Do chỉ nhận được thông báo miệng về việc điều chuyển công việc, chị N.T.T.T, nhân viên lưu trữ hồ sơ Công ty TNHH H.V (tỉnh Đồng Nai), đã đến phòng nhân sự yêu cầu giao quyết định điều chuyển nhưng không được đáp ứng. Trong lúc nóng giận, chị T. lớn tiếng với trưởng phòng nhân sự nên bị bảo vệ áp giải ra ngoài. Cho rằng mình bị đối xử như tội phạm, chị T. lấy điện thoại quay lại cảnh bị áp giải để làm bằng chứng khiếu nại về sau. Nhưng không ngờ hành động ấy lại khiến chị T. chuốc họa vào thân.
Bốc đồng
Chị T. ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn là nhân viên lưu trữ hồ sơ. Thế nhưng, đầu tháng 3-2021, trưởng phòng nhân sự công ty đột ngột thông báo điều chuyển chị sang làm công nhân sản xuất. Do không đồng ý chuyển việc nên sau đó T. không được giao việc làm và được bố trí ngồi tách biệt với mọi người. Khiếu nại nhiều lần không được giải quyết nên T. đã quyết định tìm trưởng phòng nhân sự hỏi cho ra lẽ thì xảy ra sự việc nêu trên.
Sau sự việc, T. đã gửi clip cho một số bạn bè và những người này đã đăng lên mạng xã hội để kêu gọi cư dân mạng ủng hộ T., đồng thời gây áp lực với công ty hủy bỏ việc điều chuyển công việc. Tuy nhiên, hậu quả của hành vi ấy là ngày 22-3, công ty đã họp và ra quyết định xử lý kỷ luật chị T. với hình thức kéo dài thời gian nâng lương. Lý do là chị T. đã vi phạm điều 40 nội quy lao động của công ty là "Người lao động không được quay phim, chụp hình trong các khu vực cấm của công ty và nơi làm việc, trừ trường hợp được quản lý bộ phận chấp nhận".
Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Tân Bình, TP HCM (bìa trái) hướng dẫn thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cho người lao động
"Tôi thừa biết quy định này nhưng nếu tôi không quay thì sau này lấy gì làm bằng chứng? Hơn nữa, trong những lần tụ họp, sinh nhật tổ chức ở phòng làm việc, đồng nghiệp của tôi cũng quay phim chụp hình mà có bị xử lý gì đâu. Rõ ràng là công ty đang cố tình chèn ép tôi" - chị T. phân trần.
Nhưng chưa dừng tại đó, công ty tiếp tục gửi đơn đến cơ quan công an đề nghị làm rõ hành vi tung tin lên mạng xã hội gây tổn hại uy tín công ty. Tiếp đó, công ty lấy lý do làm rõ hồ sơ cá nhân của chị T. theo yêu cầu của cơ quan công an nên ra quyết định tạm đình chỉ công việc T. trong 10 ngày (từ 21 đến 31-5-2021). Đến thời điểm này, tranh chấp giữa chị T. và công ty vẫn tiếp diễn.
Nóng vội là hỏng việc
Cũng chỉ vì thiếu kiểm soát trong một phút nóng giận, anh N.Đ.V, nhân viên kỹ thuật Công ty TNHH H.H (quận 4, TP HCM), đã tự đưa mình vào ngõ cụt, khiến cho khoản lương tháng 10 và 11-2020 hơn 12 triệu đồng, chưa kể gần 50 triệu đồng tiền mua sắm vật tư do mình tự bỏ tiền túi ra mua trong thời gian còn làm việc chưa biết khi nào mới được trả lại.
Trước đó, anh V. được công ty ký HĐLĐ xác định thời hạn 3 năm, đến ngày 1-8-2021 mới hết hạn. Theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2012, nếu V. muốn chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn thì phải có lý do chính đáng và tuân thủ thời gian báo trước (30 ngày). Thế nhưng, ngày 3-11-2020, anh V. nộp đơn xin nghỉ việc với lý do cá nhân, yêu cầu công ty cho nghỉ ngay vào ngày 6-11.
Vì lý do nghỉ việc không chính đáng nên ông L.Q.H, giám đốc công ty, đã từ chối giải quyết và xé đơn của V. Ngày 10-11, anh V. tiếp tục gửi đơn xin nghỉ việc và nghỉ ngay vào ngày hôm sau. Nội dung đơn nghỉ việc lần này kèm theo hàng loạt yêu sách buộc công ty phải thực hiện như: ngay lập tức tiến hành thủ tục chấm dứt HĐLĐ; nhanh chóng tìm người thay thế và V. chỉ thực hiện việc bàn giao trong 1 ngày. Ngoài ra, công ty phải lên lịch hẹn ngày, giờ để giải quyết tiền lương, hồ sơ giải trình tạm ứng cho V… Trong đơn, V. cũng nhấn mạnh nếu công ty không thực hiện đúng yêu cầu trên thì sẽ khởi kiện và công bố sai phạm của doanh nghiệp đến báo, đài và các cơ quan chức năng.
"Khi anh V. đưa đơn xin nghỉ việc lần đầu, tôi không đồng ý cho nghỉ nên đã xé đơn trước mặt anh ấy. Nghĩ lại, thấy mình phản ứng lúc đó hơi quá đáng nên tôi cũng định xin lỗi và giải quyết xem xét cho V. nghỉ. Chưa kịp làm thì V. lại tiếp tục đưa đơn xin nghỉ việc với những lời lẽ hăm dọa. Nếu tôi đồng ý với các yêu sách ấy thì hóa ra tôi sợ anh ta sao?" - ông L.Q.H quả quyết.
Trao đổi với chúng tôi, V. giãi bày do anh không thích việc nhân viên thường xuyên phải bỏ tiền túi mua vật tư để phục vụ công việc, sau đó bị gây khó dễ đủ điều khi quyết toán nên quyết định xin nghỉ việc. Song anh V. cũng thừa nhận mình nóng vội nên mới rước phiền phức về mình. Hiện anh V. đang khởi kiện ra tòa nhưng không biết khi nào mới đòi được quyền lợi.
Nên cố gắng đối thoại
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, nhìn nhận không ít người lao động và người sử dụng lao động khi đối diện với tranh chấp thường có tâm lý muốn ăn thua đủ. Điều này dễ dàng khiến các bên đưa ra những quyết định vội vã và hành xử sai, dẫn đến những hậu quả về pháp lý như trường hợp chị N.T.T.T. Trong quan hệ lao động, tranh chấp rất dễ xảy ra, do đó 2 bên cần cân nhắc, đánh giá cặn kẽ và toàn diện nguyên nhân, bản chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Tìm kiếm cơ hội đối thoại trực tiếp hoặc yêu cầu đơn vị trung gian làm cầu nối giải quyết tranh chấp sẽ giúp 2 bên hóa giải gút mắc.
Bình luận (0)