Theo đó, sau khi ghi nhận thời gian người NLĐ làm việc tại các DN giải thể, phá sản mà DN nợ tiền đóng BHXH là thời gian đóng BHXH làm cơ sở giải quyết các chế độ BHXH hoặc chốt sổ để NLĐ chuyển đơn vị khác, tiền nợ BHXH sẽ được thanh toán khi thanh lý tài sản của DN. Nếu tiền thanh lý tài sản vẫn chưa đủ trả hết nợ BHXH, Bộ LĐ-TBXH đề xuất 4 phương án giải quyết.
Phương án 1: Số tiền nợ BHXH còn thiếu, ngân sách nhà nước đóng bù
Đối với DN giải thể, phá sản, sau khi thanh lý tài sản được ưu tiên đóng BHXH, trong trường hợp không đủ, ngân sách nhà nước đóng bù.
Với phương án này, quyền lợi về BHXH của NLĐ được đảm bảo; đảm bảo đúng nguyên tắc đóng-hưởng, NLĐ có đóng thì mới được hưởng cho dù thanh toán khoản nợ BHXH lấy từ thanh lý tài sản của DN hoặc ngân sách nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về BHXH, thì ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ tiền đóng đối với NLĐ tham gia BHXH tự nguyện, không quy định hỗ trợ đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc; Luật Ngân sách nhà nước cũng không có điều khoản nào quy định việc đảm bảo cho khoản nợ BHXH. Quy định này có thể sẽ tạo điều kiện cho một số DN cố tình chây ỳ, trốn đóng, nợ đóng BHXH.
Để thực hiện phương án này, Chính phủ trình Quốc hội thông qua khoản ngân sách đảm bảo tiền đóng BHXH của các DN đã giải thể, phá sản mà còn nợ tiền đóng BHXH (tính lũy kế đến hết năm 2015 là 220,5 tỉ đồng)
Phương án 2: Số tiền nợ BHXH còn thiếu, dùng Quỹ BHXH đóng bù
Sau khi thực hiện xử lý tài sản của DN giải thể, phá sản mà không đủ trả tiền nợ đóng BHXH thì quỹ BHXH chịu khoản tiền nợ BHXH không thu hồi được.
Phương án này, ngoài quyền lợi về BHXH của NLĐ được đảm bảo, còn ưu điểm hơn phương án một là ngân sách Nhà nước không phải bố trí một khoản kinh phí đảm bảo tiền nợ đóng BHXH của các DN đã giải thể, phá sản. Tuy nhiên, không đảm bảo đúng nguyên tắc đóng-hưởng theo quy định của Luật BHXH (về bản chất thời gian nợ không đóng vào quỹ BHXH nhưng vẫn được hưởng quyền lợi về BHXH). Tương tự phương án một, phương án này cũng sẽ khuyến khích các DN cố tình chây ỳ, trốn đóng, nợ đóng BHXH.
Để thực hiện phương án này, Chính phủ phải trình Quốc hội (quy định cá biệt hoặc sửa đổi, bổ sung Luật BHXH), trong đó quy định đối với DN đã giải thể, phá sản mà còn nợ BHXH thì NLĐ được ghi nhận thời gian làm việc để giải quyết quyền lợi về BHXH.
Phương án 3: Nếu thu hồi được nợ sau thanh lý tài sản của DN mới xác nhận thời gian đã đóng BHXH cho NLĐ
Cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH đối với NLĐ đến thời điểm đóng đủ BHXH; sau này nếu thu hồi được khi thực hiện xử lý tài sản của DN thì sẽ xác nhận bổ sung cho NLĐ. Sửa đổi một số pháp luật có liên quan theo hướng khi thanh lý tài sản của các DN giải thể, phá sản thì tiền đóng BHXH được ưu tiên trước khi thanh toán các khoản khác.
Tương tự với phương án này, sẽ đảm bảo đúng nguyên tắc đóng-hưởng theo quy định của Luật BHXH. Ngân sách Nhà nước không phải bố trí một khoản kinh phí đảm bảo tiền nợ đóng BHXH của các DN đã giải thể, phá sản.
Tuy nhiên, quyền lợi về BHXH của NLĐ không được đảm bảo; nhiều trường hợp người sử dụng lao động đã trích tiền đóng BHXH của NLĐ nhưng không đóng cho cơ quan BHXH.
Phương án 4: Phần còn thiếu được đảm bảo bằng tiền lãi phạt chậm nộp của các DN nợ đóng BHXH.
Đây là phương án do Bộ LĐ-TBXH đề xuất trong quá trình trao đổi, thảo luận khi tổng hợp ý kiến tham gia. Cụ thể, sau khi thanh lý tài sản được ưu tiên đóng BHXH, trong trường hợp không đủ thì được đảm bảo bằng khoản tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp khi nợ tiền đóng BHXH.
Phương án này không hoàn toàn đảm bảo đúng nguyên tắc đóng-hưởng theo quy định của Luật BHXH. Có thể sẽ tạo tiền lệ cho các DN cố tình chây ỳ, trốn đóng, nợ đóng BHXH. Tuy nhiên, ưu điểm của phương án này so với các phương án trên đó là ngoài quyền lợi về BHXH của NLĐ được đảm bảo; Ngân sách nhà nước không phải bố trí khoản kinh phí đảm bảo khoản tiền nợ đóng BHXH. Mặc dù, khoản tiền lãi chậm nộp cũng được nộp vào quỹ BHXH nhưng đây là khoản tiền người sử dụng lao động phải nộp thêm ngoài khoản tiền nợ BHXH (tiền lãi chậm nộp bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, nêú DN không nợ thì tiền đóng BHXH được đầu tư cũng chỉ được 1 lần lãi suất đầu tư quỹ BHXH)
Ý kiến về các phương án nêu trên, Bộ LĐ-TB-XH thấy rằng 3 phương án đầu (phương án 1,2 và 3) đều khó thực hiện do phương án 1 khó khả thi trong bối cảnh khó khăn của Ngân sách nhà nước; phương án 2 không đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng, phương án 3 không đảm bảo quyền lợi NLĐ.
Dù ý kiến các bộ ngành còn khác nhau, nhưng Bộ LĐ-TB-XH nghiêng về phương án 4, dùng tiền lãi thu được từ các DN chậm đóng BHXH để cấp bù cho phần nợ BHXH của DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn còn nợ. Ưu điểm của phương án này là vừa đảm bảo được quyền lợi của người lao động, cũng không quá vi phạm nguyên tắc đóng hưởng của Luật BHXH.
Bình luận (0)