“Khi tuyển dụng, công ty hứa hẹn sẽ có xe đưa đón; được hưởng đầy đủ các chế độ theo luật định… Đến nay vì muốn cắt giảm lao động, công ty dùng chiêu cắt xe đưa đón và thẳng thừng tuyên bố không cần những người đi làm bằng xe đưa rước. Chúng tôi làm việc với công ty đã lâu, vậy mà công ty đối xử với chúng tôi tuyệt tình quá”. Đây là nội dung đơn phản ánh của một số công nhân (CN) đang làm việc tại Công ty F.W (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) gửi đến Báo Người Lao Động mới đây.
Nói vậy mà không phải vậy…
Theo CN phản ánh, cách đây ít lâu, chủ quản người Đài Loan thông báo do công ty gặp khó khăn nên sẽ cắt giảm một số lao động. Ban đầu, công ty nhắm vào đối tượng hay vi phạm kỷ luật hoặc hợp đồng sắp hết hạn song số lao động cắt giảm không đáng kể. Sau đó, công ty đột ngột thông báo đầu tháng 10-2015 sẽ giảm một số xe đưa rước CN, trước mắt là 3 xe đưa rước CN từ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đến công ty. Khi CN phản ứng thì chủ quản tuyên bố: “Ai tự túc phương tiện được thì làm, không thì viết đơn xin nghỉ”.
Chị Nguyễn Thị Thuần bức xúc: “Dù công ty không nói thẳng ra nhưng chúng tôi biết rõ khi cắt xe đưa đón là buộc CN phải lựa chọn hoặc thuê nhà trọ hoặc nghỉ việc vì nhà chúng tôi cách công ty khá xa, khó có thể đi lại tự túc. Hơn nữa, đa số CN đã lập gia đình, có con nhỏ, nếu ở trọ thì ai lo cho con cái đây? Do vậy, sẽ có nhiều người phải nghỉ việc dù không muốn. Đây là cách công ty cắt giảm lao động một cách hợp pháp mà chẳng phải mất khoản bồi thường nào”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Ngọc, quản lý công ty, phủ nhận việc mượn cớ cắt xe đưa rước để ép CN nghỉ việc nhưng thừa nhận mục hỗ trợ xe có trong hợp đồng đã ký với CN. Theo ông Ngọc, gần đây công ty gặp khó khăn phải cắt giảm những chi phí không cần thiết. Xét thấy việc đưa rước CN khá tốn kém nhưng không sinh ra lợi nhuận nên ban giám đốc quyết định cắt giảm một số tuyến. “Chúng tôi thừa nhận khi cắt xe không thỏa thuận với CN vì nghĩ rằng đây là hình thức hỗ trợ thêm nên có thể tùy ý cắt bỏ. Hơn nữa, khi công ty làm ăn thuận lợi đã hỗ trợ CN thì khi công ty khó khăn, người lao động phải chia sẻ, thế mới công bằng!” - ông Ngọc giải thích.
Thua kiện nhưng không thi hành án
Cũng lạnh lùng đẩy nhân viên ra đường, quỵt luôn quyền lợi của họ là Công ty CP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (quận 4, TP HCM). Tháng 10-2012, một số nhân viên bị công ty lấy cớ “hết việc làm” để cho nghỉ việc nhưng không trả lương và trợ cấp thôi việc. Ông Bùi Thạch Sơn, người gắn bó với công ty hơn 10 năm, cho biết công ty còn nợ ông tiền lương và trợ cấp thôi việc gần 122 triệu đồng. Ông đã kiện và thắng kiện song đến nay, công ty vẫn không thi hành án.
Tương tự, tòa án đã thụ lý và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các bên, buộc công ty thanh toán khoản nợ lương, trợ cấp mất việc cho chị Trần Thị Dạ Thảo hơn 80 triệu đồng, anh Trần Hoàng Thăng hơn 39 triệu đồng, anh Nguyễn Khắc Huy hơn 66,7 triệu đồng và chị Nguyễn Thị Mỹ Châu hơn 16 triệu đồng… Tuy nhiên đến nay, các nhân viên vẫn chưa nhận được đồng nào.
Đáng nói là khi tiếp nhận thi hành án, xét thấy công ty thay đổi địa chỉ đăng ký văn phòng từ quận 4 sang số 384/1C Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, cơ quan thi hành án quận 4 đã ủy thác cho cơ quan thi hành án quận 3 thi hành. Thế nhưng, khi cơ quan thi hành án đến địa chỉ này, phía quản lý tòa nhà cho biết từ trước tới nay chưa hề có công ty nào tên Việt Hải ở đây. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết công ty này đang thuê nguyên lầu 8 của tòa nhà PTS Sài Gòn (quận 7) và đang hoạt động khá bình thường với mảng kinh doanh khí gas.
Bình luận (0)