Vừa qua, đoàn công tác Tổng LĐLĐ Việt Nam do Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu dẫn đầu đã làm việc với các doanh nghiệp (DN) có đông lao động nữ (LĐN) ở tỉnh Đồng Nai, nhằm nắm bắt tình hình thực hiện bình đẳng giới.
Bảo đảm quyền lợi lao động nữ
Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 1,2 triệu công nhân (CN). Trong đó, hơn 60% LĐN. Tại các DN chuyên sản xuất giày da và may mặc, tỉ lệ LĐN có khi lên tới 80% - 90%.
Bà Nguyễn Kiều Nga, Giám đốc hành chính nhân sự Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer Việt Nam (KCN Amata, TP Biên Hòa), cho biết công ty chuyên gia công hàng may mặc nên có đến 85% lao động trong tổng số 2.300 người là LĐN. Để người lao động (NLĐ) an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với công ty, những năm qua, công tác bình đẳng giới luôn được DN thực hiện nghiêm túc. Ngoài các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật, LĐN còn được hưởng thêm nhiều chế độ ưu đãi, như được nghỉ thêm 30 phút trong kỳ kinh nguyệt. "Phụ nữ mang thai từ tuần thứ 25 đến khi con 1 tuổi được nghỉ sớm 1 giờ/ngày nhưng vẫn hưởng tiền lương đầy đủ. Những LĐN mang thai được sắp xếp làm việc trong một chuyền riêng, được cấp thẻ ưu tiên khi xếp hàng ăn, đi vệ sinh, được để xe dưới tầng thấp", bà Nga nói.
Theo ông Hoàng Ngọc Tràng, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer Việt Nam, để hạn chế việc NLĐ bị mắc các bệnh nghề nghiệp do phải ngồi làm việc lâu, công ty cho phép NLĐ nghỉ ngắn 2 lần/ngày, mỗi lần 5 phút để tập thể dục tại chỗ, thư giãn. Ngoài ra, CĐ phối hợp với công ty thường xuyên tổ chức cho NLĐ đi tham quan, du lịch trong và ngoài nước; tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ để giao lưu, học hỏi, nâng cao đời sống tinh thần. "Không chỉ được chi trả đầy đủ các chế độ, NLĐ của công ty còn được tham gia các khóa đào tạo nâng cao do công ty tổ chức. Sau các khóa học, tùy thuộc vào năng lực, trình độ chuyên môn, NLĐ được cất nhắc vào nhiều vị trí cao hơn như tổ trưởng, quản lý. Cùng với đó, mức lương, phụ cấp của NLĐ cũng tăng theo" - ông Tràng cho biết thêm.
Còn tại Công ty TNHH Epic Designers Việt Nam (phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa), Chủ tịch CĐ công ty Ngô Đức Hoàng cho rằng ngoài việc chi trả đầy đủ, kịp thời tiền lương và các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật, công ty còn hỗ trợ nhiều khoản phụ cấp cho mỗi NLĐ như: trợ cấp nhà ở 150.000 đồng/tháng, trợ cấp đi lại 135.000 đồng/tháng, trợ cấp chuyên cần 125.000 đồng/tháng, trợ cấp thâm niên… Với những trường hợp NLĐ ốm đau, gia đình có ma chay, hiếu hỉ, CĐ và công ty đều kịp thời hỗ trợ, chia sẻ.
Lao động nữ một doanh nghiệp tại KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai điền thông tin vào phiếu khải sát về việc thực hiện bình đẳng giới tại doanh nghiệp
Đối thoại để ổn định
Trong khi đó, Công ty TNHH Pou Chen Việt Nam (xã Hóa An, TP Biên Hòa) hằng tháng đều có hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ cho LĐN. Với những CN có con nhỏ mà không gửi tại nhà trẻ của công ty được hỗ trợ 150.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, NLĐ mong muốn công ty sẽ tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa chủ DN với NLĐ để giải quyết những bức xúc, vướng mắc của họ.
CN Phạm Thị Hoàng (Công ty TNHH Pou Chen Việt Nam) bộc bạch: "Tôi làm việc tại công ty được 16 năm. Trong các lần công ty xảy ra ngừng việc tập thể, tôi và nhiều người khác không tham gia vì điều này ảnh hưởng ít nhiều đến việc sản xuất của DN. Nếu có bức xúc, chúng tôi đều gặp cán bộ xưởng để bày tỏ ý kiến. Nhưng trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn công ty sẽ tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại giữa chủ DN, CĐ với NLĐ để các bên cùng nhau giải quyết những vướng mắc, tránh xảy ra tranh chấp lao động tập thể gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của công ty và việc làm của NLĐ".
Tại tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, việc đối thoại giữa chủ DN, cán bộ CĐ với NLĐ hay lãnh đạo các CĐ cấp trên cơ sở, các cơ quan chức năng với NLĐ tại DN để lắng nghe ý kiến của NLĐ đã được thực hiện có hiệu quả. Điển hình như tại buổi đối thoại giữa các đại biểu Quốc hội tỉnh với NLĐ của Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer Việt Nam, hầu hết NLĐ không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu với LĐN. Chị Bùi Thị Mỹ Phương, quản lý bộ phận sản xuất của công ty, cho rằng: "Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì phần lớn LĐN, nhất là những lao động làm việc chân tay sẽ không bảo đảm sức khỏe. Ở những chuyền sản xuất yêu cầu sự nhanh nhẹn và có trình độ nhất định, những lao động từ 50 tuổi trở lên khó đáp ứng yêu cầu". Ghi nhận những ý kiến của NLĐ, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho hay sẽ tổng hợp những kiến nghị xác đáng của NLĐ để trình Quốc hội xem xét ban hành những điều khoản phù hợp.
Thực hiện tốt công tác bình đẳng giới tại DN không chỉ có ý nghĩa bảo đảm công bằng về quyền lợi đối với LĐN, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại DN mà còn là cách làm sáng tạo để góp phần giữ chân đội ngũ lao động lành nghề trong thời buổi cạnh tranh nhân sự như hiện nay".
Bà NGUYỄN THỊ NHƯ Ý (Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai)
Bình luận (0)