Chuyện là vầy, có một chị nhân viên xin nghỉ việc. Bà giám đốc vốn không ưa chị ta, muốn tống khứ cho rồi nhưng lại muốn làm khó nên bày ra cái gọi là “bồi thường chi phí đào tạo” rồi mới ra quyết định nghỉ việc. Chị nhân viên nói chị đâu có đòi đi học; với lại, cho chị học cái ngành nghề chẳng trúng chuyên môn của chị là ép buộc chứ không phải tự nguyện. Hơn nữa, chị chẳng có ký hợp đồng đào tạo, chẳng có giao kèo ràng buộc gì, thế thì căn cứ vào đâu mà bắt chị bồi thường với giá trên trời?
Rồi chị đi khiếu nại lên cấp trên. Chị trưng ra giấy chứng nhận, băng ghi âm bà giám đốc đòi tiền, kỳ kèo trả giá bớt một, thêm hai. Cấp trên can thiệp, báo chí đưa tin. Tưởng đâu bà giám đốc biết sai thì sửa, không ngờ bà lại “nhảy dựng” lên, hết dùng mối quan hệ để tranh thủ phần phải về mình, lại mang các quy định trời ơi đất hỡi để biện hộ cho việc làm sai trái...
Câu chuyện vẫn chưa tới hồi kết thì mới đây lại tiếp tục có đơn của một số nhân viên tố bà giám đốc vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi người lao động. Bà lại đau đầu nghĩ cách đối phó nên mặt lúc nào cũng nhăn nhăn, nhó nhó. Đáng nói là vì phải lo đối phó chuyện kiện tụng của nhân viên nên bà chẳng còn tâm trí, sức lực để điều hành công việc của đơn vị. Từ Tết tới giờ, chúng tôi làm việc tà tà, khách hàng thưa thớt, doanh thu sa sút, tinh thần anh em cũng sụt giảm trầm trọng, nhiều người muốn xin nghỉ việc nhưng lại ngại không biết có bị giám đốc bắt bồi thường hay không?
Thật lòng mà nói chúng tôi mong cho mọi chuyện êm xuôi để đơn vị trở lại hoạt động bình thường như trước. Giám đốc là người chứ có phải thánh đâu mà không sai? Điều quan trọng là nhìn nhận và sửa sai như thế nào để đơn vị đi lên chứ cứ che đậy, lấp liếm và ăn thua đủ với nhân viên như cái cách mà bà giám đốc của tôi đang làm thì còn lâu mới “phát triển lành mạnh” như lời chúc đầu năm của lãnh đạo.
Bình luận (0)