Nhiều người lao động (NLĐ) làm việc tại Công ty CP Tư vấn đầu tư và Phát triển đô thị ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM (nay đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại Tư vấn đầu tư và Phát triển đô thị tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) cho biết họ đã gắn bó hơn 20 năm, từ thời đơn vị này còn là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng Công ty Xây dựng số 1. Qua quá trình cổ phần hóa, công ty thoái hết vốn nhà nước và hoàn toàn do một chủ tư nhân nắm giữ. Khi không hài lòng với nhân viên, chủ công ty cho thôi việc ngay lập tức mà không báo trước hay giải quyết các chế độ khiến NLĐ chới với.
Giám đốc thích thì làm
Theo ông Nguyễn Trung Toàn, nhân viên làm việc tại chi nhánh Cần Thơ, ông làm việc cho công ty từ năm 2002. Tháng 10-2016, ông bị công ty điều động về Tây Ninh làm việc cho một dự án ở đây. Sau một thời gian, ông không đồng ý và bị cho nghỉ việc.
Người lao động gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng đề nghị can thiệp, bảo vệ quyền lợi Ảnh: ĐẰNG GIANG
"Gia đình tôi ở Cần Thơ, làm việc mười mấy năm tại đây, hợp đồng lao động (HĐLĐ) cũng ghi nơi làm việc là ở Cần Thơ, vậy mà công ty đột nhiên điều động đi xa nhà thì làm sao mà sống? Công ty đề nghị ký lại hợp đồng nhưng tôi không chịu, vậy là cho nghỉ luôn, không lý do, không báo trước, cũng không giải quyết chế độ nào cả" - ông Toàn bức xúc.
Nhiều NLĐ cũng cho biết việc điều động nhân viên sai việc, sai chuyên môn, sai địa điểm hoặc chạy loanh quanh từ nơi này sang nơi khác trong cùng hệ thống công ty của chủ sở hữu là chuyện phổ biến khiến họ gặp rất nhiều khó khăn. Có người chuyển loanh quanh nhiều chỗ, toàn nói miệng, chỗ cũ không báo giảm lao động nên đến khi cần chốt sổ BHXH thì cũng chẳng biết chốt ở đâu.
"Thậm chí, trước đây, công ty còn có Công đoàn từ thời doanh nghiệp nhà nước để lại nhưng dưới thời chủ mới, khi không hài lòng, chủ không trích nộp kinh phí nữa. Khi chủ tịch Công đoàn về hưu thì bỏ luôn, Công đoàn giải tán hẳn nên không ai bảo vệ NLĐ. Có trường hợp một lao động nữ bất ngờ bị cho thôi việc ngay tại chỗ làm, công ty tắt máy, thu giữ tài liệu mà không thông báo trước hay giải quyết chế độ gì, NLĐ cứ thế bước ra khỏi công ty. Nhiều người cả năm nay vẫn chưa tìm được việc mới" - bà Nguyễn Thị Tuyết, một nhân viên cũ của công ty, cho biết.
Cũng bị cho thôi việc cùng lúc với trên 10 lao động khác, chị Nguyễn Thị Phương Lan lại thiệt thòi nhiều hơn khi chỉ còn hơn một tháng nữa là sinh con. "Cho thôi việc lao động nữ đang mang thai là trái luật. Tôi khiếu nại thì công ty chỉ trả cho 10 triệu đồng gọi là bồi thường nhưng các chế độ bảo hiểm mất hết. Không có bảo hiểm, tôi phải tự chi trả hầu như mọi chi phí khi sinh con nên 10 triệu đồng chẳng thấm vào đâu" - chị Lan bày tỏ.
Đổ lỗi cho người lao động
Xem qua các quyết định cho NLĐ thôi việc của công ty, tất cả đều ghi là "căn cứ theo Bộ Luật Lao động". Tuy nhiên, toàn bộ quyết định lại không hề căn cứ theo điều khoản nào của Bộ Luật Lao động về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ hay kỷ luật sa thải. Trong quyết định cũng không có thời hạn bàn giao hay trách nhiệm của công ty trong việc giải quyết các chế độ cho NLĐ theo luật định.
"Khi công ty không thích thì có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải bồi thường và giải quyết các chế độ liên quan. Còn gọi là sa thải thì không đúng vì chúng tôi không vi phạm pháp luật và kỷ luật lao động của công ty" - bà Tuyết cho biết.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi về các khiếu nại của NLĐ, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, tổng giám đốc hiện tại của công ty, trả lời: "Dù có trễ gần 1 năm nhưng hiện tại, công ty cũng đã chốt xong BHXH cho các trường hợp này. Nguyên nhân là do một số cá nhân cũ làm sai, công ty cho nghỉ việc sau đó lại kích động nhân viên khác quấy phá". Khi chúng tôi đặt vấn đề về trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho thời gian làm việc từ năm 2008 về trước và bồi thường khi cho thôi việc trái luật, bà Vân từ chối trả lời mà bảo chờ ý kiến của lãnh đạo cao hơn.
Trong khi đó, NLĐ khẳng định họ không hề quấy phá hay làm sai gì cả. Bà Tuyết khẳng định: "Chúng tôi đòi các quyền lợi chính đáng của mình thì sao gọi là quấy phá? Còn chuyện sai phạm thì không ai vi phạm gì cả. Đó là chưa kể một số lao động đã nghỉ việc còn bị công ty kiện ngược lại nhưng các cơ quan chức năng kết luận họ không sai phạm gì".
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 6-9, đại diện LĐLĐ huyện Bình Chánh cho biết sẵn sàng nhận ủy quyền của NLĐ để khởi kiện công ty ra tòa, đòi lại quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho họ.
Ông Tạ Minh Chánh, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bình Chánh, cho biết đã tiếp nhận thông tin vụ việc từ LĐLĐ huyện. "Chúng tôi sẽ phối hợp cùng LĐLĐ huyện làm việc với lãnh đạo công ty để xác minh và giải quyết các vấn đề NLĐ đang khiếu nại" - ông khẳng định.
Bình luận (0)