Chỉ 8% công nhân có tích lũy
Vừa qua, phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia không đi tới thống nhất được mức tăng lương tối thiểu do đại diện chủ sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) và Tổng LĐLĐ Việt Nam không thống nhất được mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Trong khi VCCI chỉ đồng ý với mức tăng 10% (tăng 250.000 đồng so với năm 2015), thì với vai trò là đại diện quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam giữ quan điểm phải tăng 16,8% (từ 350.000 đến 550.000 đồng tùy từng vùng so với năm 2015).
Lý do đại diện chủ sử dụng lao động đưa ra là: Khi Luật BHXH mới được áp dụng đầu năm 2016, việc đóng bảo hiểm sẽ căn cứ trên tổng thu nhập của NLĐ. Như vậy sẽ đội chi phí sử dụng lao động của DN lên rất cao. Nếu tăng lương tối thiểu lên 10%, cùng với việc đóng bảo hiểm theo Luật BHXH mới, DN phải chịu thêm 7%. Như vậy, mức tăng tổng cộng là 17%, sẽ quá tải cho DN. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát về tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của NLĐ năm 2015. Kết quả cho thấy, đến tháng 4-2015, sau khi triển khai thực hiện Nghị định 103 của Chính phủ về điều chỉnh tiền lương tối thiểu (TLTT) vùng, có gần 90% số DN có tổ chức công đoàn đã tiến hành điều chỉnh. Tiền lương cơ bản tăng, giúp họ yên tâm làm việc, tăng năng suất lao động, ổn định cuộc sống. Đồng thời mức đóng BHXH tăng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ. Mức lương tối thiểu năm 2015, bình quân các vùng tăng 14,3% (từ 250 đến 400 nghìn đồng) so với năm 2014, mới chỉ đáp ứng được 78 đến 83% nhu cầu tối thiểu của NLĐ. Có tới 39,7% số NLĐ được hỏi cho rằng mức điều chỉnh còn thấp, 20,6% số NLĐ không biết được tăng lương. So sánh giữa thu nhập và chi tiêu, 19,9% số NLĐ cho biết thu nhập hiện tại không đủ sống; 31,3% phải chi tiêu tằn tiện; 40,7% vừa đủ trang trải cho cuộc sống. Chỉ 8% có tích lũy.
Tại hội nghị công bố khảo sát ngày 13-8, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Mai Đức Chính không nhất trí lập luận trên của VCCI. Theo ông Chính, thực tế không DN nào trả lương bằng mức lương tối thiểu mà đều trả cao hơn ít nhất 15 đến 20%. Bên cạnh đó, các DN đang lợi dụng kẽ hở, xây dựng hai bảng lương. Một bảng lương dùng đóng BHXH, một bảng lương thực tế để báo cáo với cơ quan thuế. Ông Chính cũng phân tích thêm: “VCCI tính mức tăng thêm chi phí 7% là vì họ tính cho tất cả NLĐ của DN. Nhưng trên thực tế, với năm khoản phụ cấp: trách nhiệm, độc hại, chuyên cần, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đi lại, không phải NLĐ nào cũng được hưởng. Theo tính toán của Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức tăng này chỉ là 3,5%. Do đó, DN hoàn toàn có thể “chịu” được mức tăng theo như đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Trong khi DN khẳng định NLĐ là vốn quý, nhưng khi trả lương lại cò kè từ 50 nghìn đồng với NLĐ. Chúng ta cần phải nhận thức rõ mối quan hệ cần nhau giữa DN và NLĐ. Chúng tôi rất chia sẻ với những khó khăn của DN trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, nhưng đời sống NLĐ quá khổ sở, Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn bảo lưu mức tăng lương tối thiểu 16,8%, vì chỉ ở mức tăng đó NLĐ mới đủ sống cũng như bảo đảm lộ trình đến năm 2017, lương tối thiểu đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu”.
NLĐ sống vất vưởng
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Khu công nghiệp và chế xuất (KCN-KCX) Hà Nội cho biết: Hiện, KCN-KCX Hà Nội có gần 300 DN với hơn 110 nghìn lao động có mức lương dao động 3,4 đến 3,8 triệu/người, chỉ mới đáp ứng được 60 đến 65% mức sống tối thiểu, do ở khu vực I, giá cả đắt đỏ. Chia sẻ với NLĐ, các công đoàn cơ sở đã phải đàm phán thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng mức lương cơ bản. Đồng thời hỗ trợ NLĐ các khoản phụ cấp như chuyên cần, nhà ở, xăng xe với mức từ 500.000 đến hơn một triệu đồng/người/tháng. Đại đa số công nhân đang phải thuê nhà trọ chật hẹp từ 10 đến 12 m2, có giá 700 nghìn đồng/tháng. Vào những ngày hè, phòng trọ nóng như lò nung, NLĐ không dám dùng điện nhiều vì phải chịu mức giá điện kinh doanh cao, hơn bốn nghìn đồng/kWh. Phần lớn nhà trọ dùng nước giếng khoan nhưng NLĐ vẫn phải trả 60.000 đến 80.000 đồng/tháng. Do không có nhà trẻ trong khu công nghiệp, gửi trường công lập thì không thể đón đúng giờ do phải tăng ca, trong khi tiền gửi tư nhân từ 1,5 đến 2,4 triệu đồng/tháng, cho nên đa số NLĐ phải gửi con về cho ông bà.
Thu nhập quá thấp khiến số đông công nhân phải tăng ca mới có thể trụ lại TP HCM ẢNH: KHÁNH CHI
Chủ tịch CĐ Công ty TOTO Phạm Thị Bích Hải chia sẻ: Theo khảo sát của CĐ công ty, chi phí hằng tháng của một công nhân độc thân đã là 4,15 triệu đồng. Như vậy, lương tối thiểu phải tăng 25% mới đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu. Trước thực tế này, BCH công đoàn đã đề xuất với chủ sử dụng lao động có nhiều hình thức hỗ trợ cho NLĐ: điều chỉnh mức lương tối thiểu của công ty cao hơn mức tối thiểu vùng; điều chỉnh trượt giá theo CPI Nhà nước công bố. Tổng cộng tiền trợ cấp tương đương 15% so với mức lương cơ bản của DN. Ngoài ra, DN còn hỗ trợ, trợ cấp thâm niên, con nhỏ dưới sáu tuổi, chuyên cần. Nhờ đó NLĐ đã có thể có chút ít tích lũy, yên tâm gắn bó lâu dài với DN.
Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang tìm tiếng nói chung cho tiền lương tối thiểu, thì, nói như Chủ tịch Công đoàn KCN-KCX Hà Nội Nguyễn Đình Thắng: Những người làm chính sách nên đi thực tế để đánh giá đúng thực trạng. Công nhân hiện giờ sống rất khổ sở, họ không thể chờ đợi lâu hơn được nữa. Mình nói gì, làm gì, đưa ra quyết sách gì cho NLĐ cũng nên đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của NLĐ, xem mình có sống nổi với đồng lương eo hẹp đó không?”.
Bình luận (0)