Theo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong năm 2018, trên toàn quốc đã xảy ra 7.997 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.229 người bị nạn. Trong đó có 1.039 người chết, gồm khu vực có quan hệ lao động là 622 người, khu vực người lao động (NLĐ) làm việc không theo hợp đồng lao động là 417 người.
Ý thức chấp hành còn kém
Từ kết quả phân tích của 114 biên bản điều tra TNLĐ chết người cho thấy nguyên nhân do người sử dụng lao động (NSDLĐ) chiếm 46,49%, NLĐ vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) chiếm 18,42%; còn lại 35,06% là do các nguyên nhân khác. Các lỗi mà NSDLĐ phạm phải chủ yếu là: không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm 34,56% tổng số vụ), tổ chức lao động và điều kiện lao động thiếu an toàn (9,64%), không huấn luyện hoặc huấn luyện AT-VSLĐ chưa đầy đủ cho NLĐ (7,02%), thiết bị không bảo đảm an toàn lao động (0,88%).
Các đại biểu tham quan quy trình sản xuất tại Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất
Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Thực trạng và giải pháp về công tác AT-VSLĐ trong doanh nghiệp (DN)" do LĐLĐ TP HCM tổ chức mới đây, ông Lưu Hoàng Lai, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty CP Dược phẩm 3-2, cho rằng tình hình TNLĐ diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trách nhiệm không chỉ thuộc về NSDLĐ mà còn của NLĐ khi ý thức chấp hành quy định về AT-VSLĐ chưa cao. "Ở công ty chúng tôi, ban giám đốc rất quan tâm đến công tác AT-VSLĐ, thể hiện qua việc trang bị đầy đủ các công cụ bảo hộ lao động, tổ chức khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp định kỳ thường niên cho NLĐ từ 1-2 lần/năm... Thế nhưng, khi được cấp phát thiết bị bảo hộ lao động, NLĐ đã không sử dụng. Nhiều trường hợp NLĐ không tham gia khám sức khỏe, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp" - ông Lai nói.
Đại diện Công ty CP Dệt may Gia Định cho biết một trong những khó khăn khi thực hiện công tác AT-VSLĐ là các thành viên phụ trách công tác AT-VSLĐ đều là nhân viên của DN, do vậy khi phát hiện nguy cơ rủi ro về an toàn lao động, họ chưa mạnh dạn phản ánh để người có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về AT-VSLĐ.
Chủ động ngăn ngừa
Trong bối cảnh nhiều DN gặp khó khăn khi thực hiện công tác AT-VSLĐ tại cơ sở thì tại TP HCM, rất nhiều đơn vị đã làm tốt, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe lâu dài cho NLĐ.
Điển hình là Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất (trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn). Ông Trần Thanh Lãm, Phó tổng giám đốc công ty, cho biết xác định việc bảo đảm an toàn trong sản xuất là vấn đề sống còn nên nhiều năm qua, công ty đặc biệt coi trọng công tác AT-VSLĐ. Đối với 73 thiết bị đang sử dụng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, có nguy cơ gây TNLĐ cao, công ty thường xuyên tiến hành kiểm định, bảo dưỡng định kỳ. Thiết bị, máy móc đòi hỏi cao về an toàn lao động được giao cho đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật có đủ điều kiện vận hành, quản lý. NLĐ cũng thường xuyên được tập huấn kỹ năng vận hành máy. Các khu vực để hóa chất được cách ly và bố trí người quản lý, theo dõi và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa rủi ro tràn đổ hóa chất. "Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, công ty thực hiện quy định bếp ăn một chiều. Theo đó, nguồn thực phẩm đầu vào được kiểm soát về nguồn gốc, bảo đảm đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm; đội ngũ phục vụ nhà ăn được huấn luyện về chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời hằng ngày, cán bộ y tế phối hợp với bảo vệ, bếp trưởng và phòng tổ chức - hành chính giám sát chặt chẽ chất lượng bữa ăn" - ông Lãm cho biết thêm.
Tại Nhà máy Cấp nước Thủ Đức (Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn), việc ngăn ngừa sự cố, hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe, tính mạng NLĐ luôn được đặt lên hàng đầu. Tại hội nghị NLĐ hằng năm, nhà máy chủ động chọn lựa những công nhân làm việc trực tiếp, am hiểu chuyên môn và kỹ thuật AT-VSLĐ vào ban AT-VSLĐ. Với đội ngũ 11 an toàn - vệ sinh viên bố trí ở các tổ sản xuất trực tiếp và 1 người làm công tác AT-VSLĐ bán chuyên trách, mỗi ngày trước giờ làm việc 30 phút, NLĐ được nhắc nhở kiểm tra tình trạng an toàn máy móc, thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân... trước khi vận hành. Trong quá trình làm việc, cán bộ AT-VSLĐ sẽ theo dõi, nhắc nhở NLĐ thực hiện đúng các quy trình vận hành máy, nếu phát hiện có nguy cơ mất an toàn, vi phạm quy định về AT-VSLĐ thì kiến nghị ngay với tổ trưởng hoặc quản lý cho dừng máy và tổ chức kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn lao động. "Kết thúc ca làm việc, các vệ sinh viên sẽ nhắc nhở NLĐ làm vệ sinh, thu dọn, sắp xếp nơi làm việc, ghi chép vào sổ tình hình vận hành máy để bàn giao lại cho ca sau, kèm theo đó là các đề xuất bảo trì, sửa chữa máy móc, thiết bị nếu phát hiện hư hỏng hay nguy cơ mất an toàn lao động. Định kỳ hằng tuần, tháng, quý, 6 tháng, 1 năm, công ty tổ chức họp để rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp phòng ngừa TNLĐ; phê bình những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm" - ông Nguyễn Ngọc Lực, cán bộ phụ trách AT-VSLĐ nhà máy, chia sẻ. Với nhiều giải pháp đồng bộ, nhiều năm qua, công tác AT-VSLĐ của nhà máy luôn được bảo đảm, không xảy ra sự cố TNLĐ đáng tiếc nào.
Mạnh dạn đề nghị xử lý rủi ro
Ông Lê Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, chia sẻ: Sở dĩ cán bộ làm công tác AT-VSLĐ chưa mạnh dạn phản ánh các nguy cơ về an toàn lao động và chưa quyết liệt trong việc yêu cầu DN thực hiện đúng quy định pháp luật về AT-VSLĐ là do ngại đối đầu trực diện với DN. Để giải quyết khó khăn này, người làm công tác AT-VSLĐ cần tranh thủ triệt để các buổi đối thoại hay hội nghị NLĐ để đề đạt ý kiến với ban giám đốc. Cách làm này sẽ phát huy được sức mạnh tập thể, giúp các đề xuất, kiến nghị dễ dàng được DN đồng thuận.
Bình luận (0)