Thực trạng đáng lo ngại hiện nay là có 11% công nhân (CN) thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng, 36% CN thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh... Đó là thông tin được nêu tại hội thảo "Tương lai nào cho người lao động (NLĐ) nhìn từ góc độ tài chính và an sinh xã hội (ASXH)" do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 10-6.
Người lao động đối diện khó khăn
Chia sẻ tại hội thảo, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện CN Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho biết thời gian qua, có sự dịch chuyển lao động một cách tích cực, lao động trong khu vực dịch vụ tăng 39%, công nghiệp và xây dựng tăng 34%. Mặt khác, tình trạng thiếu việc làm cũng đã giảm so với thời gian trước; thu nhập NLĐ cũng tăng so với quý trước dù chưa đáng kể (khoảng 6,4 triệu đồng/tháng).
Cũng theo ông Tiến, hiện tỉ lệ doanh nghiệp (DN) tham gia BHXH là 95%-97%. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là đối tượng cần bảo đảm ASXH nhất, cần tham gia BHXH nhất như người thu nhập thấp, người nghèo... lại không tham gia. Mặt khác, CN phải làm việc với cường độ cao, kéo dài nhưng tiền lương không cao, do vậy nếu họ không làm thêm giờ thì không đủ sống, tương lai bấp bênh. "Dù các cơ quan nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ NLĐ nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cấp bách của NLĐ chưa được giải quyết như: tiền lương thấp, nhà ở khó khăn, ASXH chưa được bảo đảm..." - ông Tiến nói.
Người lao động phải bảo đảm việc làm, thu nhập mới có thể giữ quyền lợi BHXH lâu dài
Theo ông Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - dịch Covid-19 hai năm qua đã gây rất nhiều khó khăn cho NLĐ. Trong đó, nhiều người mất việc và sau khi dịch bệnh kết thúc vẫn chưa kiếm được việc làm, gây khó khăn về kinh tế. Đó là một trong những nguyên nhân khiến NLĐ phải rút BHXH một lần.
Theo ông Long, việc NLĐ rút BHXH một lần chỉ là hiện tượng sau khi trải qua cú sốc dịch bệnh và mất việc. Vấn đề NLĐ tham gia BHXH còn hạn chế là do bất cập giữa "cung và cầu", vì ở nước ta đa số là DN vừa và nhỏ chưa quan tâm nhiều đến tương lai NLĐ. Bên cạnh đó, mức lương đóng BHXH cũng đang là vấn đề cần quan tâm, do đó phải cần giám sát chặt chẽ, bởi hiện mức đóng BHXH là do thỏa thuận giữa DN và NLĐ. "Đa số DN đóng BHXH cho NLĐ không đúng với mức lương. Do đó, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phân tích để NLĐ hiểu rõ về mức đóng và thụ hưởng bảo hiểm sau này, không nên vì lợi ích trước mắt mà đánh mất lợi ích trong tương lai" - ông Long phân tích.
Tăng lợi ích dài hạn, giảm ngắn hạn
Ở góc độ người sử dụng lao động, ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Dony (quận Tân Bình, TP HCM), cho rằng nỗi lo của NLĐ lớn nhất hiện nay là công việc không ổn định.
Ông Anh phân tích thời điểm trước dịch Covid-19, thu nhập rất thấp NLĐ vẫn không rút BHXH một lần nhiều nhưng khi dịch bệnh ập đến NLĐ phải nghỉ làm ở DN, đứt sự liên tục đóng BHXH. Nghỉ việc, số đông NLĐ muốn làm tự do và không ai tham gia đóng BHXH tự nguyện. "Do đó, cơ quan BHXH phải tuyên truyền để NLĐ biết đóng BHXH tiếp tục rất dễ dàng, NLĐ phải thấy được lợi ích về lâu dài. Bên cạnh đó, chính sách BHXH nên xây dựng theo hướng tăng lợi ích dài hạn, giảm ngắn hạn" - ông Anh đề xuất.
Cùng quan điểm, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng cho lao động lớn tuổi (từ 40-45) nghỉ việc. Luật BHXH đang được xây dựng theo hướng giảm số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm, 10 năm. Lo lắng trước việc này, nhiều CN muốn rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt cũng như được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Sau khi nghỉ việc, NLĐ sẽ làm thời vụ và sau đó quay trở lại DN.
Để BHXH là chính sách an sinh đúng nghĩa, các cơ quan chức năng phải tuyên truyền cho CN lớn tuổi hiểu sự cần thiết của lương hưu. "Các hội, đoàn thể nghiên cứu tạo việc làm, có thu nhập bằng các nghề như: nuôi cá, nuôi tôm, trồng lan, chăm sóc thú cưng... cho họ. Ai cũng hiểu lương hưu có lợi nhưng trong thời gian nghỉ họ làm gì, lấy gì đóng tiếp BHXH? Nếu làm được việc này, việc rút BHXH một lần sẽ giảm" - ông Hồng đề xuất.
Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), để NLĐ không rút BHXH một lần thì phải giải quyết việc làm ổn định cho họ; tập trung tuyên truyền cho những người sau một năm nghỉ việc không nên rút BHXH một lần. Bên cạnh đó phải giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt cho NLĐ.
Rút BHXH một lần gây bất lợi kép
Theo ông Giang Thanh Long, việc rút BHXH một lần là quyền của NLĐ nhưng tuyên truyền để họ hiểu là khi rút một lần gây ra bất lợi kép về hiện tại và tương lai, khi rút ra không còn được hưởng các chế độ ngắn hạn và tương lai không còn được bảo đảm. "Chúng ta phải tuyên truyền để NLĐ hiểu ngay từ khi còn trẻ phải được tham gia BHXH để tích lũy cho chính mình và sau này, tránh phụ thuộc vào nguồn thu nhập của người khác" - ông Long nói.
Bình luận (0)