ADB cho biết nhận định được đưa ra dựa trên số liệu do Tổng cục Thống kê Việt Nam cung cấp. Cụ thể, 4,4% người lao động (NLĐ) được tuyển dụng chính thức đã bị mất việc làm theo ghi nhận hồi quý III-2021, tương ứng 1,8 triệu người mất việc, tăng hơn 700.000 người so với quý II-2021 và 620.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, khoảng 90% ra khỏi lực lượng lao động và 9% trở thành người thất nghiệp sau khi đăng ký hưởng chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Về nguyên nhân, ADB cho biết do cơ quan này chỉ tiếp cận được các số liệu thống kê nên không làm rõ được vấn đề của từng cá nhân trong ghi nhận "khoảng 90% NLĐ Việt Nam bị mất việc làm ngừng tìm việc mới". Dù vậy, nhìn chung, lý do chủ yếu theo ADB là tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng với các biện pháp thắt chặt kiểm soát dịch như phong toả, cách ly, giãn cách kéo dài tại nhiều địa phương vốn có vai trò kinh tế quan trọng. Điều này đã ảnh hưởng đến sức khoẻ, gây nhiều khó khăn cho đời sống của NLĐ.
Hỗ trợ người lao động khó khăn trong đại dịch
Vì đại dịch, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải dừng hoạt động khiến công nhân nghỉ việc, giảm thời gian làm việc, một số lao động đã tự bỏ việc. Điều này dẫn đến thu nhập của NLĐ bị sụt giảm hoặc mất toàn bộ, đặc biệt là các đối tượng lao động phi chính thức, lao động di cư đến từ các địa phương khác. Đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các cú sốc kinh tế, mà lần này là do đại dịch với tác động nghiêm trọng chưa từng thấy ở trong nước cũng như trên thế giới.
Theo ADB, việc dịch chuyển lao động, biến động việc làm vẫn thường xảy ra trong các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trước đây. NLĐ di cư từ các địa phương thường về quê tìm kiếm sự hỗ trợ của gia đình và địa phương. "Nhưng mức độ biến động lao động lần này là rất lớn" - ADB nhận định.
Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) với 8.835 lao động cũng đưa ra một bức tranh khó khăn tương tự với NLĐ. Sau 1 tháng nới lỏng giãn cách, từng bước mở cửa nền kinh tế, tỷ lệ NLĐ mất việc vẫn còn cao, chiếm 53%. Trong số những người này, gần 60% không có nguồn tiết kiệm để sống, 41% không tìm được việc mới phù hợp.
Cũng theo khảo sát, 55% NLĐ cho biết chưa xác định được thời điểm sẽ quay trở lại tìm việc, điều này cho thấy sự thiếu chủ động của NLĐ. "Có thể họ vẫn mong muốn trở lại nơi làm việc cũ, việc này phụ thuộc vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp họ làm trước đó" - báo cáo cho biết.
Bình luận (0)