xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

62.000 tỉ đồng sẽ sớm đến tay người nhận

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nhiều địa phương trong cả nước đã chủ động rà soát, thống kê đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng để sớm triển khai ngay khi có hướng dẫn

Theo ước tính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), có khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ. Có 7 nhóm được thụ hưởng gồm: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH), hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động (NLĐ) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương; NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm; người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính, được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho NLĐ; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020. Hiện Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện để trình Thủ tướng.

Bảo đảm không bỏ sót

TP Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên gửi biểu mẫu rà soát đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh đến các quận, huyện trên địa bàn để triển khai. Bước đầu, TP Hà Nội đã thống kê được những đối tượng trong diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng BTXH, trong đó, hơn 50.000 hộ nghèo, cận nghèo; hơn 88.000 người có công và hơn 182.000 đối tượng BTXH đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH TP Hà Nội cho biết đối tượng người có công, BTXH do ngành LĐ-TB-XH kê khai, chi trả; đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động tự do sẽ do UBND cấp xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm kê khai và chi trả; đối tượng tạm dừng đóng BHXH do cơ quan BHXH đảm nhận… Do các nhóm đối tượng người có công, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng BTXH và lao động có hợp đồng có danh sách cụ thể, nên khi có hướng dẫn sẽ chi trả sớm. Dự kiến đối tượng thụ hưởng từ chính sách BHXH sẽ nhận hỗ trợ trong tháng 4; người có công, đối tượng BTXH, hộ nghèo, cận nghèo sẽ nhận hỗ trợ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5-2020.

62.000 tỉ đồng sẽ sớm đến tay người nhận - Ảnh 1.

Lao động nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại TP HCM nhận quà hỗ trợ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Riêng nhóm lao động tự do khó xác định, nên có thể sẽ nhận được sự trợ giúp muộn hơn. "Hiện có 6 nhóm được định danh gồm: người bán hàng rong; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa; tài xế xe ôm, xe xích lô; người bán vé số lưu động và NLĐ tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú. Việc rà soát nhóm đối tượng này cần sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương và quan trọng nhất là có ứng dụng công nghệ để phân tách, sàng lọc những đối tượng này trên hệ thống dữ liệu quản lý dân cư. "Sở LĐ-TB-XH TP Hà Nội đã thiết kế những biểu mẫu và đưa ra những tiêu chí, điều kiện theo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để các quận, huyện rà soát bảo đảm chính xác, đúng đối tượng lao động tự do được thụ hưởng" - ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Hà Nội, cho hay.

Theo Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, toàn TP có hơn 58.000 NLĐ mất việc, ngừng việc. Nhóm này cùng với các đối tượng chính sách, BTXH đang mong sớm được tiếp cận gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ. Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, cho biết sở này đang khảo sát 4 nhóm: NLĐ có HĐLĐ nhưng nghỉ không lương; NLĐ có HĐLĐ nhưng bị mất việc, không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp; lao động tự do; hộ kinh doanh cá thể có mức khai thuế dưới 100 triệu đồng. "Theo kế hoạch, các phường sẽ hoàn thành khảo sát trong ngày 20-4, nếu không có gì thay đổi, đầu tháng 5-2020 có thể triển khai hỗ trợ cho người dân. Sở cũng đã đề xuất HĐND TP, bên cạnh các nhóm đối tượng theo quy định của trung ương sẽ hỗ trợ thêm một số nhóm đối tượng thuộc diện địa phương quyết định như thân nhân người có công có hoàn cảnh khó khăn" - ông An cho biết. Danh sách những người được hỗ trợ sẽ được niêm yết công khai tại địa phương để nhân dân cùng nắm rõ, bảo đảm không bỏ sót ai và cũng không ai trục lợi từ chính sách. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP Đà Nẵng là hơn 278,8 tỉ đồng.

Không để xảy ra thất thoát, trục lợi

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM Lê Minh Tấn, hiện TP có khoảng 600.000 công nhân và giáo viên bị ngừng việc, mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, trong thời gian 3 tháng. Đây là những người làm việc tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trường mầm non ngoài công lập, nhóm lớp mẫu giáo tư thục. "TP phấn đấu đẩy nhanh các đầu việc liên quan để NLĐ được nhận hỗ trợ trước ngày 30-4" - ông Tấn nói.

Ngoài ra, TP cũng đang triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ để hỗ trợ lao động tự do (lao động không có HĐLĐ) bị ngừng việc, mất việc bởi dịch Covid-19 như: người bán hàng rong; thu gom rác; tài xế xe ôm, xe xích lô; bảo vệ; bốc vác; những người làm việc ở các hộ kinh doanh... Để được hỗ trợ, họ phải cư trú hợp pháp tại địa phương. Hiện UBND và công an các phường, xã, thị trấn đang lên phương án rà soát những người thuộc đối tượng này. Mỗi người sẽ được nhận 1 triệu đồng/tháng; thời gian nhận không quá 3 tháng. Theo Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP, đối với nhóm đối tượng lao động tự do, TP phấn đấu để họ nhận được hỗ trợ trong tháng 5-2020. "Chúng tôi mong muốn NLĐ được sớm nhận tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, việc hỗ trợ phải đúng đối tượng, chính xác, đến tận tay người khó khăn; công khai, minh bạch, không để trục lợi, lợi dụng chính sách" - ông Tấn nói và cho biết thủ tục hỗ trợ sẽ được tiến hành nhanh, gọn nhưng phải chặt chẽ và thông qua sự giám sát của chính quyền cơ sở, MTTQ và các đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện chính sách.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết ủy ban đã và đang theo dõi sát việc triển khai gói an sinh, đồng thời đề nghị các địa phương theo dõi, nắm tình hình, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện để đưa chính sách đi vào cuộc sống, phải đến đúng, đủ, kịp thời, công bằng, đồng thời tạo ra sự đoàn kết, thống nhất, không để gây ra mất trật tự, an toàn xã hội và không gây mâu thuẫn trong xã hội. Sau khi lập danh sách, cần công khai niêm yết danh sách các đối tượng được hỗ trợ để người dân giám sát, phản hồi. Nếu có sai sót cần loại bỏ ngay. "Cần tăng cường sự giám sát của Ủy ban MTTQ, thanh tra và HĐND tỉnh, huyện, xã cùng người dân tại địa phương trong việc triển khai" - ông Lợi nói.

Ông Hầu A Lềnh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho biết MTTQ xác định việc giám sát tổ chức thực hiện chính sách an sinh lần này hết sức quan trọng. Bởi vì chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, chỉ trong phạm vi thời gian rất ngắn từ tháng 3 đến tháng 6. Như vậy, thời gian để tổ chức xây dựng chính sách, triển khai chính sách và khi chính sách đến được với các đối tượng xác định trong nghị quyết của Chính phủ rất khẩn trương. Chính vì vậy, các hình thức tổ chức giám sát phải được tổ chức một cách đa dạng, trong đó có trực tiếp giám sát của người dân.

"Chúng tôi sẽ có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể và phát huy vai trò của tất cả tổ chức thành viên cũng như các tổ chức của người dân để giúp việc giám sát. Trong đó, việc phối hợp với các cơ quan chính quyền trong tổ chức triển khai chính sách là quan trọng, bởi thông qua đó sẽ có được thông tin một cách đầy đủ và chính xác. Các trình tự, thủ tục, đối tượng, hồ sơ xét duyệt… như thế nào để bảo đảm chính xác, khách quan nhất, đúng đối tượng là những công việc cần thiết, đồng thời là cơ sở bước đầu quan trọng trong việc giám sát thực hiện chính sách sau này" - ông Hầu A Lềnh cho hay.

Công khai, minh bạch

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, điều quan tâm nhất hiện nay là phải minh bạch, công khai, kiểm tra, giám sát ngay từ khâu tiến hành rà soát, lập danh sách, xét duyệt và cuối cùng là chi trả. Thứ hai là phải kiểm tra, giám sát ở các cấp, trong đó rất chú trọng đến xử lý vi phạm phải nghiêm minh ở mức cao nhất. Điều cuối cùng là phải huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là vai trò giám sát của MTTQ các cấp, các đoàn thể và vai trò giám sát của người dân. "Những người được thụ hưởng đều phải được công khai ở từng tổ dân phố, từng cơ quan, xí nghiệp cho đến các cơ quan thông tin đại chúng" - ông Đào Ngọc Dung nói và tin rằng nếu chúng ta làm đầy đủ các quy trình đó thì chắc chắn sẽ hạn chế tối đa việc trục lợi và vi phạm trong việc thực hiện chính sách.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo