Tại các buổi họp góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động (BLLĐ - sửa đổi) do LĐLĐ TP HCM và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP tổ chức mới đây, bên cạnh 2 chủ đề lớn là tăng tuổi nghỉ hưu và giờ làm việc, các vấn đề liên quan đến việc xử lý tình trạng doanh nghiệp (DN) có chủ bỏ trốn, giao kết thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), học nghề và đào tạo nghề cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của cán bộ Công đoàn (CĐ) và chuyên gia lao động.
Làm rõ khái niệm chủ "bỏ trốn"
Một trong những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong thời gian qua là tình trạng nhiều chủ DN nước ngoài đột ngột "mất tích" hoặc bỏ trốn. Tình hình này không chỉ gây lúng túng cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động mà còn khiến người lao động (NLĐ) thiệt thòi cho quyền lợi.
Để giải quyết bài toán này, dự thảo BLLĐ (sửa đổi) có thêm quy định về việc "Chủ DN bỏ trốn thì cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh ra thông báo chấm dứt hoạt động". Theo các chuyên gia lao động, ngoài làm rõ khái niệm bỏ trốn cũng như xác định khoảng thời gian "vắng chủ", dự thảo cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước khi tham gia giải quyết hậu quả. Thời gian qua, việc xử lý tình trạng DN có chủ bỏ trốn chủ yếu là giải quyết hậu quả và đối tượng chịu thiệt thòi chính là NLĐ. Rất nhiều vụ việc xảy ra vào thời điểm cuối năm, do vậy phải có giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa và bảo vệ quyền lợi NLĐ.
Bộ Luật Lao động cần xây dựng sát thực tiễn nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động
"Vừa qua, CĐ TP đã đại diện khởi kiện cho rất nhiều công nhân tại các DN có chủ bỏ trốn nhưng rất nhiêu khê. Do vậy, phải có quy định ràng buộc, chế tài ngay từ đầu, đợi việc xảy ra rồi đi giải quyết hậu quả thì cũng chẳng ích lợi gì. Mặt khác, có thể xem xét đến việc sử dụng một số nguồn quỹ sẵn có để hỗ trợ CN mất việc tại các DN có chủ bỏ trốn" - ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TP, góp ý.
Mở rộng quyền của NLĐ
Vấn đề giao kết HĐLĐ và mở rộng quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ nêu trong dự thảo cũng gây ra những tranh luận trái chiều.
Nhiều chuyên gia lao động ủng hộ quy định NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần lý do mà chỉ cần tuân thủ thời hạn báo trước. Bởi trong thực tế, HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ); nguyên tắc giao kết HĐLĐ: tự nguyện, bình đẳng. Theo luật sư Đỗ Thị Thanh Tâm, phương án này giúp mở rộng hơn quyền của NLĐ. Trong trường hợp này, NLĐ chỉ cần báo cho NSDLĐ biết trước để chuẩn bị nhân sự là đủ. "Có rất nhiều lý do cá nhân, lý do nhạy cảm mà NLĐ khi nghỉ việc rất khó trình bày trực tiếp với người quản lý DN, chẳng hạn bị quấy rối tình dục. Do vậy, dự thảo lần này mở rộng quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ là tiến bộ đáng ghi nhận" - luật sư Tâm nhận xét.
Ở một góc nhìn khác, ông Trần Hảo Trí, Phó trưởng Phòng Quản lý lao động Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM, cho rằng với HĐLĐ xác định thời hạn, NLĐ vẫn cần phải có lý do chính đáng khi nghỉ việc để công bằng với DN. Tuy nhiên, dự thảo cần có thêm quy định về các tình huống đặc biệt để NLĐ có thể nghỉ việc ngay mà không cần nói rõ lý do và tuân thủ thời hạn báo trước. "NLĐ bị cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục… nên được phép nghỉ ngay mà không cần thời hạn báo trước. Thực tế, NLĐ đã bị ức chế mà còn buộc họ phải chịu đựng thêm 30 hay 45 ngày nữa mới được nghỉ thì rõ ràng làm khó NLĐ" - ông Trí góp ý.
Liên quan đến vấn đề học nghề và đào tạo nghề, nhiều cán bộ CĐ kiến nghị cần bỏ quy định học việc, tập sự hiện nay, thay vào đó là quy định cụ thể thời gian thử việc để tránh DN lợi dụng học việc, tập sự gây thiệt thòi quyền lợi NLĐ.
Hạn chế thiệt thòi cho người lao động
Theo ông Phạm Văn Hoa, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh (TP HCM), việc học nghề và đào tạo nghề trong dự thảo quy định thời gian tối đa 6 tháng là quá dài, bởi có thể trở thành kẽ hở cho NSDLĐ kéo dài thời gian thử việc, học nghề. Có những nghề chỉ cần đào tạo chừng 10 hay 30 ngày là có thể làm ra sản phẩm nhưng DN vẫn có thể cho rằng thời gian đào tạo là đến 6 tháng nên trong thời gian đó không ký HĐLĐ, NLĐ sẽ thiệt thòi nhiều quyền lợi. "Ngay cả trong quy định đào tạo nghề là đào tạo lý thuyết, thực hành thì phải theo chương trình như thế nào? Nếu như trong giai đoạn thực tập nghề mà làm ra được sản phẩm hoàn chỉnh thì sao? Đề nghị phải quy định cụ thể hơn, tránh tạo chỗ hở cho DN lách luật kéo dài thời gian thử việc, tập nghề thiệt thòi cho NLĐ" - ông Hoa nêu quan điểm.
Bình luận (0)