Năm 2019, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là hơn 13,3 triệu. Ngoài ra có hơn 880.000 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Trong quá trình thanh - kiểm tra, cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều lao động "khai man" để trục lợi BHTN.
Đủ chiêu lách luật
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết năm 2019 cả nước có hơn 13,3 triệu người tham gia BHTN và đến tháng 11-2019, ngành BHXH đã giải quyết cho hơn 800.000 người được hưởng chế độ BHTN. Chính sách BHTN là chính sách mới và là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Quan trọng hơn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động (NLĐ) học nghề và duy trì việc làm.
Nếu năm 2010 có 125.562 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm thì đến năm 2015 là 463.859 lượt người, năm 2018 con số này trên 1,39 triệu lượt người. Đến nay, hơn 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề. Nhiều người thất nghiệp sau khi tham gia các khóa học nghề đã có việc làm ổn định. Số người có quyết định hưởng TCTN là gần 5 triệu người và có xu hướng tăng qua các năm. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, ước kết dư Quỹ BHTN tính đến cuối năm 2018 là trên 70.000 tỉ đồng. Dự báo đến năm 2020, Quỹ BHTN vẫn bảo đảm an toàn. Dù vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng với các hành vi trục lợi như hiện nay, BHTN vốn là chỗ dựa khi rủi ro của NLĐ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi một số đối tượng lợi dụng những khe hở của chính sách để hưởng TCTN. Điển hình như có tình trạng NLĐ tìm được việc làm rồi nhưng vẫn đăng ký nhận BHTN, có thu nhập khác hoặc thậm chí nghỉ sinh vẫn đăng ký nhận BHTN. Đơn cử, tại Đồng Tháp, Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh này cho hay trong năm 2019 có hơn 10.300 lao động đến trung tâm đăng ký hồ sơ để được hưởng TCTN. Qua kiểm tra, rà soát, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Đồng Tháp phát hiện 220 lao động nhận chế độ TCTN sai quy định với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng. Sau nhiều tháng triển khai thu hồi, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp BHXH tỉnh thu hồi được 97 trường hợp với số tiền hơn 406 triệu đồng. Lãnh đạo trung tâm cũng thừa nhận việc thu hồi gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều lao động đã đi làm việc ngoài tỉnh, nhiều lao động sống ở vùng nông thôn, thường không có số nhà, hồ sơ không có tên chủ hộ nên khó tìm, thậm chí có những trường hợp cố tình né tránh hoặc không có tiền trả do hoàn cảnh khó khăn.
Người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp ở Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM. Ảnh: LOAN ĐẶNG
Khó kiểm soát tình trạng việc làm của NLĐ
Theo các chuyên gia, những tháng đầu năm thường xảy ra tình trạng nhảy việc của lao động phổ thông, điều này cũng làm tăng số lượng người đăng ký hưởng BHTN. Ngoài lý do lương thấp còn có tình trạng nhảy việc để nhận tiền BHTN. "Công tác quản lý lao động ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của NLĐ. Do đó, vẫn còn trường hợp NLĐ vừa đi làm vừa hưởng TCTN. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động chưa cao, còn tình trạng trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng của NLĐ vào Quỹ BHTN" - ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), phân tích.
Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, TP, tính đến tháng 8-2019, số tiền hưởng TCTN cần phải thu hồi là 71,9 tỉ đồng. Thông báo kết quả kiểm toán năm 2019 tại BHXH Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi tiền TCTN của 2.992 trường hợp hưởng sai quy định với số tiền phải thu hồi hơn 14 tỉ đồng. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nguyên nhân do "chưa quy định cụ thể về cơ quan thu hồi tiền TCTN hưởng sai quy định; quy trình thu hồi TCTN qua nhiều khâu và cơ quan khác nhau, trường hợp cơ quan BHXH phát hiện đối tượng hưởng BHTN không đúng thì phải đề nghị sở LĐ-TB-XH rà soát để ban hành quyết định thu hồi. Mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đã xây dựng dự thảo và lấy ý kiến rộng rãi về Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN. Góp ý cho dự thảo này, BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ LĐ-TB-XH bổ sung quy định thu hồi tiền hưởng các chế độ BHTN. Theo đó, sở LĐ-TB-XH có trách nhiệm thực hiện việc thu hồi tiền hưởng các chế độ BHTN do giải quyết hưởng các chế độ BHTN sai quy định hoặc ban hành các quyết định hủy, tạm dừng, chấm dứt hưởng các chế độ BHTN sau thời điểm chi trả; trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm thực hiện thu hồi tiền hưởng các chế độ BHTN do chuyển các quyết định hủy, tạm dừng, chấm dứt hưởng các chế độ BHTN sau thời điểm chi trả.
Tăng mức hỗ trợ học nghề
Theo dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN. Bộ LĐ-TB-XH đề xuất bổ sung quy định thời gian NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH được tính là thời gian đóng BHTN. Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất mức hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/tháng thay vì 1 triệu đồng/người/tháng như hiện nay. Bộ LĐ-TB-XH cho biết cơ quan này sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách BHTN, chính sách việc làm theo hướng chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua việc chi trả TCTN, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm mà cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Các giải pháp nhằm tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ.
Bình luận (0)