Nghiên cứu của Viet Research chỉ ra 4 xu hướng chính trong phát triển thị trường lao động Việt Nam 3 năm tới gồm: làm việc từ xa trở thành xu hướng tất yếu; tăng cường chuyển dịch cơ cấu lao động sang lĩnh vực công nghệ; dư thừa lao động và tỉ lệ thất nghiệp tăng, gia tăng lao động phi chính thức.
Việc làm chưa thỏa đáng
Tại hội thảo về thúc đẩy việc làm thỏa đáng mới đây do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức, bà Chu Thị Lê Anh, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia, nhấn mạnh cần quan tâm nhiều hơn đến bảo đảm tính thỏa đáng trong việc làm ở khu vực phi chính thức. Lao động khu vực phi chính thức đang chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu thị trường lao động của Việt Nam, tác động mạnh mẽ đến phát triển và bảo đảm việc làm nói chung.
Hiện có 33 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 64,6% trong tổng số việc làm của nền kinh tế. Số lao động này hầu hết có trình độ chuyên môn thấp, làm các công việc thiếu bền vững, bấp bênh, ít được bảo vệ bởi pháp luật lao động vì không ký kết hợp đồng lao động. Do đó, hầu như họ không được hưởng các chế độ an sinh, phúc lợi xã hội và các điều kiện lao động an toàn như lao động chính thức.
Theo bà Lê Anh, lao động phi chính thức thường ở thế yếu trong thương lượng để bảo đảm điều kiện làm việc cũng như cơ hội, yêu cầu nâng cao thu nhập. Điều đó dẫn đến hệ quả là người lao động (NLĐ) trong khu vực này có thu nhập thấp hơn so với mức lương tối thiểu vùng.
Người chạy xe công nghệ là lực lượng lao động phi chính thức ngày càng đông tại Việt Nam
Bài học từ đại dịch COVID-19 cho thấy dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng, gồm cả nhóm lao động phi chính thức nhưng thực tế nhiều NLĐ tự do đã không tiếp cận được các gói hỗ trợ này. "Từ những kết quả nghiên cứu, chúng tôi khẳng định việc làm trong khu vực phi chính thức đang không thỏa đáng. Vì vậy, để hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ, giai đoạn tới cần triển khai có trọng điểm, tập trung vào các ưu tiên, trong đó có lực lượng lao động phi chính thức nhiều hơn" - bà Lê Anh nói.
Bên cạnh đó, phương tiện, môi trường làm việc của lao động phi chính thức cũng không được bảo đảm. Lý do là phần lớn chủ sử dụng lao động của họ thường là cơ sở sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô tài chính hạn hẹp. Vì thế, việc trang bị cho NLĐ trong môi trường làm việc chỉ ở mức cơ bản.
Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình - dự án An sinh xã hội Việt Nam, cho biết trong tổng số lao động phi chính thức chỉ 0,2% đóng BHXH bắt buộc và 1,9% đóng BHXH tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia. "Như vậy, phần lớn lao động phi chính thức đối diện rất nhiều thiệt thòi vì không được bảo vệ đầy đủ bởi hệ thống pháp luật về lao động. Trong khi đó, lao động khu vực này đang giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo" - ông Việt Anh nhấn mạnh.
Nhiều mô hình hay
Theo BHXH Việt Nam, nhiều cách làm hay, mô hình thiết thực đang thu hút hàng ngàn lao động phi chính thức vào lưới an sinh rất hiệu quả. Nhiều địa phương đã sáng tạo, triển khai các mô hình phát triển người tham gia BHXH, BHYT như: "Phụ nữ tiết kiệm nuôi heo đất mua thẻ BHYT hộ gia đình", "Hùn vốn mua thẻ BHYT", "Biến rác thải thành thẻ BHYT" thu hút đông đảo NLĐ tham gia. Các mô hình xã hội hóa đã vận động được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ, tặng sổ BHXH tự nguyện, thẻ BHYT cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Tại tỉnh Bến Tre, dù mới ra mắt nhưng mô hình "Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện" đã được nhân rộng tại 403 tổ phụ nữ với gần 4.300 người, trong đó có 1.679 thành viên tham gia BHXH tự nguyện. Mô hình "Ve chai" của Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã trao gần 5.000 thẻ BHYT cho gia đình hội viên khó khăn với nhiều tỉ đồng. Mô hình "Giúp nhau mua BHYT trả góp" tại tỉnh An Giang đã hỗ trợ hàng ngàn phụ nữ có BHYT.
BHXH tỉnh Quảng Nam đã triển khai phương án cài đặt nhạc chờ "BHXH tự nguyện" - hình thức tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện mang tính lan tỏa nhanh, mạnh trong bối cảnh chuyển đổi số. Nhạc chờ "BHXH tự nguyện" được tất cả cán bộ, viên chức BHXH tỉnh, nhân viên đại lý thu, tuyên truyền viên tại các địa phương cài đặt. Khi người dân gọi điện đến sẽ được tư vấn qua bản nhạc quen thuộc, nhờ đó quan điểm về BHXH tự nguyện đã lan tỏa nhanh tại xứ Quảng.
Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ - Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TP HCM, cho rằng vai trò của truyền thông rất quan trọng, nhất là ở những nơi NLĐ mất việc, khu vực nhiều lao động phi chính thức. "Nội dung truyền thông cần cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu và công tác truyền thông cần có chiến lược sâu, rộng, linh hoạt, thường xuyên" - ông Thắng nói.
Số lượng NLĐ rút BHXH một lần cũng là thách thức với ngành trong việc thu hút lao động phi chính thức vào lưới an sinh bởi số lao động này vì khó khăn nhất thời mà rời lưới an sinh. Đối với cơ quan BHXH, ông Thắng đề xuất cần có chính sách khuyến khích, ban hành thể chế để thu hút NLĐ khu vực phi chính thức tham gia, bổ sung các loại hình BHXH theo hướng linh động cho nhiều đối tượng; cần xác định rõ lại các mối quan hệ lao động, tăng cường giám sát tại các đơn vị, doanh nghiệp trong thực hiện BHXH cho NLĐ; cần đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm để đưa NLĐ khu vực phi chính thức vào chính thức.
Bình luận (0)