Một báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0. ILO dự đoán sẽ có 74% số lao động ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam có mức độ rủi ro cao, dễ bị thay thế do tự động hóa; 86% lao động ngành dệt may, da giày của Việt Nam sẽ mất việc trong vòng 15 năm tới.
"Phải chấp nhận cuộc chơi"
Ở Ngày hội việc làm phụ nữ - Tự hào thương hiệu Việt diễn ra trung tuần tháng 4 vừa qua tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1, TP HCM), chúng tôi gặp bà Hồ Thị Minh Tú (44 tuổi, ngụ quận 7) khi đang chăm chú lắng nghe nhà tuyển dụng mô tả công việc của một tư vấn viên bảo hiểm. Bà Tú cho biết đây là lần thứ 3 tham gia các sàn giao dịch việc làm kiểu này kể từ khi bị thất nghiệp cách đây 2 tháng.
Bà Tú có 17 năm làm việc trong ngành may mặc, từ đứng máy, cắt, đóng gói... cho vài công ty khác nhau trong KCX Tân Thuận. Công việc gần đây nhất mà bà gắn bó được 5 năm là đóng gói thành phẩm giày. Mới đây, khi công ty nhập về robot đóng gói tự động, bà Tú và nhiều đồng nghiệp khác lâm vào cảnh thất nghiệp. "Lúc còn làm CN, tổng thu nhập của tôi hơn 6 triệu đồng/tháng. Tuy không nhiều nhưng cũng đủ để hai mẹ con trang trải chi phí sinh hoạt. Từ khi công ty chính thức đưa dây chuyền đóng gói tự động vào hoạt động, tôi và hơn 20 CN bị mất việc. Công ty đã vận động chúng tôi nghỉ việc và bồi thường cho mỗi người 2 tháng lương. Ai muốn ở lại làm việc thì được bố trí qua khâu kiểm hàng. Bộ phận này gần như đứng suốt thời gian làm việc trong khi tôi lại có tuổi, sức khỏe kém nên đành phải nghỉ để kiếm công việc mới phù hợp hơn. Hơn hai tháng qua, tôi chạy khắp nơi nhưng chưa tìm được việc ưng ý" - bà Tú chia sẻ.
Một lao động lớn tuổi tìm cơ hội việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM
Tương tự là trường hợp ông Tô Văn Lưu (46 tuổi; ngụ quận 12, TP HCM). Gặp chúng tôi tại một sàn giao dịch việc làm, ông Lưu cho biết cuộc sống gia đình 5 nhân khẩu của mình vô cùng khó khăn sau khi ông buộc phải nghỉ việc từ cuối năm 2017. Ông Lưu kể năm 2006, ông vào làm thợ hàn cho một công ty cơ khí ở KCN Tân Bình. Công việc ổn định với thu nhập tốt cứ diễn ra đều đều cho đến cuối năm 2016, công ty nhận được một đơn hàng rất lớn từ Nhật Bản, đối tác yêu cầu phải ứng dụng công nghệ hàn mới được nhập từ nước ngoài để bảo đảm năng suất và chất lượng sản phẩm. Thiết bị này được điều khiển bằng robot và chỉ cần một kỹ thuật viên đảm trách nên ông Lưu bị mất việc. "Tôi rất sốc khi bị robot cướp đi công việc của mình. Thế nhưng khi nghĩ lại, tôi thấy đó là chuyện không thể tránh khỏi và phải chấp nhận cuộc chơi" - ông Lưu bộc bạch.
Vẫn còn nhiều cơ hội
Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng qua theo dõi, số lượng người lao động (NLĐ) lớn tuổi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP HCM tìm việc thời gian gần đây tăng, phần lớn là lao động phổ thông. Đó là nhận định của ông Nguyễn Thái Anh Đức, Trưởng Phòng DVVL Trung tâm DVVL TP HCM.
Ông Đức cho rằng thách thức luôn đi cùng cơ hội. Nếu những công việc hiện tại không còn phù hợp hoặc có nguy cơ mất việc thì NLĐ cần nhanh chóng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, rèn luyện và bổ sung những kỹ năng còn hạn chế, điều chỉnh định hướng nghề nghiệp cho phù hợp với xu thế. Đồng thời, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để bắt lấy cơ hội công việc khác mà không phải sốc vì mất việc. Với NLĐ lớn tuổi, cú sốc tâm lý mất việc là rất lớn, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đi tìm việc. Tuy nhiên, có nhiều công việc phù hợp cho lao động lớn tuổi như giúp việc nhà, nấu ăn, làm đẹp... (nữ) hoặc bảo vệ các cơ quan, trường học, cửa hàng... (nam).
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, điểm yếu của lao động Việt Nam hiện nay - kể cả lao động đã qua đào tạo nghề - là kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm giảm nhu cầu lao động ở các nhóm ngành sử dụng nhiều lao động và tạo ra nhiều việc làm ở các ngành nghề đòi hỏi trình độ tư duy, sáng tạo cao. Thực tế, dù bị tác động nhưng nhu cầu thị trường lao động thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 là rất lớn. Theo dự báo của ILO, khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025.
"Giai đoạn 2015-2025, nhu cầu tuyển dụng đối với lao động phổ thông sẽ tăng khoảng 23%. Do vậy, NLĐ không nên quá lo lắng về tương lai của mình. Điều quan trọng là NLĐ phải biết rèn giũa thêm kỹ năng nghề và nắm bắt cơ hội để có được công việc tốt hơn" - ông Trần Anh Tuấn bày tỏ.
Bình luận (0)