Trước thông tin này, cán bộ Công đoàn (CĐ) và người lao động (NLĐ) luôn mong muốn lương tối thiểu (LTT) cần sớm đảm bảo mức sống tối thiểu để kết thúc "cuộc rượt đuổi" đã kéo dài nhiều năm này.
Phải tăng ca để đảm bảo mức sống tối thiểu
Chị Đỗ Thanh Hằng - công nhân (CN) đang làm việc tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ - chia sẻ, hiện nay tổng thu nhập của chị là 4,5 triệu đồng/tháng, cố gắng lắm cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống mà không có tích góp. Nhiều CN còn làm thêm, tăng ca, nên tổng thu nhập cũng cao hơn, tầm 6-7 triệu đồng.
Còn chị Hằng, do có hai con nhỏ nên chỉ có thể làm 9 tiếng/ngày, tối còn về trông, nấu ăn cho các con. "Tôi mong muốn Chính phủ điều chỉnh LTTV tăng cao hơn để đảm bảo cuộc sống cho chúng tôi, dù chỉ ở mức tối thiểu" - chị Hằng bày tỏ. Còn chị Nguyễn Thị Hạnh - CN Cty May liên doanh Plummy (đóng tại Khu tái định cư Hòa Phú, xã Phú Mãn huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội) - cho biết, về LTTV năm 2019, chị ủng hộ đề xuất tăng 8% của Tổng LĐLĐVN. "Cty của tôi thuộc vùng 1. Thu nhập của tôi là 4,4 triệu đồng/tháng, chưa trừ BHXH, nếu trừ thu nhập chưa tới 4 triệu đồng/tháng. Chồng tôi cũng là CN có mức thu nhập tương tự. Vợ chồng tôi có 2 con nhỏ. Chúng tôi lại thuê nhà trọ để ở, mỗi tháng phải trả tiền thuê nhà, tiền điện, nước khoảng 700.000 - 800.000 đồng.Như vậy, phải chi tiêu tằn tiện, dè sẻn mới tạm đủ sống ở mức tối thiểu, chưa nói gì đến tích lũy. Để đảm bảo cuộc sống tối thiểu, mỗi ngày tôi làm tăng ca 1-2 tiếng đồng hồ" - chị kể.
Để giúp NLĐ trong Cty có thêm thu nhập, công ty nơi chị Hạnh làm luôn khuyến khích NLĐ thi đua lao động sản xuất và khen thưởng những NLĐ chuyên cần, năng suất cao. Nhờ đó, có nhiều CN được thưởng 0,5-1 triệu đồng/tháng, có người có tháng được thưởng tới 2-3 triệu đồng. Tuy vậy, nhìn chung, cuộc sống NLĐ vẫn rất khó khăn. "Bản thân tôi và nhiều NLĐ đều mong muốn được tăng LTTV năm 2019 như đề xuất của Tổng LĐLĐVN" - chị Hạnh bày tỏ.
Anh Nguyễn Văn T (đang làm lắp ráp linh kiện điện tử tại một doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên) cho biết, với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng, tiết kiệm lắm bản thân cũng chỉ đủ chi phí ăn uống và trả tiền thuê nhà trọ.
"Khi mà mọi thứ giá cả, chi phí tăng hơn trước, việc CN các KCN sống tằn tiện, kham khổ, sống ở dưới mức tối thiểu theo như khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. Theo tôi, việc tăng LTTV có ý nghĩa đối với hàng chục triệu lao động đang làm việc trong các DN. LTTV tăng tuy không nhiều nhưng thu nhập của CN chắc chắn sẽ tăng, vì tăng lương còn liên quan đến tính giờ công làm thêm của chúng tôi. Tăng 8% như đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam theo tôi là hợp lý, khi đó đời sống của chúng tôi chắc sẽ khá hơn, từ đó CN cũng yên tâm gắn bó công việc" - anh T cho biết.
Muốn có sản phẩm tốt, NLĐ phải đủ sống
Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hưng Yên - cho biết, nhìn chung đời sống của NLĐ trong tỉnh đã được cải thiện với mức lương trung bình 4,7 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay một bộ phận những NLĐ giản đơn, lao động trong DN sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, may mặc có đời sống còn khó khăn.
Tại các KCN, nơi tập trung đông CN còn thiếu nhà ở, nhà gửi trẻ, thiếu các thiết chế văn hóa phục vụ CN; điều kiện sống thiếu thốn, nhiều CN có con nhỏ phải gửi về quê cho người thân chăm sóc. Một bộ phận CN do tiền lương thấp, thường xuyên phải làm việc tăng ca, thêm giờ, thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ văn hóa hạn chế nên ảnh hưởng nhất định đến việc tái tạo sức lao động và chất lượng cuộc sống. "Không NLĐ nào làm ra được sản phẩm tốt khi cuộc sống của họ không ấm no" - ông Cao Xuân Dương - Trưởng ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ tỉnh Hưng Yên - nhận xét. Theo ông Dương, việc tăng LTTV là rất cần thiết. Bởi DN muốn phát triển thì việc quan tâm, chăm lo cho NLĐ không thể thiếu.
DN chăm lo tốt, đời sống có ấm no thì NLĐ mới cống hiến sức lực, trí tuệ để tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao và họ gắn bó với DN. Ông Dương cũng cho rằng, việc đại diện VCCI đưa ra đề xuất năm 2019 không tăng LTTV] vùng là không thiện chí. Bởi, các chỉ số hàng hóa, tiêu dùng ngày càng tăng, trong khi đó hiện nay mức LTTV chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ. Nếu LTTV trong năm 2019 không tăng thì cuộc sống của NLĐ càng thêm vất vả. "DN không chia sẻ khó khăn với NLĐ thì NLĐ không thể yên tâm lao động sản xuất" - ông Dương khẳng định.
Còn ông Ngô Đức Thắng - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bắc Giang - cho biết, thực tế LTTV do Chính phủ điều chỉnh vẫn đi sau nhiều DN ở tỉnh Bắc Giang. Cụ thể, nhiều DN trong các KCN tỉnh Bắc Giang đã tăng LTTV ở mức 3,5-4,1 triệu đồng, cao hơn mức quy định của Chính phủ.Qua nắm bắt, NLĐ trong các KCN luôn muốn lương của mình được cao hơn để đảm bảo tốt hơn đời sống của họ. Bên cạnh đó, NLĐ cũng mong muốn các khoản phụ cấp được tính vào phần đóng BHXH để sau này họ được hưởng lương hưu cao hơn.
Đủ sống rồi thì sống tốt hơn
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia - cho rằng quá trình đàm phán tăng lương, các bên sẽ đưa ra phương án của mình và ý kiến lúc nào cũng khác nhau, tuy nhiên, NLĐ mong muốn một mức lương đủ sống, đủ sống rồi thì sống tốt hơn.
Về việc sau phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, VCCI đề xuất không tăng, trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức tăng 8%, căn cứ vào Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (DN), ông Huân nêu quan điểm nghị quyết nêu lên lộ trình và yêu cầu đáp ứng lộ trình đó là LTT đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu, đó là một căn cứ. Căn cứ thứ hai vẫn phải theo Luật Lao động quy định với ba yếu tố: Tình hình kinh tế xã hội, thị trường lao động và khả năng của DN để quyết định việc tăng lương.
Quan điểm khác nhau nhiều là do mỗi bên đứng về một phía, Tổng LĐLĐ Việt Nam đứng về phía NLĐ, trong khi hiện mức lương của NLĐ không cao nên NLĐ mong muốn một mức lương đủ sống. VCCI đại diện giới chủ, lúc nào cũng thấy khó khăn vì lương là chi phí mà chi phí liên quan đến lợi nhuận, chi phí tăng, lợi nhuận giảm.
Theo ông Huân, cơ quan nhà nước phải hài hòa hai bên, đảm bảo thương lượng thành công. Nhà nước phải nhìn cả vĩ mô, cả sự vận động các bên để tạo ra phương án hài hòa, hai bên chấp nhận. Ông Huân cũng lưu ý tiền lương cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề lương tối thiểu - mức sàn. Các bên khi thỏa thuận không được thấp hơn mức này. Thứ hai là xây dựng hệ thống thước đo trong nội bộ DN - thang bảng lương. Quy định khoảng cách tối thiểu giữa các bậc là 5%, lao động nặng nhọc, độc hại cao hơn lao động làm việc trong điều kiện bình thường 5%. Sàn này đưa ra để thỏa thuận các mức cụ thể.
Bày tỏ quan điểm vì sao hiện nay bức tranh kinh tế tăng trưởng khá, các chỉ số khả quan mà VCCI chỉ đề xuất mức tăng 0%, ông Huân cho rằng đây là cách đàm phán, và cũng mới phiên họp đầu và các bên sẽ còn thỏa thuận với nhau."Chúng ta sẽ đưa ra các chuẩn mực. Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thành lập 5 năm và cần kiện toàn các hoạt động cho bài bản hơn để thông tin các bên đầy đủ để cân nhắc đưa ra các phương án. Khi có sự khác nhau thì có căn cứ để rút dần khoảng cách giữa các bên trên cơ sở căn cứ khoa học" - ông Huân nói.
Bình luận (0)