Trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, một số công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) vẫn duy trì hoạt động bằng cách áp dụng quy trình 4-ON. Hiện tại, các tỉnh, thành đã bắt đầu mở cửa thông thoáng hơn nhưng vẫn còn nhiều quy định hạn chế. Vì vậy, quy trình 4-ON vẫn sẽ là xu hướng làm việc chủ yếu cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Nhiều ưu điểm
4-ON là một hình thức làm việc mới để triển khai chương trình tuyển dụng người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Mô hình này bao gồm 4 bước cơ bản: hồ sơ online, đào tạo trước phỏng vấn online, phỏng vấn online và đào tạo chính thức online.
Ở bước đầu tiên, các công ty XKLĐ và NLĐ sẽ tiến hành hoàn tất thủ tục, hồ sơ, sơ yếu lý lịch bằng phương thức online hoặc các phần mềm của riêng doanh nghiệp. Tiếp theo, các công ty XKLĐ sẽ tiến hành đào tạo online ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết cho việc phỏng vấn. Khi đến ngày phỏng vấn chính thức, công ty XKLĐ sẽ tổ chức kết nối các nghiệp đoàn, công ty tiếp nhận lao động, ứng viên thông qua các phần mềm như Zoom, Microsoft Teams, Google Meet. Quá trình phỏng vấn online diễn ra nhanh gọn hơn hẳn so với cách thức phỏng vấn trực tiếp từng tiến hành trước dịch. Kết quả chính thức sẽ được thông báo sau khi kết thúc phỏng vấn. Bước cuối cùng, các ứng viên được đối tác chọn lựa sẽ tham gia các lớp đào tạo online và đợi lịch xuất cảnh.
Quy trình này không yêu cầu bất cứ bên nào phải di chuyển đến địa điểm khác ngoài nơi cư trú hiện tại, vì thế giúp bảo đảm hoàn toàn các yêu cầu phòng chống dịch. Đồng thời, công tác chuẩn bị cho hồ sơ, phỏng vấn của các công ty XKLĐ trở nên tối giản hơn, tiết kiệm khá nhiều công sức và chi phí.
Nhân viên Công ty TNHH Texgamex-VN kiểm tra hồ sơ người lao động có nhu cầu ra nước ngoài làm việc
Chị Nguyễn Thị Thùy Linh - 19 tuổi; quê ở Bảo Lộc, Lâm Đồng; vừa trúng tuyển đi Nhật, ngành chế biến thực phẩm - đã nói về quá trình tham gia theo quy trình mới: "Tôi rất ấn tượng với chương trình này. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là tôi có thể thoải mái học tập bất cứ lúc nào. Ban ngày, tôi tranh thủ phụ ba mẹ làm việc nhà, chiều tối dành ra 2 giờ để học với giáo viên và được hướng dẫn rèn luyện tay nghề. Lúc phỏng vấn thì được ngồi ở nhà khá thoải mái, bớt đi áp lực. Tỉ lệ chọi cũng không cao so với các đợt phỏng vấn trước dịch".
Bà Trần Thị Thu, Giám đốc Công ty CP Nhân lực quốc tế Jacomex (quận Gò Vấp, TP HCM), cho biết: "Với nhiều yêu cầu khắt khe, đối tác nước ngoài luôn thích phỏng vấn trực tiếp để chọn lựa ứng viên phù hợp. Rất khó khăn chúng tôi mới thuyết phục được họ đồng ý tiếp tục triển khai hợp đồng bằng quy trình 4-ON. Sau vài lần thử nghiệm và điều chỉnh, các bên đều hài lòng với cách thức vận hành chương trình tuyển dụng online này. Nhờ đó mà đội ngũ nhân viên của tôi có việc liên tục để làm, tránh tâm lý chán nản trong mùa dịch. Quy trình này chắc chắn sẽ được nhiều công ty phái cử áp dụng trong thời gian tới".
Đáp ứng nhu cầu trước mắt
Vì nhu cầu NLĐ rất đa dạng nên phương án này đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt của đội ngũ nhân viên các công ty rất cao. Đồng thời, vì tranh thủ làm việc kiếm thêm thu nhập trong đại dịch nên giờ giấc học online của NLĐ cũng không cố định. Điều này khiến cho đội ngũ nhân viên của các công ty gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp lịch dạy online theo quy trình mới.
Ông Phạm Trần Đình Giang, nhân viên Công ty TNHH Texgamex-VN (quận 4, TP HCM), cho biết khi thực hiện chương trình đào tạo và phỏng vấn hoàn toàn online, nhân viên các công ty phái cử phải luôn trong trạng thái sẵn sàng, điện thoại và máy tính luôn mở, làm việc bất kể giờ giấc để đáp ứng mọi nhu cầu phát sinh của các bên. Đối tác nước ngoài và NLĐ đều là những khách hàng quan trọng của công ty, vì vậy việc cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng phải được ưu tiên. Có một số ý kiến cho rằng việc áp dụng quy trình 4-ON sẽ khiến cho NLĐ cảm thấy được "chiều chuộng" quá mức, dễ dẫn đến thái độ thiếu nghiêm túc trong công việc sau này. Một số công ty cũng tỏ ra lo ngại khi có nhiều NLĐ bỏ chương trình sau khi đã có kết quả trúng tuyển chính thức. Điều này cũng dễ hiểu bởi mức độ ràng buộc đối với NLĐ không cao và đây cũng là vấn đề mà các công ty phái cử cần tìm cách khắc phục để bảo đảm chất lượng chương trình.
Theo ông Takashi, phụ trách tuyển dụng cho Công ty Cơ khí Sanei (Nhật Bản), vì phỏng vấn online nên các đối tác của công ty phái cử khó có thể quan sát và đánh giá hết tính cách, năng lực, phản xạ của các ứng viên. Chất lượng đường truyền quốc tế nhiều khi không ổn định, cũng làm giảm chất lượng tương tác giữa hai bên, thậm chí gây mất khá nhiều thời gian nếu có trục trặc xảy ra. Tuy nhiên, đây vẫn là phương án tốt nhất trong hiện tại để giải quyết nhu cầu tuyển dụng lao động của công ty. Mặc dù chính phủ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đã bắt đầu nới lỏng các quy định phòng chống dịch để chuẩn bị mở cửa đón lao động trở lại nhưng thị trường XKLĐ vẫn được dự báo sẽ còn đối diện nhiều thách thức. Việc xây dựng các giải pháp mới như quy trình 4-ON sẽ là động lực để thúc đẩy thị trường khởi sắc trở lại, đóng góp vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Người lao động hưởng lợi
Theo các chuyên gia XKLĐ, quy trình 4-ON đã khắc phục được hầu hết các khó khăn và trở thành giải pháp quan trọng giúp thị trường XKLĐ được duy trì. Đồng thời, các công ty phái cử có nguồn thu tạm thời để vượt qua đại dịch. "NLĐ cũng được hưởng lợi từ quy trình này khi tiết kiệm được chi phí và thời gian tham gia đáng kể so với quy trình cũ. Việc xóa bỏ một số bước không thật sự cần thiết, kéo nhu cầu các bên trong chương trình tuyển dụng lao động nước ngoài lại gần nhau hơn" - ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, chuyên gia trong lĩnh vực XKLĐ, nhận định.
Bình luận (0)