Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) giúp người lao động (NLĐ) vượt qua giai đoạn khó khăn. Từ ngày 1-7 tới, khi lương cơ sở (LCS) được điều chỉnh, mức hưởng trợ cấp này cũng tăng theo.
Quyền lợi tăng
Nhiều tháng qua, cứ đều đặn hằng tháng, chị Nguyễn Thị Tin (ở quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), nhận được số tiền trợ cấp sau TNLĐ. Chị Tin là công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, trong một ca làm việc, bất ngờ bị một ôtô đâm trực diện, khiến chị bị chấn thương sọ não, được công ty tạo điều kiện nghỉ 2 tháng điều trị và phục hồi. Tuy nhiên, khi đi làm lại được 5 ngày, chị Tin ngất, phải đi cấp cứu, sau đó chị làm đơn xin nghỉ việc vì sức khỏe không bảo đảm.
Với tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tật là 31%, chị Tin được hưởng trợ cấp bảo hiểm TNLĐ-BNN theo từng tháng với mức bằng 30% LCS. Từ năm 2021 đến nay, đều đặn hằng tháng, chị đều được nhận được số tiền trợ cấp 447.000 đồng. "Số tiền tuy không lớn nhưng ổn định đã tạo động lực, giúp tôi yên tâm hơn vượt qua giai đoạn khó khăn. Từ tháng 7 năm nay, LCS được điều chỉnh tăng, khoản trợ cấp tôi được nhận cũng cao hơn, lên mức 540.000 đồng" - chị Tin nói.
Chị Nguyễn Thị Tin với công việc mưu sinh hằng ngày
Theo phương án tăng LCS, từ ngày 1-7 tới, LCS sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng. Đối với trợ cấp một lần, điều 46 Luật BHXH 2014 quy định NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần và mức trợ cấp tính theo LCS. Nếu suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức LCS, lên 9 triệu đồng so với hiện nay là 7,45 triệu đồng. Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức LCS (tức tăng lên 900.000 đồng thay vì 745.000 đồng như hiện nay).
Đối với trợ cấp hằng tháng, điều 47 Luật BHXH 2014 quy định NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Theo đó, suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức LCS, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Như vậy, từ ngày 1-7, cứ suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng trợ cấp 540.000 đồng (hiện nay là 447.000 đồng), sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 36.000 đồng (hiện nay là 29.800 đồng).
Chia sẻ gánh nặng
Bà Bùi Thị Kim Loan, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH - BHXH Việt Nam, cho biết bảo hiểm TNLĐ-BNN là một trong 5 chế độ BHXH bắt buộc được quy định trong Luật BHXH. Qua đó, NLĐ được chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập khi bị TNLĐ-BNN.
Theo thống kê, trong năm 2022, BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ-BNN hằng tháng và một lần cho hơn 8.100 NLĐ và gần 1.700 người trong 3 tháng đầu năm 2023. Ngoài việc chi trả chế độ cho NLĐ bị TNLĐ-BNN, quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN hằng năm còn dành nguồn thu để chi hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN. Năm 2022, tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là hơn 1,4 tỉ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2023, số chi này là 269 triệu đồng.
Theo các chuyên gia lao động, dù không mong muốn nhưng những rủi ro trong công việc là điều không thể lường trước. Nếu như người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm cho NLĐ, chẳng may trong quá trình lao động bị tai nạn, người sử dụng lao động phải chi trả toàn bộ các chế độ trợ cấp hằng tháng, một lần, trợ cấp phục vụ cho NLĐ. "Bảo hiểm TNLĐ-BNN là một trong những quyền lợi cơ bản của NLĐ. Khi không may bị TNLĐ hay BNN phải nghỉ làm, quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN sẽ góp phần chia sẻ gánh nặng và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là NLĐ" - bà Loan nói.
Đề xuất mô hình BHXH tai nạn lao động tự nguyện
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến người dân cho dự thảo Nghị định về BHXH TNLĐ tự nguyện đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng. NLĐ được tham gia loại hình bảo hiểm này khi đủ 15 tuổi trở lên và làm việc trong khu vực không chính thức. NLĐ tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện khi gặp tai nạn trong quá trình làm việc suy giảm sức khỏe từ 5% trở lên sẽ được hưởng các chế độ như: chi phí giám định sức khỏe; trợ cấp 1 lần, hằng tháng, phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình. Khi suy giảm sức khỏe 5% - 30% do TNLĐ, người tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần.
Theo dự thảo nghị định, mức đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện bằng 2% mức lương tối thiểu vùng 4 (hiện lương tối thiểu vùng 4 là 3,25 triệu đồng, tức NLĐ đóng 65.000 đồng/tháng). Nếu người tham gia thuộc hộ cận nghèo, được hỗ trợ 25% chuẩn nghèo nông thôn. Với người tham gia không thuộc 2 nhóm trên, nhà nước hỗ trợ 10% chuẩn nghèo. Phần hỗ trợ này do ngân sách địa phương chi trả.
Bình luận (0)