Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo cho thấy xu hướng làm những công việc theo yêu cầu trên nền tảng trực tuyến (Gig work) đang gia tăng trên toàn cầu và những mặt trái của công việc này là vấn đề cần được xem xét nghiêm túc.
Thiếu điểm tựa
WB ước tính trên toàn cầu có 435 triệu người nhận việc làm theo yêu cầu trên nền tảng trực tuyến. Nhu cầu đối với loại hình công việc này đã tăng 41% trong giai đoạn từ năm 2016 đến quý I/2023. Tuy nhiên, xu hướng việc làm này làm dấy lên lo ngại về mức độ an toàn và quyền lợi của người lao động (NLĐ) trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái. Theo WB, những người làm việc tạm thời trong thế giới Gig work không có hợp đồng lao động ràng buộc và ít được hưởng các loại bảo hiểm trong lưới an sinh quốc gia.
Tại Việt Nam, sự bùng nổ của các ứng dụng giao đồ ăn, hàng hóa, xe công nghệ cũng tạo nên một cộng đồng NLĐ thời vụ đông đảo. Hiện cộng đồng lao động này đang gặp nhiều khó khăn, có dấu hiệu chững lại. Vũ Văn Hưng (24 tuổi, quê Kon Tum) quyết định trở thành tài xế xe ôm công nghệ khi vừa tốt nghiệp cao đẳng năm 2021, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Hưng cho biết lúc mới ra nghề chạy từ sáng sớm đến 22 giờ thu nhập cũng khá. Nhưng từ cuối năm 2022 đến nay, chạy toàn thời gian chỉ đủ chi tiêu, trả tiền trọ.
"Dạo này nhiều hãng, người chạy đông, tỉ lệ ăn chia cũng tăng do các hãng đang lỗ phải cố gắng lấy tiền từ cuốc chạy để bù chi phí. Giờ có ngày chỉ chạy được 5 cuốc, có ngày chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng" - Hưng thở dài. Cùng cảnh ế cuốc, chị Lưu Thị Thanh (30 tuổi, quê Hậu Giang) cũng than chạy xe công nghệ rất bấp bênh, thà làm công nhân (CN) lương thấp nhưng ổn định hơn. "Trước đây tôi làm CN nhưng công ty giải thể nên chạy xe ôm công nghệ tạm thời. Đến nay đã làm được 5 tháng nhưng thu nhập không bằng làm CN, nắng mưa hao mòn sức khỏe mà còn nguy hiểm nữa" - chị Thanh bày tỏ.
Trong khi đó, anh Lê Xuân Vững (33 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) là quản lý nhà hàng, làm toàn thời gian nhưng không được ký hợp đồng lao động, không tham gia bất cứ loại bảo hiểm nào. Với đặc thù công việc phải thức khuya, uống nhiều bia rượu nên anh thường xuyên gặp vấn đề về sức khỏe, đi khám bệnh khá tốn tiền. "Mang tiếng là lương cao nhưng đến giờ tôi không dám lập gia đình, không tiền tiết kiệm, không có điểm tựa nào cho tương lai" - anh Vững nói.
Ít khách, nhiều tài xế xe công nghệ tụm lại nói chuyện giết thời gian
Cung vượt cầu
Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Giám đốc dịch vụ tuyển dụng toàn quốc, Adecco Việt Nam, Gig work phát triển mạnh mẽ trong thời đại công nghệ số và sự bùng nổ của nền kinh tế đã xuất hiện những công việc mới. Điều đó hình thành những vị trí việc làm tạm thời, bán thời gian, còn các công ty có xu hướng thuê lao động tự do thay vì nhân viên toàn thời gian.
Công việc thời vụ có một số ưu thế vượt trội so với những công việc truyền thống như thời gian làm việc linh hoạt, khối lượng công việc tùy ý theo khả năng cho phép. Những yếu tố này chính là điều kiện tiên quyết để NLĐ có thể cân bằng được cuộc sống và là điểm thu hút ngày càng nhiều người trẻ tham gia nhóm việc làm này.
Bên cạnh đó, nhiều NLĐ cũng xem công việc thời vụ là nguồn thu nhập bổ sung trong bối cảnh khó khăn. "Vì vậy, số người tham gia nền kinh tế Gig ngày một nhiều. Nhưng công việc thời vụ cũng chỉ được coi là một giải pháp tạm thời, bởi nó không bảo đảm được yếu tố bền vững" - ông Chương nhận xét.
Dù được coi là nguồn thu chính hay phụ, những công việc thời vụ sẽ khiến NLĐ bị gạt ra bên lề thị trường lao động chung. Một nghiên cứu về "thị trường việc làm Gig work" đã chỉ ra những NLĐ thời vụ hầu hết đều nhận được mức lương thấp hơn so với các đồng nghiệp làm việc toàn thời gian và được thuê chính thức, dù khối lượng công việc và vị trí đảm nhận hoàn toàn ngang nhau.
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực mà nền kinh tế Gig mang lại. Việc các doanh nghiệp coi những người làm công việc thời vụ là đối tác thay vì nhân viên sẽ là điều thiệt thòi đối với NLĐ, bởi khi đó họ sẽ không được hưởng các quyền và lợi ích đi kèm như mức thuế hay bảo hiểm.
Hiện các doanh nghiệp có đông lực lượng lao động Gig work cũng đang gặp khó trong cuộc đua giành thị phần. Mới đây, ứng dụng giao đồ ăn đứng thứ 3 tại Việt Nam là Baemin đã phải cắt giảm nhân sự và tuyên bố thu hẹp hoạt động tại Việt Nam. Động thái này phần nào phản ánh "bong bóng" việc làm thời vụ sắp vỡ. Trước đó, Grab Holdings (công ty mẹ của Grab Việt Nam) đã cắt giảm hơn 1.000 nhân sự trong nỗ lực giảm chi phí và cơ cấu lại tập đoàn trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng tăng.
Bình luận (0)