Sau hơn một tuần ngừng việc do bức xúc về cách quản lý hà khắc của công ty, đồng thời yêu cầu công ty điều chỉnh tiền tăng ca, đơn giá sản phẩm, đến nay gần 4.000 công nhân (CN) Công ty TNHH Vina Duke (100% vốn Hàn Quốc; có trụ sở chính đóng tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP HCM) vẫn chưa trở lại làm việc vì chưa đạt được thỏa thuận với chủ doanh nghiệp.
Hạ đơn giá, hạn chế đi vệ sinh
Cuộc tranh chấp giữa Công ty TNHH Vina Duke và CN khởi phát từ ngày 14-10-2014 tại xưởng 1 và 2 của công ty ở huyện Củ Chi với khoảng 3.000 CN tham gia và ngày 15-10 lan sang xưởng 3 đóng tại huyện Hóc Môn, TP HCM - nơi có gần 700 CN đang làm việc. Theo CN, nguyên nhân của đợt ngừng việc lần này xuất phát từ việc công ty đột ngột giảm đơn giá 200 đồng/sản phẩm từ tháng 9-2014 khiến thu nhập của CN bị giảm sút nhưng không được công ty giải thích thỏa đáng. Mặt khác, chất lượng bữa ăn quá kém và quy định khắt khe để kiểm soát việc đi vệ sinh của công ty cũng khiến CN rất bức xúc.
Chị N., CN xưởng 3, cho biết công ty chỉ mở cửa cho CN đi vệ sinh trong vòng 45 phút mỗi buổi. Tính ra, mỗi ngày CN chỉ được đi vệ sinh khoảng 5 phút. Trong khi đó, nhà vệ sinh xây ở xa, số lượng người đi tập trung trong một khoảng thời gian ngắn nên chưa kịp đi đã hết giờ. “Ai đi quá giờ sẽ bị nhắc nhở, sau khi bị nhắc nhở 3 lần sẽ bị lập biên bản và trừ tiền từ 100.000-200.000 đồng/biên bản. Chúng tôi làm việc hưởng lương sản phẩm nên việc đi vệ sinh cũng phải hạn chế tối đa để tập trung vào công việc, chẳng ai có thời gian để la cà, không hiểu sao công ty lại ra quy định hà khắc như vậy?” - chị N. bất bình.
Tại 2 xưởng ở huyện Củ Chi, việc đi vệ sinh của CN bị kiểm soát bằng thẻ. Theo anh T., xưởng của anh có 19 chuyền may, mỗi chuyền chỉ có 2 thẻ đi vệ sinh dùng chung cho hơn 40 người. Do số lượng CN đông (khoảng 1.500 CN/xưởng), số nhà vệ sinh hạn chế nên không đáp ứng hết nhu cầu của CN, nhiều người phải thường xuyên phải nín nhịn việc đi vệ sinh vì không có thẻ.
Tại cuộc ngừng việc lần này, tập thể CN còn kiến nghị nâng hoặc thay đổi cách tính tiền tăng ca bởi công ty trả lương sản phẩm nhưng trả tiền tăng ca cào bằng 17.000 đồng/giờ gây thiệt thòi cho CN.
Công ty ỡm ờ, công nhân kiên quyết đòi quyền lợi
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, cho biết trong buổi làm việc giữa LĐLĐ huyện Hóc Môn, các cơ quan chức năng huyện Củ Chi và đại diện công ty, phía công ty đã cam kết kể từ ngày 22-10, mỗi chuyền sẽ tăng thêm 1 thẻ đi vệ sinh. Công ty cũng sẽ xem xét và có quyết định hợp lý về việc quản lý giờ đi vệ sinh nhằm bảo đảm không ảnh hưởng đến sản xuất. Mặt khác, công ty sẽ phối hợp với Công đoàn, người lao động kiểm tra chất lượng bữa ăn, nếu nhà cung cấp không cải thiện sẽ thay.
Tuy nhiên, những kiến nghị khác của CN thì chưa có câu trả lời dứt khoát. Đơn cử như yêu cầu tăng đơn giá và tiền tăng ca, công ty cho rằng do tình hình tài chính khó khăn và công ty đang có lên kế hoạch điều chỉnh lương cho năm 2015 nên không thể đáp ứng yêu cầu của CN trong giai đoạn này. Chưa hết, công ty còn “đổ dầu vào lửa” khi thông báo: “Ngày 22-10, nếu CN trở lại làm việc bình thường thì tiền phụ cấp lương, tiền thưởng sẽ tính theo thực tế số ngày làm việc trong tháng. Nếu ngày 22-10, người lao động tiếp tục không làm việc, công ty sẽ sa thải”. Bất chấp “tối hậu thư” của công ty, ngày 22-10, CN ở cả 3 xưởng vẫn chưa trở lại làm việc.
Giải thích lý do, các CN tại xưởng 3 (huyện Hóc Môn) cho biết: Khi sự việc xảy ra, nhiều ngày liền công ty không hề thương lượng với CN. Đến trưa 20-10 thì lại dán thông báo sẽ không tính lương những ngày CN ngừng việc, đồng thời sẽ trừ hết các khoản phụ cấp, tiền thưởng trong tháng khiến CN càng bức xúc. “Mãi đến ngày 21-10 mới thấy đại diện công ty đứng ra nói chuyện với chúng tôi. Tuy nhiên, công ty chỉ hứa hẹn sẽ xem xét chứ không phải khắc phục, thay đổi triệt để nên sau cuộc ngừng việc này có khả năng mọi việc sẽ trở lại như cũ. Chúng tôi đã mất niềm tin vào cách mà công ty đối xử với CN” - anh N., một CN ở xưởng 3, cho biết.
Bảng lương “lạ”
Theo tài liệu chúng tôi có được, tại Công ty TNHH Vina Duke, mức lương thể hiện trên hợp đồng lao động (từ 3,1-3,5 triệu đồng/tháng) chỉ dùng làm cơ sở đóng BHXH, còn mức lương thực lĩnh trả theo lương sản phẩm thể hiện trong bảng lương rất thấp. Trong bảng lương của CN thể hiện các khoản: lương tháng (lương sản phẩm) chỉ khoảng 1,4-1,8 triệu đồng/tháng trong khi phụ cấp lương lại cao đến 2,58 triệu đồng/tháng, tùy bậc thợ. Ngoài ra còn các khoản thưởng ngày công (250.000 đồng/tháng), khuyến khích và phụ cấp đặc biệt (khoảng 180.000 đồng/tháng). Để tính đơn giá ngày công, công ty không dựa vào mức lương cơ bản thể hiện trong hợp đồng lao động mà dựa trên khoản phụ cấp lương.
Bình luận (0)