Sau thời gian dài xâm nhập tìm hiểu hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) trên địa bàn TP HCM, chúng tôi phát hiện nhiều chiêu trò để moi tiền của người lao động (NLĐ) từ các trung tâm này. Phổ biến nhất là chiêu trò soạn sẵn hợp đồng với nội dung mập mờ về điều kiện làm việc, lương, thưởng, phí dịch vụ… để đẩy rủi ro cho NLĐ.
Đem con bỏ chợ
Đơn cử như hợp đồng mẫu của Công ty TNHH GTVL T.P (phường 13, quận 6). Khi giới thiệu chúng tôi đến một đơn vị sử dụng lao động, công ty này đưa ra một bản hợp đồng chỉ ghi bên A là Công ty TNHH GTVL T.P, còn bên B (nhà tuyển dụng lao động) là chị X. trò chơi (ý nói là chủ một khu vui chơi). Cũng theo hợp đồng, bên B đồng ý thuê bên A giới thiệu lao động đến làm việc tại bên B với mức dịch vụ là 1.080.000 đồng cộng với 70.000 đồng tiền xe ôm, tổng cộng 1.150.000 đồng. Khoản phí này được bên B thanh toán cho bên A khi giới thiệu lao động. Điều đáng nói hơn cả là bên C (NLĐ) phải thanh toán các khoản tiền trên cho bên B.
Theo quy định hiện hành, khi thuê mướn lao động thì người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với NLĐ. Thế nhưng, khi người của Công ty GTVL T.P đưa chúng tôi đến giới thiệu thì bên B không hề đả động đến việc ký HĐLĐ. Bà X. chỉ cho chúng tôi biết sơ qua công việc là phục vụ tại khu vui chơi giải trí, thời gian làm việc từ 7 giờ đến 23 giờ. Chưa hết, dù thỏa thuận làm việc tại TP HCM nhưng thực tế bà X. lại đưa NLĐ đến TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để làm việc. Không những thế, sau khi được đưa xuống TP Biên Hòa, những lao động nói trên được bố trí vào làm cơ khí chứ không phải làm ở khu vui chơi giải trí. NLĐ sau nhiều ngày làm việc thấy bất bình liền yêu cầu bà X. bố trí công việc đúng như trung tâm GTVL đã giới thiệu thì nhận được câu trả lời: "Công việc do chủ sử dụng lao động bố trí, nếu không làm thì mấy anh có thể nghỉ nhưng phải đóng 1.150.000 đồng tiền phí". Rõ ràng, Công ty GTVL T.P đã có hành vi "đem con bỏ chợ", bởi thực tế NLĐ không được bố trí việc làm như mong muốn mà còn bị chủ sử dụng lao động xử ép. Mục đích của các trung tâm GTVL chỉ là moi tiền của NLĐ, còn chủ sử dụng lao động thì lợi dụng tâm lý cần việc làm của NLĐ để xử ép chứ không có thiện chí sử dụng lâu dài.
O ép đủ kiểu
Một chiêu trò khác là các trung tâm GTVL chỉ GTVL bằng miệng và yêu cầu NLĐ đóng phí mà không hề có biên nhận. Do vậy, nếu chẳng may rơi vào trường hợp có việc làm không như mong muốn, NLĐ cũng khó quay lại lấy tiền cọc.
Sau khi gọi vào số điện thoại của một trung tâm GTVL trên mạng xã hội, chúng tôi được một nam thanh niên giới thiệu đến văn phòng làm việc tại quận 12. Sau khi tư vấn qua loa, nhân viên ở đây yêu cầu chúng tôi đóng 750.000 đồng tiền ký quỹ để nhận việc làm ngay mà không có một biên nhận nào. Khi chúng tôi thắc mắc vì sao không có biên nhận thì bị nhân viên ở trung tâm mắng té tát: "Hàng trăm người xin việc ở đây chẳng ai đòi hợp đồng hay biên lai gì cả. Làm được ngày nào thì nhận lương ngày đó, cứ thích thắc với chả mắc". Sau khi đóng tiền nhưng không được bố trí công việc như đã giới thiệu, chúng tôi và một số NLĐ quay lại yêu cầu trung tâm GTVL trả lại tiền cọc. Thế nhưng, người của trung tâm đã thoái thác trách nhiệm, cho rằng việc bố trí đúng việc làm là do người sử dụng lao động (!?).
"Hà hơi tiếp sức" cho các trung tâm GTVL là những "chiêu trò" bóc lột NLĐ của chủ sử dụng lao động. Thực tế, khi đến địa điểm nhận việc, NLĐ đều bị chủ sử dụng lao động thu giữ giấy tờ tùy thân và giám sát công việc 24/24 giờ. Ngoài không có một bản HĐLĐ lận lưng, NLĐ còn phải chịu thêm một số khoản phí hết sức vô lý như bảo hiểm, đồng phục… Không có HĐLĐ, lại phải chịu mất thêm tiền cùng với lương, thưởng không rõ ràng nên NLĐ rất hoang mang. Gần 1 tuần làm việc tại khu vui chơi ở huyện Nhà Bè, do bị chủ sử dụng lao động vắt kiệt sức nên tôi và một nhóm lao động xin nghỉ việc. Khi chúng tôi yêu cầu chủ sử dụng lao động trả lương cho những ngày đã làm việc thì bà X. trả lời thẳng thừng: "Quy định của công ty là phải làm việc 15 ngày mới được ứng lương".
Luật sư Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Luật Đặng và cộng sự:
Vi phạm pháp luật
Việc thu phí tư vấn, GTVL của NLĐ nhưng không có biên nhận là hành vi khó chấp nhận của các trung tâm GTVL. Điều đáng lên án hơn cả là hành vi phủi bỏ trách nhiệm với NLĐ của các trung tâm GTVL khi GTVL không đúng sở trường, trái với cam kết ban đầu. Những hành vi này thực chất là "sang nhượng" lao động. Về phía người sử dụng lao động, từ những tài liệu do Báo Người Lao Động cung cấp, có thể khẳng định việc sử dụng lao động nhưng không ký HĐLĐ, trích nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động của đơn vị thuê mướn lao động. Mập mờ khối lượng lao động, điều kiện làm việc, lương, thưởng của NLĐ của chủ thuê mướn là hành vi cố tình tước đoạt quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ, do đó cần phải xử lý nghiêm.
Kỳ tới: Xử lý nghiêm các sai phạm
Bình luận (0)