Từ ngày 1-7-2020, giáo viên trúng tuyển viên chức đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Như vậy, khi Luật Viên chức sửa đổi có hiệu lực, giáo viên được tuyển dụng mới sẽ không còn là viên chức suốt đời. Điều này khiến sinh viên ngành sư phạm và giáo viên hợp đồng không khỏi lo lắng. Vậy giáo viên cần phải làm gì để có thể trụ được lâu dài với nghề?
Chúng tôi nhận thấy, giáo viên ngoài việc yêu nghề, có tâm với nghề, thì điều kiện tiên quyết để gắn bó lâu dài với nghề là phải vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ. Thời gian gần đây, ngành giáo dục yêu cầu giáo viên đổi mới về phương pháp dạy học để chuẩn bị cho việc thay sách giáo khoa. Có thể thấy rằng, đa phần giáo viên trẻ đã thích ứng rất nhanh với việc này. Thế nhưng, còn nhiều giáo viên vẫn dạy theo phương pháp truyền thống do chưa kịp thích ứng hoặc ngại đổi mới. Điều đó khiến học sinh giảm hứng thú trong học tập, kéo theo chất lượng dạy và học cũng bị giảm sút.
Thực ra, phương pháp nào cũng đều có những ưu nhược, nhưng nếu giáo viên không thay đổi cách dạy thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với chương trình mới. Chương trình mới thiết kế nội dung bài học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Theo từ điển tiếng Việt, "năng lực" là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó. Hoặc, "năng lực" là khả năng huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng để thực hiện thành công một loại công việc trong một bối cảnh nhất định. Dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học được xem như một nội dung giáo dục, một phương pháp giáo dục như phương pháp dạy học nêu vấn đề, phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của học sinh.
Bỏ biên chế suốt đời, giáo viên làm gì để không bị đào thải? (Ảnh minh họa: Baodongnai.com.vn)
Điểm khác nhau giữa các phương pháp là ở chỗ dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học có yêu cầu cao hơn, mức độ khó hơn, đòi hỏi người dạy phải có phẩm chất, năng lực giảng dạy nói chung cao hơn trước đây. Điều quan trọng hơn cả là nếu so sánh với các quan niệm dạy học trước đây, việc dạy học phát triển phẩm chất, năng lực sẽ làm cho việc dạy và việc học được tiếp cận gần hơn, sát hơn với mục tiêu hình thành và phát triển nhân cách con người.
Để có thể dạy học theo hướng này, giáo viên phải nắm thật chắc cấu trúc giáo án dạy học phát huy năng lực. Giáo án năng lực là giáo án nêu lên các hoạt động (công việc) mà giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện để tìm ra nội dung cần học, qua đó mà biết cách học. Muốn vậy, giáo viên cần tập trung vào mục tiêu hình thành và phát triển năng lực, học sinh thực hiện các hoạt động để tự tìm ra kiến thức, hiểu biết phù hợp với mình và qua đó biết cách học và biết tự học. Ngoài ra, giáo viên cần hiểu một số phương pháp dạy học tích cực như: dạy học theo dự án, dạy theo chuyên đề/chủ đề, dạy tích hợp, dạy theo STEM… để cụ thể hóa giáo án năng lực.
Đáng lưu ý, giáo viên sử dụng thành thạo công nghệ thông tin trong dạy học là một lợi thế rất lớn trong bối cảnh ngày nay. Và khi giáo viên đã vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ thì lãnh đạo nhà trường sẽ ghi nhận năng lực chuyên môn của giáo viên. Cùng với đó, học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp và kể cả dư luận xã hội của địa phương đó cũng sẽ tín nhiệm cho giáo viên. Ngược lại, năng lực giảng dạy không đảm bảo thì giáo viên phải nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân để có một hướng đi khác phù hợp hơn cho công việc.
Làm được điều này, chắc chắn không ai có thể chấm dứt hợp đồng với giáo viên sau 5 năm dài giảng dạy. Thỉnh thoảng trường này, kia có những tiêu cực, khuất tất, đó là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, bất cứ một trường học nào cũng đặt nhiệm vụ chuyên môn lên hàng đầu. Bởi chuyên môn là bộ mặt, thậm chí là sự sống còn của nhà trường. Nếu lãnh đạo chọn những giáo viên không đủ tâm, không đủ tầm thì chắc chắn bản thân họ sẽ chịu hậu quả và phải chịu trách nhiệm với cấp trên. Cho nên, giáo viên vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ thì sẽ yên tâm công tác mà không phải lo nghĩ đến chế độ viên chức suốt đời hay hợp đồng làm việc có thời hạn.
Bình luận (0)