“20 năm gắn bó với công ty, tôi chưa từng thấy công nhân (CN) nào may nhanh và khéo như chị Huệ! Đam mê nghề nghiệp và ý thức cầu tiến đã giúp chị tiến xa trong nghề”. Ông Phạm Văn Có, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty CP May Sài Gòn 3, đã nhận xét như vậy về nữ CN Cao Thị Huệ - một điển hình trong phong trào thi đua tại doanh nghiệp.
Sinh ra ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, chị Huệ cũng lành lặn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, cơn sốt bại liệt năm lên 3 tuổi đã khiến đôi chân của chị không thể đi lại bình thường. Gạt qua mặc cảm và không muốn thua kém bạn bè, với nỗ lực phi thường, chị vẫn gắng gượng đến lớp. Học hết THCS, do nhà xa, đi lại khó khăn nên chị đành gác lại việc sách vở.
Không thể tiếp tục học chữ, chị Huệ chọn học nghề may để nuôi thân. Ra nghề, chị mở tiệm may quần áo tại nhà. Tiếng thơm về cô thợ may rất biết chiều lòng khách, đặc biệt là may vá vô cùng khéo, chẳng mấy chốc đã vang xa. Nhờ vậy, chị có thể tự lo được cho bản thân. Thế nhưng, trụ với nghề được một thời gian, chị đành phải đóng cửa tiệm do không thể cạnh tranh với quần áo may sẵn giá rẻ bán đầy ngoài chợ.
Năm 2007, chị Huệ lên TP HCM xin vào làm CN tại Công ty CP May Sài Gòn 3 - một đơn vị điển hình tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật. Ý thức được sự thua thiệt so với đồng nghiệp, chị dặn lòng phải nỗ lực gấp 2-3 người thường. Vốn khéo léo lại chịu thương chịu khó nên chị nắm bắt công việc rất nhanh. Từ chỗ cái gì cũng thấy lạ lẫm, chị dần dà làm chủ được các công đoạn may khó trong sự ngạc nhiên lẫn thán phục của đồng nghiệp.
Nỗ lực bền bỉ ấy của chị Huệ đã được đền đáp bằng năng suất lao động vượt trội so với đồng nghiệp. Đó cũng là lý do mà công đoạn nào cần may gấp nhưng thiếu nhân công là chị được điều đến bổ sung. Hiện thu nhập bình quân hằng tháng của chị luôn trên 8 triệu đồng - một con số rất ít CN trẻ đạt được.
Sáng tạo không ngừng
Tại lễ tuyên dương điển hình thi đua yêu nước do Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định tổ chức mới đây, nhiều ánh mắt đổ dồn vào một phụ nữ rụt rè nhưng có thành tích lao động rất đáng nể. Đó là chị Hoàng Thị Lợi, CN Công ty CP Dệt may Gia Định - Phong Phú (thuộc Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định).
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có đến 10 anh chị em ở Quảng Bình, học hết lớp 7, Lợi theo chị ruột vào TP HCM làm CN may. Làm được vài năm, chị vào Công ty Cơ sở Dệt may Gia Định (tiền thân của Công ty CP Gia Định - Phong Phú) và gắn bó 22 năm nay.
Ở công ty, chị Lợi được biết đến như một tấm gương điển hình trong lao động sáng tạo. Nổi bật nhất ở chị là khả năng sáng tạo không ngừng, tìm tòi nhiều giải pháp hữu ích để rút ngắn thời gian làm việc và tăng năng suất lao động. Đơn cử, khi may công đoạn như vai, cổ áo - đòi hỏi CN phải đặt rập để đường may chính xác, bằng kinh nghiệm của mình, chị Lợi đạp thẳng mà không đặt rập. Sáng kiến này giúp chị tiết kiệm nhiều thời gian, tăng năng suất nhưng vẫn bảo đảm được chất lượng sản phẩm.
Khéo léo và chỉn chu trong công việc nên sản phẩm của chị Lợi may ít khi mắc lỗi hoặc hư hao. Tại hội thi thợ giỏi do CĐ Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định tổ chức, chị đoạt giải Bàn tay vàng may áo polo.
Không chỉ giỏi nghề, chị Lợi còn được đồng nghiệp trẻ quý mến bởi luôn hết lòng truyền đạt kinh nghiệm cho lớp thợ đàn em. Với sự hướng dẫn tận tâm của chị, nhiều thợ trẻ đã trưởng thành, có chỗ đứng vững chắc tại doanh nghiệp. “Xa quê kiếm sống nên tôi hiểu được mong muốn cải thiện tay nghề và nâng cao thu nhập của họ. Truyền đạt kỹ năng nghề cho anh em, tôi chỉ mong giúp họ ổn định cuộc sống” - chị bộc bạch.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch CĐ Công ty CP Gia Định - Phong Phú, chính bản lĩnh nghề nghiệp và tinh thấn dấn thân với nghề đã giúp chị Lợi khẳng định năng lực bản thân, là chỗ dựa tin cậy cho đồng nghiệp.
Ông Giang Văn Nam, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM:
Dấn thân với nghề
“Sự trưởng thành của chị Huệ và chị Lợi thể hiện rõ nét tinh thần dấn thân với nghề, hết lòng vì đồng nghiệp của người thợ. Biết cách vươn lên để khẳng định mình trong mọi hoàn cảnh, họ chính là hạt nhân nòng cốt của phong trào lao động giỏi - lao động sáng tạo tại đơn vị. Không đầu hàng số phận và hết lòng truyền đạt kinh nghiệm cho lớp thợ đàn em, họ xứng đáng được tôn vinh.
Bình luận (0)