Thưa ông, con số 58 quận, huyện có số người lao động không chịu về nước khi hết hợp đồng, bị tạm ngừng xuất khẩu sang Hàn Quốc theo chương trình EPS năm 2017 đã nói lên những điều gì? Ông có thể thông tin chi tiết hơn?
Ông Đặng Sỹ Dũng: Đây là con số chính xác trên hệ thống. Khi chúng tôi công bố, các địa phương hoàn toàn có thể đối chiếu. Nếu nhầm lẫn giữa địa phương này với địa phương khác sẽ không hay. Thêm nữa, trước khi công bố con số này, chúng tôi đã gửi về địa phương vì nó liên quan đến lao động cư trú trên địa bàn. Đây cũng là vấn đề ảnh hưởng rất nhiều đến các địa phương nên chúng tôi phải làm rất cẩn thận, đàng hoàng.
Thưa ông, là đơn vị quản lý Nhà nước về vấn đề này, ông có thể chia sẻ thêm về lý do Bộ ra thông báo ngừng tuyển dụng?
Việc tạm ngừng với 58 quận, huyện là yêu cầu trực tiếp từ phía Hàn Quốc, nếu không, họ sẽ không tiếp tục tổ chức kỳ thi cho toàn bộ chương trình năm 2017 theo kế hoạch. Bộ LĐTB&XH không đơn phương quyết định.
Bộ không muốn áp dụng biện pháp này, nhưng nếu không làm, nhiều người khác sẽ không thể đi được, như thế sẽ càng khó khăn hơn. Do vậy, dù muốn hay không, Bộ vẫn phải thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động ở các địa phương này vào năm 2017 với chương trình EPS, còn với các nước khác vẫn xuất khẩu bình thường.
Theo ông, nguyên nhân vì sao, lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc lại vi phạm nhiều hơn so với các nước khác?
Thực ra, nguyên nhân chính là từ yếu tố kinh tế. Sau khi đi XKLĐ mấy năm, người lao động ra ngoài làm thu nhập trung bình có thể lên tới 2.000 USD/tháng, hoặc hơn. Sau 3 năm hợp đồng, người lao động trong diện này được gia hạn thêm 1 năm 10 tháng. Thời điểm này, người lao động đã biết tiếng, quen việc, thông thạo nhiều thứ nên công việc thuận lợi và thu nhập cao.
Thêm nữa, nhìn lại cũng phải thấy người lao động đã vi phạm hợp đồng. Đáng lẽ, họ phải hiểu được vấn đề này. Chúng ta đã có các quy định về xử phạt, nhưng khi người lao động đã xác định ra ngoài, họ không coi trọng những quy định đó nữa.
Thêm nữa, cũng phải nói đến trách nhiệm của nước tiếp nhận (cụ thể là Hàn Quốc) trong câu chuyện này là rất quan trọng. Nếu không có chủ sở hữu lao động Hàn Quốc, lấy đâu ra việc làm cho người ở lại bất hợp pháp. Nếu nghiêm khắc không cho sử dụng, người lao động không ở lại để làm gì. Thực tế, phía Hàn Quốc có những chiến dịch bắt lao động không hợp pháp, nhưng số lao động trong diện này quá nhiều nên hiệu quả không cao.
Hiện tại, mức xử phạt và đặt cọc với người lao động ở trường hợp này là bao nhiêu? Có nên tăng thêm để giải quyết vấn đề lao động không về nước khi hết hợp đồng?
- Ngoài quy định chung về mức xử phạt còn có Quyết định 1465 của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/8/2013 quy định, người lao động đi xuất khẩu ở Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng (tiền đặt cọc) ở ngân hàng chính sách tại địa phương. Nếu người lao động bỏ trốn, số tiền này sẽ chuyển vào quỹ hỗ trợ việc làm ở địa phương.
Nhưng trên thực tế, 100 triệu đồng chỉ tương đương khoảng 3 tháng lao động ở ngoài hợp đồng. Còn nếu tăng số tiền này lên, người lao động khó khăn không chắc đủ tiền để có cơ hội đi. Nếu phải vay lãi quá nhiều, họ sẽ rất khổ.
Cục Quản lý lao động ngoài nước có những giải pháp gì mang tính căn cơ để đạt hiệu quả triệt để?
Ngoài ký quỹ như đã nói, cần coi trọng và tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền cả trong và ngoài nước, cả người lao động và thân nhân người lao động. Ngoài Cục, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ để người lao động và thân nhân người lao động hiểu rõ, không vi phạm. Ở Hàn Quốc, chúng tôi có các bộ phận nằm trong đại sứ quán và văn phòng của chương trình EPS, tích cực tuyên truyền cho người lao động.
Có ý kiến cho rằng, để người lao động vi phạm nhiều như vậy, bộ LĐ-TB-XH đã chưa làm hết trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Ông suy nghĩ thế nào?
- Chúng tôi nhận trách nhiệm về vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những chính sách phù hợp, khả thi. Trong câu chuyện này, địa phương cũng phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn chia sẻ điều này. Không áp dụng tạm dừng tuyển chọn lao động ngành ngư nghiệp trong năm 2017 đối với các huyện ven biển thuộc các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển năm 2016, trong đó tỉnh Hà Tĩnh: huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà và huyện Kỳ Anh; tỉnh Quảng Bình: Huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới. Thêm nữa, kỳ thi tiếng Hàn sắp tới, với tất cả các ngành khác thi trên giấy vào tháng Sáu, riêng ngành nông nghiệp thi vào tháng Tám. Lùi thời gian như vậy, người lao động có thêm thời gian học tập. Đây là nỗ lực cực cao, kết quả chuyến công tác của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sang Hàn Quốc. Không chỉ đàm phán mà còn là sự đấu tranh vì phía Hàn Quốc họ không quan tâm việc chúng ta có sự cố môi trường hay pháp luật như thế nào.
Bình luận (0)