20 ngày sau cái chết của anh Nguyễn Văn Dương (SN 1980, ngụ xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), chúng tôi có mặt tại gia đình anh.
Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Dương nằm sát cánh đồng, không khí tang thương vẫn bao trùm. Không cầm được nước mắt, chị Đậu Thị Thu, vợ anh Dương, cho biết: “Đêm 19-10, mấy mẹ con đang ôm nhau ngủ thì có điện thoại từ Angola gọi về. Cứ nghĩ anh ấy gọi điện về chúc mừng vợ nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, ai ngờ người bạn làm cùng thông báo là anh Dương chết. Nghe tin xong, 6 mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Mấy ngày hôm sau, tôi như người mất hồn, chỉ mong người ta đưa xác anh ấy về để vợ con nhìn lần cuối”.
Để sang Angola làm việc chui, anh Dương vay mượn người thân 140 triệu đồng nộp cho đường dây môi giới. Anh vừa sang Angola làm thuê được một thời gian, khi món nợ chưa trả hết thì gặp nạn, để lại người vợ không nghề nghiệp cùng 5 đứa con thơ dại (đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ nhất 3 tuổi).
Trước anh Dương, anh Nguyễn Anh Đức (SN 1984, ngụ thôn Hồng Xuân, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) trong lúc làm việc tại một công trình xây dựng ở Angola đã bị điện giật rơi từ giàn giáo xuống đất, tử vong. Anh Đức mới sang Angola làm việc từ ngày 1-10. Để được xuất ngoại, gia đình anh bỏ ra hơn 100 triệu đồng tiền nộp cho môi giới. Anh Nguyễn Hồng Quân (ngụ xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh) thì chết tại Angola vì căn bệnh sốt rét ác tính.
Tính từ đầu năm 2013 đến nay, có khoảng 30 lao động quê Nghệ An, Hà Tĩnh đi lao động chui và chết ở Angola. Cơ quan an ninh điều tra của công an 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã khởi tố 5 vụ án, khởi tố hàng chục bị can về tội tổ chức đưa người đi làm việc trái phép ở Angola.
Ngoài những người bỏ mạng ở xứ người, rất nhiều lao động sau thời gian làm việc ở Angola trở về nước rơi vào cảnh nợ nần, trắng tay. Anh Trần Văn Hùng (ngụ phường Lê Lợi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), vừa trở về từ Angola, cho biết: “Bỏ ra 150 triệu đồng, khi đi người môi giới nói sẽ có công việc ổn định, lương 20 triệu đồng/tháng. Sang đến nơi mới biết bị lừa, làm việc vất vả nhưng lương chỉ được 8 triệu đồng/tháng. Khổ quá, tính bỏ về nhưng sợ mất trắng 150 triệu đồng (tiền môi giới) nên đành ở lại chịu cực khổ làm việc. Gần 2 năm trời làm thuê cực khổ nhưng lúc về nước vẫn chưa trả hết nợ”.
Người bỏ mạng, kẻ trắng tay nhưng hiện ở Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn có rất nhiều người sẵn sàng bỏ ra từ 100-150 triệu đồng để sang Angola làm việc chui. Anh Lê Xuân Tú (ngụ xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) thổ lộ: “Ở nhà làm ruộng không đủ ăn, nghe họ nói sang Angola làm ăn được nên mình vay mượn nộp 100 triệu đồng cho họ rồi, còn 30 triệu đồng nữa họ bảo lúc nào chuẩn bị bay thì nộp đủ”.
Ông Nguyễn Cảnh Lộc - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn - cho biết: “Trong xã có nhiều người đi sang Angola làm việc chui, nhiều người đi rồi chết bên đó. Người dân nghèo khổ, không có việc làm, thấy người ta rủ rê nên kéo nhau đi”. Tại tỉnh Hà Tĩnh, huyện có số lao động chui làm việc nhiều nhất ở Angola là Kỳ Anh, chỉ riêng trong tháng 10 đã có 2 lao động của huyện này tử vong khi đang làm việc chui tại Angola. Ông Nguyễn Văn Hảo, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Anh, thừa nhận: “Riêng trong năm nay, Kỳ Anh có 536 người sang Angola làm việc. Chúng tôi đã khuyến cáo người dân không nên đi xuất khẩu lao động trái phép nhưng một số người dân vẫn bỏ hàng trăm triệu đồng để được sang Angola làm việc”.
Nhiều lao động bị cướp sát hại
Ngoài việc chết vì bệnh tật và tai nạn lao động, rất nhiều lao động làm việc ở Angola bị bọn cướp sát hại. Mới đây nhất, hôm 17-9, một toán cướp tấn công lán xây dựng của người Việt tại TP Luanda - Angola và chém chết anh Nguyễn Văn Thế (36 tuổi, ngụ xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), làm bị thương 4 người và lấy đi toàn bộ tài sản của họ. Năm 2010, trong lúc làm việc chui tại Angola, chị Nguyễn Thị Hải (36 tuổi) và chị Nguyễn Thị Xuân (32 tuổi) - quê Hà Tĩnh - cùng anh Trần Văn Hóa (42 tuổi, quê Hải Dương) bị bọn cướp sát hại dã man.
Bình luận (0)