Báo cáo của HSBC chỉ rõ, chỉ có 26% số người đang trong độ tuổi lao động trên toàn cầu thường xuyên tiết kiệm cho tuổi hưu; 1/10 người đang tiết kiệm cho các khoản phí như nhà dưỡng lão hoặc chăm sóc y tế trong tương lai. Đáng chú ý, phụ nữ hiện đang có thói quen tiết kiệm cũng như để dành ít hơn so với nam giới. Khoảng dưới 1/3 (tương đương 29%) phụ nữ trên toàn cầu tin rằng, họ đang tiết kiệm nhiều hơn so với bạn đời của mình, trong khi con số này ở nam giới là 53%.
Ngoài ra, có 2/5 số người trong độ tuổi lao động (43%) đang sống với khả năng tài chính "ngày qua ngày"; trong khi 42% chỉ tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn hạn. 1/3 số người khảo sát (33%) thừa nhận chỉ thích chi tiêu tận hưởng cuộc sống hôm nay hơn là tiết kiệm cho ngày mai. Việc thiếu thói quen tiết kiệm cũng có thể liên quan đến việc nhiều người không coi những năm về già của mình là "nghỉ hưu". 6/10 người trong độ tuổi lao động (chiếm 58%) dự đoán sẽ tiếp tục làm một công việc nào đó và 2/5 (42%) hy vọng sẽ bắt đầu khởi nghiệp. Khi được hỏi đến số tiền cần thiết mà một người sẽ cần cho giai đoạn nghỉ hưu, thì chỉ 1/2 số người đang trong độ tuổi lao động biết được một số loại chi phí gia đình điển hình.
Tại Việt Nam, hiện có nhiều người vẫn làm việc trong độ tuổi nghỉ hưu. Khoảng 40% những người trong độ tuổi từ 70-74 vẫn đang làm việc dưới một hình thức nào đó. 7/10 người cao niên đang làm việc tại các khu vực đô thị của Việt Nam ở những ngành không chính thống, như: Bán hàng ngoài chợ, tài xế taxi, thu nhặt rác hay bán hàng rong. Mức thu nhập thấp và không ổn định của các công việc này, khiến họ có ít cơ hội tiết kiệm cho tuổi già. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện tại là quốc gia đang già hóa nhanh nhất thế giới. Năm 2000, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu người lần đầu tham gia đội ngũ lao động và 500.000 người bắt đầu nghỉ hưu. Tuy nhiên, năm 2017, con số tương ứng là 1,3 triệu lao động mới và 1 triệu người nghỉ hưu. Dự kiến, đến năm 2035, con số tương ứng sẽ là 1,5 triệu lao động và 1,3 triệu người về hưu.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong hơn 60 năm qua, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên 78 tuổi đối với nam và 79,5 tuổi đối với nữ. Tuy nhiên, tuổi nghỉ hưu trung bình là 55,6 tuổi đối với nam và 52,6 tuổi đối với nữ. Như vậy, đối với nam giới, thời gian trung bình chi trả cho BHXH là 28 năm, trong khi thời gian hưởng lương hưu trung bình là 22,5 năm.Theo ông Sabbir Ahmed- Giám đốc toàn quốc Khối Ngân hàng Bán lẻ và Quản lý tài sản HSBC, đối với nhiều người, nghỉ hưu may mắn không còn là một khoảng thời gian ngắn nối với cuối đời nữa. Đây có thể là một khoảng thời gian dài giúp mọi người an hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, nhu cầu của người ở độ tuổi 65 rất khác với nhu cầu của người đang ở độ tuổi 75 hay 85, với những nhu cầu tài chính cũng rất khác; cũng khá khó khăn để vừa đáp ứng nhu cầu của hiện tại trong khi vẫn đảm bảo cho tương lai. Do đó, nhận thức được những chi phí cho tuổi già và xây dựng kế hoạch cho thời gian đó càng sớm càng tốt, được coi là bước đi đầu tiên để hướng tới một cuộc sống tuổi già an nhàn.
Bình luận (0)