Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) và BHXH Việt Nam vừa tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đối tượng áp dụng là người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn, HĐLĐ mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam. Khi tham gia, NLĐ nước ngoài sẽ được hưởng 5 chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.
Rất rắc rối, phức tạp
Bà Huỳnh Thị Anh Mai, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công, Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho rằng NLĐ nước ngoài có thời gian làm việc tại Việt Nam ngắn, do đó đối với chế độ hưu trí họ thường không quan tâm. Thời gian qua, NLĐ nước ngoài không phải tham gia BHXH bắt buộc dẫn đến tình trạng doanh nghiệp trả lương cho lao động nước ngoài và lao động Việt Nam ở cùng chức danh công việc có sự chênh lệch khá cao. Nếu quy định NLĐ nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc thì vấn đề đặt ra là có sự điều chỉnh tiền lương, thu nhập của NLĐ nước ngoài hay không để tạo sự công bằng giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài trong việc thực hiện quy định.
Đại diện doanh nghiệp nêu khó khăn khi thực hiện BHXH bắt buộc đối với lao động nước ngoài
Đại diện Công ty Pou Yuen Việt Nam lại nêu thắc mắc: Hiện công ty có 792 người nước ngoài, cả tập đoàn Pou Yuen có 1.448 người. Khó khăn nhất là rào cản ngôn ngữ. Vị này kể vừa qua một lãnh đạo công ty đi khám bệnh phải dẫn theo một phiên dịch vì cơ sở khám chữa bệnh không có phiên dịch, hơn nữa nếu có phiên dịch thì cũng dịch rất hời hợt, dịch sai, bác sĩ hiểu sai dẫn đến chẩn đoán bệnh sai. Ngoài ra, thời gian khám chỉ mất 30 phút nhưng chờ đóng dấu đến 3 giờ. Chưa hết, nếu NLĐ nước ngoài đã tham gia BHXH thì khi thắc mắc về chế độ họ phải hỏi ở đâu, đơn vị nào hướng dẫn và có phiên dịch không? Thời hạn và phương thức giải quyết các khoản trợ cấp như thế nào khi NLĐ nước ngoài hết thời hạn làm việc tại Việt Nam? Các chứng từ liên quan đến thai sản ốm đau có cần phải hợp thức hóa lãnh sự?
Hàng loạt vấn đề chưa có lối ra
Ông Khuất Văn Trung, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, lo ngại trường hợp NLĐ nước ngoài đã tham gia BHXH ở nước ngoài, nay lại tham gia BHXH tại Việt Nam thì sẽ trùng lắp. Từ đó, ông Trung đề xuất nên cho NLĐ nước ngoài được quyền chọn tham gia hoặc không tham gia BHXH ở Việt Nam. Ngoài ra ông Trung cũng cho rằng NLĐ nước ngoài chỉ cần hưởng chế độ ốm đau, thai sản và tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là đủ.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty Unilever Việt Nam cho rằng nên để NLĐ nước ngoài tự chọn vì đa số là chuyên gia, nhà quản lý, độ tuổi trung niên trở lên và đã có chế độ an sinh ở nước sở tại cao hơn Việt Nam. Tiền lương do công ty ở nước ngoài trả nên rất khó khi tham gia BHXH tại Việt Nam.
Cơ quan BHXH TP HCM cũng nêu lên một số khó khăn như: đối tượng là người nước ngoài nên hồ sơ quản lý đối tượng, dữ liệu và nội dung trên sổ BHXH phải là song ngữ (Anh - Việt), kể cả thẻ BHYT (hiện nay sổ BHXH, thẻ BHYT chỉ có tiếng Việt). Nếu NLĐ nước ngoài tham gia cả chế độ hưu trí trên cơ sở cộng dồn thời gian đóng BHXH tại nước của họ với thời gian đóng BHXH tại Việt Nam thì việc ghi nhận quá trình đóng, mức đóng, tỉ lệ đóng, chuyển tiền đóng từ nước ngoài sang Việt Nam… sẽ là thách thức lớn đối với cơ quan BHXH. Ngoài ra, do hồ sơ của nước ngoài và Việt Nam có nhiều khác biệt nên việc yêu cầu cung cấp theo đúng quy định của Việt Nam sẽ gây khó cho người hưởng (nếu ốm là giấy ra viện hoặc C65-HD nhưng NLĐ nằm viện ở nước ngoài thì sẽ không có giấy tờ này; tờ khai hoàn cảnh gia đình của thân nhân NLĐ nước ngoài khi chết; một số thủ tục được cấp qua email không phải bằng văn bản…).
Bên cạnh đó, nếu NLĐ nước ngoài tham gia cả chế độ hưu trí thì việc tính toán chế độ hưu trí, cộng dồn thời gian tham gia BHXH tại nước họ với thời gian tham gia BHXH tại Việt Nam sẽ rất khó xử lý. Việc tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đối với người chọn hưởng qua tài khoản thẻ ATM sẽ gặp nhiều khó khăn vì không thể xác minh được khi nào không còn cư trú tại Việt Nam, khi nào chấm dứt hưởng do qua đời…
Năm 2004, số NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam là 12.602 người, năm 2015 là 83.585 người, trong đó số không thuộc diện cấp phép là 5.676 người, số thuộc diện cấp phép là 77.909 người.
Bình luận (0)