Với vai trò là thành viên Ban soạn thảo và cơ quan thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 3841/BHXH-CSXH gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tham gia ý kiến đối với kiến nghị của các Hiệp hội Doanh nghiệp về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Theo đó, BHXH Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hết sức cân nhắc đối với đề xuất về việc giảm tỉ lệ khấu trừ khi người lao động nghỉ hưu trước tuổi từ 2%/năm xuống 1%/năm. BHXH Việt Nam lý giải: theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành, tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75% tương ứng với thời gian đóng BHXH là 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam. Như vậy, tỉ lệ tích lũy (tỉ lệ hưởng lương hưu tương ứng với một năm đóng BHXH) của Việt Nam hiện nay bình quân là 2,14% đối với nam và 2,5% đối với nữ. Vì thế, khi người lao động nghỉ hưu trước tuổi quy định, thời gian đóng vào quỹ ít đi do dừng đóng sớm trước tuổi trong khi thời gian hưởng từ quỹ tăng lên (trước khi đến tuổi) thì việc áp dụng tỉ lệ giảm trừ 2% cho mỗi năm nghỉ hưu sớm vẫn ít hơn tỉ lệ tích lũy nếu phải đóng thêm một năm. Như vậy, quy định trừ 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi cũng là tạo điều kiện cho người nghỉ hưu bị giảm trừ không nhiều. Việc giảm trừ tỉ lệ 2% này cũng là một trong những quy định để khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, tạo thu nhập và tham gia BHXH, để mỗi năm đóng tiếp được tăng tỉ lệ tích lũy cao hơn…
Người hưu trí nhận lương hưu tại
Trước đó, khi góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), 13 hiệp hội gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP), Hiệp hội Sữa (VDA), Hiệp hội Da giày - Túi xách (LEFASO), Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát (VBA), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội các Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội Gỗ và lâm sản VFA), Hiệp hội Chè (VITAS), Hiệp hội Nhựa (VPAS), Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP HCM, đã đề xuất tính lại tỷ lệ hưởng lương hưu cho lao động về hưu sớm.
Theo các hiệp hội, tuổi hưu của người lao động đang được điều chỉnh tăng theo lộ trình cho đến khi nam đạt 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035. Luật BHXH hiện hành quy định lao động được nghỉ hưu sớm tối đa 5 năm, song phải suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%. Đồng thời, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, người lao động bị trừ 2% mức hưởng. Các hiệp hội đánh giá quy định này không thực tiễn ở Việt Nam, bởi nhiều lao động đi làm và đóng BHXH sớm. Ở độ tuổi 50- 55, sức khỏe họ giảm sút, không đủ khả năng đáp ứng công việc, khó tìm việc làm sau đó và cũng có thời gian đóng BHXH từ 20-30 năm. Như vậy, cả về thời gian và số tiền đóng cho BHXH là đã đủ lớn. Nếu chờ đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chi tiêu cuộc sống và việc để người lớn tuổi về hưu sớm cũng để trao cơ hội cho lao động trẻ có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Bên cạnh đó, các hiệp hội cho rằng quy định người lao động nghỉ hưu sớm bị trừ 2% mỗi năm kể cả khi họ có thời gian đóng để đủ điều kiện hưởng mức tối đa (nam đóng trên 35 năm, nữ đóng trên 30 năm) là bất hợp lý, đồng thời khoản trợ cấp hưu trí một lần là 0,5 tháng lương bình quân đóng BHXH cho mỗi năm đóng BHXH vượt trần thời gian hưởng lương hưu tối đa là quá thấp.
Vì thế, các hiệp hội đề xuất trong trường hợp người lao động đủ tuổi nghỉ hưu sớm theo quy định và có thời gian đóng BHXH trên 20 năm, được quyền về hưu và mỗi năm về hưu sớm sẽ bị trừ đi một tháng lương hoặc cao nhất bị trừ không quá 1% như Luật BHXH năm 2006. Còn lao động đủ tuổi nghỉ hưu sớm (tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu) và đóng đủ 30 năm BHXH với nữ và 32 năm với nam thì được nghỉ hưu và hưởng mức tối đa 75%.
Bình luận (0)