Ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam:
62% công nhân phải làm thêm giờ
Qua khảo sát của Viện Công nhân – Công đoàn, mức tăng LTT 14,3% (từ 250.000 - 400.000 đồng) trong năm 2015 chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ). Mức tăng LTT thấp khiến CN sống hết sức chật vật, phải làm thêm mới đủ trang trải. Có 62% NLĐ được hỏi trả lời: có tiền làm thêm giờ, trung bình 33,4 giờ/tháng/người, với số tiền nhận được là 758 ngàn đồng/tháng. Trong đó, dưới 200 ngàn đồng, chiếm 7,3%; từ 200 đến 500 ngàn đồng, chiếm 11,3%; từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, chiếm 15,4%; và trên 1 triệu đồng, chiếm 7,4%. Thực tế này cho thấy nếu không tăng ca thì chắc chắn CN khó trang trải cuộc sống trước mắt, nhất là CN có gia đình. Căn cứ vào kết quả khảo sát nhu cầu đời sống CN, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đưa ra mức đề xuất tăng 16%, có như vậy mới ổn định đời sống của họ.
Ông Nguyễn Văn Lê, Giám đốc Công ty Lê Văn, quận 12, TP HCM:
Phải giúp công nhân ổn định cuộc sống
Qua khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, có 19,9% NLĐ được hỏi đã trả lời thu nhập “không đủ sống”; 31,3% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm; 40,7% vừa đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 8,0% cho biết có dư. ẢNH: KHÁNH AN
Nói thật với mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng thì CN độc thân rất khó sống, huống hồ CN đã có gia đình. Ở doanh nghiệp chúng tôi, thu nhập bình quân CN (không tăng ca) hơn 5 triệu đồng/tháng, trong đó riêng các khoản phụ cấp chiếm 1/3. Công ty luôn tuân thủ đúng quy định về tiền LTT nhưng do mức quy định hiện hành quá thấp nên mới có thêm các khoản phụ cấp nói trên để hỗ trợ CN . Theo tôi, trong quá trình đàm phán, các bên liên quan cần xem xét và thống nhất lại cách tính toán mức sống tối thiểu, lựa chọn cách thu thập và xử lý thông tin hợp lý nhất để có cái nhìn tổng thể, xác thực nhất về đời sống NLĐ, từ đó xây dựng mức phù hợp nhất để giúp CN ổn định cuộc sống.
Số đông công nhân cho rằng mức đề xuất 10% của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là quá thấp và có độ “chênh” quá lớn so với đề nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam (16%) ẢNH: KHÁNH AN
Chị Nguyễn Thị Nga, CN Công ty Tai Việt (KCX Tân Thuận, quận 7-TP HCM):
Thư giãn với CN là điều xa xỉ
Việc dành thời gian cho con và đưa bé đi chơi là điều rất xa xỉ bởi hoàn cảnh khó khăn. Làm việc tại TP HCM đã 10 năm nhưng đến giờ vợ chồng tôi vẫn gần như tay trắng. Với mức lương cơ bản chưa tới 5 triệu đồng (dù đã tăng ca) và thu nhập bấp bênh từ công việc bán bánh dạo của chồng, trầy trật lắm vợ chồng tôi mới trụ lại được. Chỉ tính tiền học cho con mỗi tháng đã hết 1,5 triệu đồng, cha mẹ già yếu nên vợ chồng tôi phải phụng dưỡng, báo hiếu ông bà nên tháng nào cũng vừa lãnh lương chưa được bao lâu đã cạn túi. Với mức thu nhập hiện nay thì chỉ có CN độc thân, không có gánh nặng về gia đình mới mong có được đồng dư còn như chúng tôi thì có tiết kiệm mấy cũng chẳng đủ”. Để tiết kiệm chi tiêu, 2 vợ chồng tôi đành thuê nhà trọ xa chỗ làm (ở huyện Nhà Bè), hôm nào có tăng ca thì xin được ở lại tăng ca để có thêm thu nhập, có hôm làm đến 20, 21 giờ. Tôi mong LTT tăng khá khá để bớt tăng ca mà dành thời gian chăm lo cho gia đình.
Anh Hoàng Văn Bình, Công nhân một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bình Dương:
Mức đề xuất của VCCI quá thấp
Theo tôi mức đề xuất 10% của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ở lần đàm phán vào ngày 5-8 là quá thấp và có độ “chênh” quá lớn so với đề nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam (16%). Theo tôi biết, sau đợt nâng LTT năm 2015, các DN không bị ảnh hưởng nhiều đến sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, hiện nhiều DN đã trả lương cho CN cao hơn mức LTT từ 10% đến 15%. Là DN, nếu muốn ổn định sản xuất, việc chăm lo cho lực lượng lao động phải được đặt lên hàng đầu. Thực tế, ở các DN có chính sách lương bổng và chế độ đãi ngộ tốt thì CN luôn an tâm làm việc, gắn bó lâu dài. Cá nhân tôi ủng hộ mức đề xuất 16% của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Chỉ 8% công nhân có tích lũy
Theo kết quả khảo sát về mức sống tối thiểu vùng của NLĐ trong các DN năm 2015, cho thấy mức chi tiêu trung bình của NLĐ (có nuôi con, tại các ngành nghề, lĩnh vực khảo sát) là 4.247 ngàn đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014. Trong đó, Vùng I: 4.910.000 đồng; Vùng II: 4.290.000 đồng; Vùng III: 3.950.000 đồng; Vùng IV: 3.510.000 đồng. NLĐ tại các vùng I và II, nơi có khu công nghiệp tập trung, họ phải thuê nhà mỗi tháng với giá rẻ nhất từ là 700.000 cho 3 người ở; tiền điện trung bình 50.000 đồng/người (15kW); tiền nước 100.000 /người (8m3); mừng đám cưới thấp nhất 200.000 đồng/lần (chỉ dám gửi mừng); thăm ốm 100.000 đồng/lần; gửi con nhà trẻ 1,5 triệu đồng/tháng. Giá cả các dịch vụ và đồ dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm tại đây đều tăng hơn khu vực lân cận từ 7 – 10%. So sánh giữa thu nhập và chi tiêu, NLĐ cho biết, cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn/ có 19,9% NLĐ được hỏi đã trả lời thu nhập “không đủ sống”; 31,3% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm; 40,7% vừa đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 8,0% cho biết có dư dật và có tích luỹ.
(Nguồn: Tổng LĐLĐ Việt Nam)
Bình luận (0)