng suất, tinh thần làm việc và khả năng sáng tạo của toàn bộ tổ chức.
Chưa hiểu rõ giá trị cốt lõi
Theo bà Phạm Lan Khanh, Giám đốc Công ty CP Truyền thông số Flamingo (quận 1, TP HCM), phân biệt đối xử tại nơi làm việc không chỉ là tuổi tác mà còn ở giới tính, trình độ học vấn, tình trạng khuyết tật, hôn nhân...
Những hành vi này có thể biểu hiện qua lời nói, hành động cố ý gây tổn thương hoặc diễn ra tinh vi dưới dạng định kiến vô thức. Hệ quả là môi trường làm việc trở nên thiếu công bằng, dẫn đến bất bình đẳng trong cơ hội thăng tiến, chế độ đãi ngộ và đánh giá năng lực.
"Những câu nói tưởng chừng vô hại như "Em còn trẻ, liệu đã đủ kinh nghiệm chưa?", "Anh/chị lớn rồi, trong khi công việc này cần sự nhanh nhạy hơn". Thực chất những câu nói đó chứa đựng định kiến, làm giảm giá trị người nghe, thậm chí ăn sâu vào tư duy khiến nhiều người nhụt chí" - bà Khanh nhận xét.
Bà Lê Thị Mai Anh, Chủ tịch điều hành Vietnam Public Relations Network (VNPR) - Mạng lưới quan hệ công chúng Việt Nam (quận 1), cho rằng một trong những rào cản phổ biến nhất là thành kiến vô thức - những nhận thức sai lệch âm thầm ảnh hưởng đến các quyết định tuyển dụng, đánh giá năng lực hay thăng tiến. Điều này có thể dẫn đến việc ưu ái một nhóm đối tượng, trong khi vô tình làm giảm cơ hội cho các ứng viên hoặc nhân viên khác.
Bên cạnh đó, văn hóa doanh nghiệp (DN) bảo thủ cũng là yếu tố cản trở, khi nhiều tổ chức vẫn duy trì cơ chế hoạt động truyền thống, thiếu sự linh hoạt để thích nghi với các tiêu chuẩn công bằng hiện đại. Điều này không chỉ giới hạn cơ hội phát triển của nhân viên mà còn kìm hãm sự đổi mới và sức cạnh tranh của DN.
Ngoài ra, thiếu nhận thức và đào tạo về công bằng cũng là vấn đề nổi cộm. Không ít nhà quản lý và nhân viên chưa thực sự hiểu rõ các giá trị cốt lõi của sự công bằng hay những quy định pháp lý liên quan. "Sự thiếu hụt này khiến tổ chức khó nhận diện và khắc phục triệt để các vấn đề bất bình đẳng. Do đó, nâng cao nhận thức, cải tiến văn hóa và thiết lập cơ chế đào tạo rõ ràng là những bước đi quan trọng để tạo dựng môi trường làm việc công bằng và bền vững" - bà Anh phân tích.
Tạo sự ổn định lâu dài
Thực tế, việc xây dựng môi trường làm việc công bằng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của DN. Bởi nó không chỉ thúc đẩy hiệu quả, sáng tạo mà còn giúp nhân viên cảm thấy được tôn trọng và công nhận xứng đáng.
Theo ông Đoàn Hữu Hiển, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vận chuyển Du lịch Sao Vàng (quận Phú Nhuận, TP HCM), khi không có sự thiên vị hay bất bình đẳng, các thành viên trong đội ngũ dễ dàng chia sẻ ý tưởng, hợp tác hiệu quả và đóng góp tích cực hơn, từ đó nâng cao chất lượng công việc.
Đồng thời, sự minh bạch và công bằng là yếu tố thu hút ứng viên tiềm năng, mang lại lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động. Những DN duy trì môi trường làm việc công bằng, ngoài xây dựng lòng trung thành từ nhân viên còn giảm thiểu tỉ lệ nghỉ việc, tạo nền tảng cho sự ổn định lâu dài. "Điều này không chỉ mang lại lợi thế trong việc thu hút nguồn lực mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược, giúp DN khẳng định vị thế trên thị trường" - ông Hiển đánh giá.
Bà Nguyễn Thị An Hà, Giám đốc marketing và trải nghiệm khách hàng Công ty CP Kết nối Nhân tài - Talentnet (quận 1), cho rằng khi có sự khác biệt, hiển nhiên sẽ có sự phân biệt, nhưng cả DN lẫn người lao động (NLĐ) đều có thể thay đổi điều này thông qua nhận thức và hành động đúng đắn.
Ở góc độ NLĐ, phải chủ động học hỏi và phát triển bản thân để thích nghi, thu hẹp khoảng cách thế hệ; đồng thời, cần cởi mở với sự khác biệt, tránh để lời nói hay hành động vô tình tạo ra sự phân biệt. Về phía DN, cần xây dựng chính sách bảo đảm công bằng, ví dụ tạo điều kiện để NLĐ lớn tuổi tiếp cận công nghệ mới hoặc hỗ trợ người trẻ phát triển kỹ năng lãnh đạo.
Các buổi chia sẻ nội bộ cũng rất quan trọng, không chỉ để trao đổi kiến thức mà còn tăng sự thấu hiểu và gắn kết đội ngũ. Hơn nữa, DN phải loại bỏ giới hạn tuổi tác trong tuyển dụng, trả lương dựa trên năng lực thay vì thâm niên, xây dựng văn hóa lắng nghe và tôn trọng ý kiến. "Một môi trường như vậy không chỉ giảm cảm giác phân biệt mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững" - bà Hà nhấn mạnh.
Bình luận (0)