Theo đó, các quy định với lao động nữ sẽ được sửa đổi theo hướng đưa ra các nguyên tắc nhằm bảo đảm cho lao động nữ thực hiện công việc bình đẳng như lao động nam thay cho việc cấm lao động hoặc gây trở ngại cho họ khi thực hiện công việc. Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh để thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu, quyền nghỉ hưu sớm hay muộn hơn 5 năm với những ngành nghề đặc biệt.
Việc sử dụng lao động chưa thành niên cũng sẽ được quy định lại về danh mục công việc, điều kiện sử dụng lao động để bảo đảm phòng ngừa và xóa bỏ hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Đối với người lao động (NLĐ) nước ngoài làm việc ở Việt Nam, các điều kiện tuyển dụng sẽ được sửa đổi nhằm bảo đảm quyền làm việc của NLĐ nước ngoài ở Việt Nam nhưng cũng bảo vệ cơ hội việc làm của NLĐ bản địa.
Về quan hệ lao động, NLĐ có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp (DN). Do có thể có nhiều tổ chức của NLĐ tại DN, nên Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ bổ sung các quy định nhằm bảo đảm mọi nhóm NLĐ đều có quyền và có cơ hội lên tiếng trong quá trình đối thoại tại nơi làm việc. Lần sửa đổi này cũng sẽ bổ sung các quy định nhằm bảo đảm quyền thương lượng tập thể của NLĐ thông qua tổ chức của mình, bảo đảm thương lượng tập thể đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng quan hệ lao động. Các quy định về giải quyết tranh chấp lao động sẽ được mở rộng để bảo đảm tính khả thi trong thực tế.
Bình luận (0)