Để có cơ sở đề xuất các giải pháp góp phần cải thiện bữa ăn giữa ca cho người lao động (NLĐ), ngày 8-10, LĐLĐ TP HCM đã tổ chức các đoàn khảo sát chất lượng bữa ăn tại một số doanh nghiệp (DN) đông lao động, đồng thời tổ chức lấy ý kiến của DN, đội ngũ cán bộ Công đoàn (CĐ), công nhân (CN) về vấn đề tổ chức bữa ăn giữa ca cho CN.
Không chỉ là ăn no
Tại quận Bình Tân, ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, đã dẫn đầu đoàn cán bộ CĐ đến thăm nhà ăn và dùng bữa trưa với CN Công ty TNHH Lạc Tỷ. Cùng ăn trưa với CN với thực đơn gồm: cơm, canh chua tôm, cá lóc chiên (hoặc thịt heo xào), rau cải thảo xào (hoặc bầu luộc), các đại biểu đánh giá cao chất lượng bữa ăn tại đây, bởi thực phẩm khá tươi ngon, nêm nếm vừa miệng.
Chia sẻ với đoàn công tác, bà Nguyễn Thị Thu Hà, phó tổng giám đốc công ty, cho biết công ty có khoảng 2.900 lao động. Trước năm 2018, bữa ăn giữa ca của CN do công ty ký hợp đồng với một nhà cung cấp suất ăn công nghiệp. Thời điểm đó, giá mỗi suất ăn là 16.500 đồng (chưa gồm thuế GTGT), cao hơn mức sàn mà Tổng LĐLĐ Việt Nam khuyến nghị, song NLĐ vẫn thường xuyên phàn nàn về chất lượng. Do đó, từ năm 2018, công ty quyết định thành lập bếp ăn để tổ chức bữa ăn cho CN. Hiện tại mỗi suất ăn của CN tại đây có giá trước thuế là 20.000 đồng/suất, do công ty hỗ trợ toàn bộ.
Công nhân Công ty TNHH Lạc Tỷ dùng cơm trưa
Để suất ăn đáp ứng đủ 4 tiêu chí no, ngon, an toàn, đủ dinh dưỡng, DN quy định các chiết khấu khi mua thực phẩm phải đưa vào khẩu phần ăn cho CN. Nhân viên nào chiếm dụng khoản này sẽ bị sa thải. Không chỉ vậy, nguồn thực phẩm tìm mua tận gốc từ các nhà cung cấp có uy tín, có chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có sự giám sát của CĐ, phòng y tế, ban quản lý an toàn vệ sinh lao động và lưu mẫu hằng ngày. Nhân viên nhà ăn được khám sức khỏe và định kỳ tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định. Nhờ vậy mà từ khi tự tổ chức bữa ăn, công ty ít khi nhận được ý kiến phản ánh của NLĐ.
Tham quan nhà ăn của Công ty TNHH Hansae Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc), đoàn công tác cũng đánh giá cao cách thức tổ chức bài bản của bếp ăn tập thể. Công ty có 5 nhà ăn với sức chứa từ 700 - 1.000 người/lần/nhà ăn. Mỗi ngày, nhà ăn có 3 món mặn, 1 món chay và 1 món nước cho CN lựa chọn. DN có 4 bộ phận phụ trách nhà ăn là phòng nhân sự, CĐ cơ sở, phòng khiếu kiện và phòng khách hàng. Khi có bất cứ vấn đề nào về bữa ăn giữa ca, CN có thể trực tiếp phản ánh với các bộ phận trên. CĐ còn lắp đặt hộp thư tại mỗi xưởng để nhận thư góp ý của CN về chất lượng bữa ăn, thái độ phục vụ của nhân viên nhà ăn.
Ông Trần Long Thuận, Phó Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Hansae Việt Nam, cho biết buổi sáng hằng ngày, phòng nhân sự và phòng y tế lấy mẫu nguyên liệu đầu vào, chụp ảnh khay mẫu. Đại diện tổ CN kiểm tra chất lượng bữa ăn. Trong giờ ăn, phòng nhân sự phát phiếu khảo sát khoảng 500 CN của 7 xưởng về chất lượng bữa ăn, tổng hợp ý kiến và cuối ngày họp với nhà ăn để khắc phục. Chính vì quy trình chặt chẽ như thế nên có vấn đề gì về bữa ăn giữa ca của CN, hôm sau đã được khắc phục ngay.
Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá
Song song với việc đi thực tế khảo sát bếp ăn của các DN, LĐLĐ TP cũng tổ chức 3 cuộc tọa đàm về chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ tại 3 khu vực gồm: quận Gò Vấp, quận Bình Tân và KCN Tây Bắc Củ Chi.
Trao đổi tại tọa đàm, hầu hết các đại biểu đều cho rằng hiện nay bữa ăn giữa ca cho NLĐ chưa được luật hóa nên vẫn phụ thuộc vào thiện chí của DN khiến CĐ gặp nhiều khó khăn trong việc thương lượng các vấn đề liên quan. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ lao động và sức khỏe của NLĐ. Ông Phạm Văn Tài, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, cho biết trước đây, trên địa bàn quận có một cụm công nghiệp gồm nhiều DN về may mặc.
Tuy nhiên, điều kiện mà chủ cho thuê mặt bằng đưa ra là các DN này không được tự tổ chức bữa ăn mà phải sử dụng dịch vụ suất ăn công nghiệp của một bếp ăn trong cụm. Do không có sự lựa chọn và không được chủ động nên dù DN phải chi tiền nhưng chất lượng bữa ăn của CN rất thấp, không bảo đảm an toàn, họ thường xuyên ý kiến thậm chí dẫn đến những cuộc ngừng việc tập thể.
"Bữa ăn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của NLĐ và cả quan hệ lao động trong DN, vì vậy pháp luật cần có các quy định cụ thể về vấn đề này. Theo tôi, cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bữa ăn giữa ca để làm cơ sở cho CĐ kiểm tra, giám sát cũng như thương lượng với chủ DN" - ông Tài kiến nghị. Đồng tình với quan điểm trên, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, cho rằng cần đưa bữa ăn vào luật.
Ngoài ra, các ý kiến cho rằng cần tăng cường vai trò của CĐ trong cải thiện chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ, cụ thể là việc CĐ phải được tham gia giám sát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thực phẩm cũng như quy trình vận hành của bếp ăn.
Ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TP, cho biết bữa ăn giữa ca hiện nay thành 3 nhóm trong đó nhóm thấp nhất là các DN dệt may có vốn Đài Loan (Trung Quốc), chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng/suất, nhà ăn không có máy điều hòa, bữa ăn chỉ đáp ứng nhu cầu no bụng. "CĐ hiện nay chỉ đề xuất và giám sát bữa ăn giữa ca, không thể xử phạt DN vi phạm hay có chất lượng bữa ăn quá tệ. Dù vậy, CĐ cấp trên cơ sở có thể tổ chức các buổi tham quan, ăn thử cho các DN học hỏi, rút kinh nghiệm hay giới thiệu nhà thầu uy tín, chất lượng hơn" - ông Thành đề xuất.
Còn ông Trần Thanh Thảo, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 8, cho rằng Nghị quyết 07C/NQ-BCH của Tổng LĐLĐ Việt Nam quy định mỗi suất ăn có giá tối thiểu từ 15.000 đồng. Các DN căn cứ vào quy định này và chỉ thực hiện hỗ trợ suất ăn có giá bằng với mức tối thiểu. Trong khi đó, kể từ khi có nghị quyết đến nay, vật giá tăng nhanh nên với mức giá 15.000 đồng rất khó có thể thực hiện được một bữa ăn đủ cả chất và lượng cho NLĐ.
"Theo tôi, cần điều chỉnh mức tối thiểu lên 20.000 đồng. Ngoài ra, cũng nên có quy định về suất ăn cho NLĐ khi tăng ca từ 2 giờ trở lên để NLĐ bổ sung năng lượng, tái tạo sức lao động, song hiện nay có rất ít DN thực hiện điều này" - ông Thảo đề xuất.
Ông KIỀU NGỌC VŨ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Đưa bữa ăn ca vào thỏa ước
Bữa ăn giữa ca rất quan trọng đối với NLĐ và cả DN. Khi suất ăn được bảo đảm, NLĐ có đủ sức khỏe làm việc để cống hiến cho DN, đồng thời hạn chế xảy ra tai nạn lao động và tranh chấp lao động tập thể. Qua khảo sát cho thấy đa số DN tại TP HCM đều có quan tâm và tổ chức bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Tuy nhiên, để nâng chất lượng bữa ăn giữa ca thì cần đưa nội dung này vào thỏa ước lao động tập thể để từ đó CĐ và NLĐ có cơ sở để thương lượng và giám sát việc thực hiện.
Bình luận (0)