Phóng viên: Vì sao BHXH TP HCM yêu cầu phải kiểm tra, đối chiếu hồ sơ nhân thân với CMND của người lao động (NLĐ) khi lập thủ tục tăng mới đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)?
Cơ quan BHXH TP HCM vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động khi lập thủ tục tăng mới đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN phải kiểm tra, đối chiếu hồ sơ nhân thân với CMND để xác nhận xem có đúng là của NLĐ hay không. Việc này nhằm ngăn ngừa tình trạng mượn hồ sơ của người khác để xin việc làm và đăng ký BHXH.
Tình trạng NLĐ mượn hồ sơ người khác để xin việc làm và đăng ký tham gia BHXH đã gây khó khăn như thế nào cho công tác quản lý đối tượng, chốt sổ và giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ?
- Đóng BHXH là để được hưởng trợ cấp từ quỹ BHXH khi bị ốm đau, nghỉ sinh con, bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp, nghỉ hưu, chết. Những trợ cấp đó gắn liền với người đóng BHXH và phải được trả đúng người, thông qua đối chiếu với CMND. Điều tương tự cũng xảy ra với BHYT và BHTN.
Nếu mượn tên người khác để kê khai khi đóng thì không thể được hưởng khi phát sinh các loại trợ cấp có liên quan vì không chứng minh được mình là người được cơ quan BHXH chịu trách nhiệm chi trả. Vì vậy, ngăn chặn việc dùng tên người khác để đóng BHXH, BHYT, BHTN là nhằm bảo vệ quyền lợi của chính NLĐ. Những khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan BHXH cũng có nhưng không phải là lý do để chúng tôi đưa ra quy định này.
Tình trạng này kéo dài đã lâu nhưng tại sao đến giờ BHXH TP mới chấn chỉnh?
- Khi tiến hành cấp sổ BHXH từ năm 1996, đã phát hiện nhiều người khai tên người khác để đóng BHXH. Những năm trước đó, nếu không có hộ khẩu tại TP HCM thì khó xin việc nên chúng tôi chấp nhận và điều chỉnh khi phát hiện. Tuy nhiên, kéo dài tình trạng này đến nay là không thể chấp nhận vì điều kiện để được làm việc tại TP HCM không yêu cầu phải là thường trú. Nếu cứ tiếp tục chấp nhận khai không đúng tên và điều chỉnh khi cần thì không biết khi nào mới chấm dứt được tình trạng này. Mục đích như đã nói: Người làm việc và đóng các loại bảo hiểm phải đúng với nhân thân của mình để được thụ hưởng khi đủ điều kiện.
Trong quá trình thực hiện điều chỉnh nhân thân, nếu gặp vướng mắc, doanh nghiệp sẽ phải làm gì?
- Nếu có gì chưa rõ, doanh nghiệp có thể hỏi cơ quan BHXH nơi đang đóng BHXH (trực tiếp gặp bộ phận tiếp dân, gửi email hỏi qua trang web hoặc viết thư hỏi).
Thông báo nêu rõ các trường hợp cấp sổ BHXH phát sinh sau ngày 1-1-2015, BHXH sẽ không thực hiện điều chỉnh nhân thân đối với các trường hợp NLĐ mượn hồ sơ người khác để xin việc làm và đăng ký tham gia BHXH. Liệu có tình trạng “du di” hay không?
- Quan điểm của chúng tôi qua thông báo này là:
+ Những trường hợp đã lỡ xảy ra trước năm 2015 thì có thể được điều chỉnh cho đúng.
+ Từ đầu năm 2015, đã được khuyến cáo nhưng vẫn cố tình vi phạm thì xem như không có nhu cầu thụ hưởng về bảo hiểm. Do đó, khi bị phát hiện hoặc có nhu cầu thì sẽ bị khước từ quyền lợi của mình. BHXH TP sẽ không chịu trách nhiệm điều chỉnh lại nhân thân theo yêu cầu của người cố tình khai gian dối. Thực ra, ngay từ bây giờ, chúng tôi cũng có quyền từ chối chi trả quyền lợi đối với các trường hợp nhân thân ghi trong CMND không đúng với hồ sơ kê khai tham gia BHXH, không cần chờ đến những phát sinh sau ngày 1-1-2015.
Khai không đúng sẽ rất phức tạp khi có sự cố
Ông Cao Văn Sang khuyến cáo người sử dụng lao động nên quan tâm kiểm tra nhân thân của NLĐ ngay khi ký hợp đồng với họ. Sẽ rất phức tạp khi xảy ra những sự cố (như tai nạn lao động hoặc các tranh chấp phát sinh) trong quá trình sử dụng NLĐ nếu người đó không đúng với nhân thân đã kê khai trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Bình luận (0)